Thực phẩm ở Iraq đắt đỏ, thiếu đủ thứ không giống Việt Nam, thế nhưng Ngọc Huyền vẫn nghĩ ra vô vàn món ăn đổi vị cho ông xã, chỉ dao động từ 50-100 nghìn/bữa.
Nguyễn Ngọc Huyền (23 tuổi, Bắc Ninh) đang cùng ông xã và con trai sống tại Iraq. Được biết, ông xã Ngọc Huyền đang làm kỹ sư cho một công ty ở Iraq còn cô sau khi học xong trường Y Dược Thái Nguyên cũng theo chồng sang đất nước Hồi giáo này làm công việc nội trợ gia đình.
Ngọc Huyền hiện cùng ông xã và con sống ở Iraq.
Ngọc Huyền cho biết, khoảng thời gian đầu mới sang cô dự định sẽ xin vào làm ở một bệnh viện, tuy nhiên mọi dự định của cô đều tiêu tan khi có sự xuất hiện của em bé. Nhớ lại khoảng thời gian ấy, cô lại sợ vì bị khủng hoảng về vấn đề ăn uống khi không có quán bún, phở, cháo, trà sữa, đồ ăn vặt... giống như ở Việt Nam. Thậm chí, thịt lợn, nước mắm cũng không hề có ở đất nước Hồi giáo này. Ngay cả hải sản cũng trở nên đắt đỏ đến cả triệu vì phải nhập từ nơi có biển về.
Điều cô bất ngờ nhất khi sống ở đây là gạo hạt dài gấp đôi gạo ở Việt Nam và mùi khá hôi. Khi nấu cho khá nhiều nước vẫn khô, rời rạc, khó ăn. Mãi nửa tháng sau, trong một lần đi siêu thị tìm được loại gạo Thái Lan hạt gạo nhỏ như ở Việt Nam, cô mới nấu được những bữa cơm chuẩn Việt. Chưa kể, ở bên này chỉ dùng muối và gia vị cay nồng nên cô phải mang mì chính, hạt nêm, bột canh từ Việt Nam sang hay cô phải chế biến thịt gà thay thế thịt lợn trong mỗi món ăn.
Dù nấu được ít món do không có thịt lợn và thực phẩm không được phong phú như ở Châu Á và các nước Châu Âu nhưng cô vẫn vui vì mang được những món ăn Việt trên mâm cơm ở Iraq.
“Những món ăn mình làm từ thịt gà thay thế thịt lợn có thể kể đến như canh măng khô. Bánh đa nem không có miến, su hào, đu đủ xanh mình thay bằng cà rốt, hành tây, mì tôm. Hương vị của những món này không khác nhiều, ăn khá ngon”, Huyền cười chia sẻ.
Những mâm cơm chuẩn Việt cô nấu dù thực phẩm thiếu thốn.
Huyền tâm sự, kể từ khi sang Iraq cô yêu thích và đam mê nấu ăn hơn. Nếu như trước đây cô không khéo léo trong chuyện bếp núc, mọi chuyện vẫn phải nhờ gia đình hỗ trợ thì giờ đây, cô đã có thể làm rất nhiều món ăn ngon, khả năng nấu ăn cũng tăng lên vượt bậc. Cô sáng tạo được ra rất nhiều món ăn mới lạ trong sự thiếu thốn ở nơi đây.
Hàng ngày, cô lên mạng mày mò, tìm hiểu cách gói bánh chưng không cần lá, bánh Trung thu không có khuôn hay làm trà sữa trân châu, đậu hũ, sữa chua, bún để cho chồng ăn vơi đi nỗi nhớ món ăn quê hương. Trong đó, bánh chưng và bánh Trung thu, 9X này nhận được không ngớt lời khen của mọi người.
“Đất nước Hồi giáo không có thịt lợn mình dùng đùi gà, không có lá dong hay lá chuối, mình dùng nước ép của rau bina để ngâm gạo tạo màu cho bánh và dùng màng bọc thực phẩm, giấy bạc để gói bánh. Ở bên này cũng không có khuôn gỗ, mình thay bằng hộp trà vuông khi làm bánh chưng.
Còn bánh Trung thu khó nhất và không thể làm được nhân thập cẩm nên mình chỉ làm nhân đậu xanh. Không có khuôn như ở Việt Nam, mình bất chợt nảy ra suy nghĩ dùng gạt tàn thuốc thủy tinh chưa ai dùng tới để ép bánh và dùng đáy cốc để tạo hình cho bánh được đẹp hơn.
Ngoài ra, mình còn học công thức làm bún tươi nhưng gặp phải sự cố vì bột gạo ở đây không hòa tan được với nước như ở Việt Nam nên khi luộc sợi bún rời rạc, đứt gãy. Mình làm 2 lần không biết sai đâu cho đến khi dùng bột gạo khuấy bột cho em bé mới biết nguyên nhân”, Huyền chia sẻ về những món ăn sáng tạo nơi xa xứ của mình.
Bánh Trung thu làm từ khuôn gạt tàn thuốc.
Bánh chưng làm từ thịt gà.
Những món ăn Huyền tìm hiểu, sáng tạo.
Hiện nay, do bận chăm con nhỏ 9 tháng tuổi nên mỗi ngày Huyền thường tranh thủ lúc con chơi ngoan để chế biến thực phẩm trước như sơ chế cá, thịt bò và ướp sẵn để tủ lạnh đến khi mang ra nấu cho nhanh. Thông thường, các món như rau luộc, thịt bò xào rau củ, gà kho gừng, gà chiên nước mắm, canh khoai tây, cá kho, canh chua, rau bina hay bầu nấu tôm khô, cá khô chiên mang từ Việt Nam sẽ thay đổi trong mỗi bữa ăn của vợ chồng cô.
Do thực phẩm Iraq khá đắt đỏ như thịt bò khoảng 300 nghìn/kg, cá chép 110 nghìn/kg cộng phí mổ 30 nghìn, bầu nhập khẩu khoảng 60 nghìn/kg nên mâm cơm của 2 vợ chồng Huyền mỗi bữa chỉ đơn giản có một món canh và 1-2 món xào hoặc kho. Trung bình mỗi tháng vợ chồng cô mất khoảng 3,5-4 triệu/tháng tiền ăn.
“Mỗi bữa ăn mình nấu dao động khoảng 100 nghìn/ bữa, có những bữa khoảng 50 nghìn vì mình mang 1 ít thực phẩm từ Việt Nam sang. Một tháng vợ chồng mình đi siêu thị 4 lần, chi phí cho thực phẩm cả tháng rơi vào khoảng 3,5-4 triệu/tháng”, Ngọc Huyền cho hay.
Những bữa ăn của cô trung bình 50-100 nghìn.
Kể từ khi có vợ sang Iraq sống cùng, lo cơm canh tươm tất, làm đêm còn được uống trà trái cây, sữa hạt và bánh ngọt bồi bổ mà dạo gần đây ông xã Huyền phải thường xuyên than phiềm quần áo mặc bị chật, thậm chí bung cả cúc áo vì lên cân. Tuy nhiên, anh vẫn rất vui vì mỗi bữa ăn được quây quần bên vợ con, ăn cơm vợ nấu. Lần nào anh cũng từ chối những cuộc hẹn của bạn bè để về ăn cơm với vợ.
Tuy ở nhà vừa trông con, vừa nội trợ vất vả nhưng Huyền vẫn cố gắng vào bếp mỗi bữa. Cô muốn chồng về đến nhà sau 12 tiếng làm việc cực nhọc không chỉ vì tiếng cười của con xua tan đi mệt mỏi, mà còn được ăn ngon miệng với những mâm cơm tươm tất, gọn gàng vợ nấu. Đó chính là niềm hạnh phúc mỗi ngày của cô.
Một số hình ảnh mâm cơm Việt của Huyền ở Iraq.