Hương vị mềm ngon, thơm nức, lại có chút ngòn ngọt của trứng vịt lộn cùng những biến tấu siêu đỉnh của nó khiến nhiều người Châu Á mê mẩn.
Mới đây, Taste Atlas - một trang web chuyên về ẩm thực dành cho khách du lịch đã bình chọn trứng vịt lộn là một trong 6 món trứng tệ nhất Châu Á. Trong danh sách này còn có các món trứng chiên hàu, súp trứng (nhìn giống canh trứng), trứng vịt bắc thảo của Trung Quốc; trứng cuộn, trứng hấp của Hàn Quốc.
Taste Atlas viết, trứng vịt lộn là món ăn phổ biến ở Philippines, được phục vụ ở khắp mọi nơi, từ quán vỉa hè cho đến các nhà hàng cao cấp. Đó là một quả trứng vịt được luộc chín khi phôi đã phát triển thành hình. Theo truyền thống, món trứng vịt lộn này được phục vụ cả vỏ.
Taste Atlas đánh giá trứng vịt lộn là 1 trong 6 món trứng tệ nhất Châu Á.
Món ăn này được coi là một món ăn có thể gia tăng sức khỏe tình dục, được ăn kèm với một cốc bia lạnh. Mon ăn này còn được ăn kèm với các gia vị như ớt, tỏi, giấm, muối, nước cốt chanh, tiêu xay và lá bạc hà... Nó cũng có thể được rán cùng trứng hoặc dùng làm nhân cho bánh ngọt. Mặc dù trứng vịt lộn gắn liền với ẩm thực Philippines nhưng nó đã trở nên phổ biến trên thế giới xong nó vẫn được coi là bữa ăn của người nghèo tại Philppines.
Cũng trên trang Taste Atlas, trứng vịt lộn được đánh giá ở mức điểm 2,8/5 điểm.
Thực tế, không chỉ ở Philppines, trứng vịt lộn cũng vô cùng phổ biến ở Việt Nam, Campuchia, Lào. Đây là món ăn nhẹ hoặc ăn vặt vào bữa sáng, bữa xế, hay đêm tùy theo sở thích của mỗi người. Nếu người Philippines ăn trứng vịt với là bạc hà thì người Việt Nam lại thích ăn chúng với rau răm và gừng thái sợi, bột canh. Còn giấm tỏi và hạt tiêu tùy theo sở thích.
Trứng vịt lộn là một thực phẩm giàu dinh dưỡng. Một quả trứng vịt lộn cung cấp 182 kcal năng lượng; 13,6 gam protein; 12,4 gam lipid; 82 mg canxi; 212 gam photpho và 600 mg cholesterol. Ngoài ra còn có rất nhiều beta carotene, các vitamin nhóm A, nhóm B và vitamin C, sắt...
Khi ăn, trứng vịt lộn kết hợp với gừng và rau răm cũng đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong đó, trứng vịt lộn có tác dụng tu âm, dưỡng huyết, ích trí, giúp cơ thể nhanh tăng trưởng. Rau răm có tác dụng trừ hàn, tiêu thực, sáng mắt, sát trùng, mạnh chân gối, ấm bụng, chữa đầy bụng khó tiêu… Gừng tươi có tác dụng kích thích tiêu hóa, mạnh tim, giải độc thức ăn, chống suy giảm tình dục… Theo quan niệm của y học cổ truyền, món trứng vịt lộn ăn cùng gia vị là một bài thuốc, dùng chữa thiếu máu, suy nhược, còi cọc, đau đầu chóng mặt, yếu sinh lý…
Mặc dù bổ dưỡng như vậy nhưng các chuyên gia y tế vẫn khuyên không nên ăn trứng vịt lộn quá nhiều sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe. Với người lớn khỏe mạnh tốt nhất chỉ nên ăn 2 trứng vịt lộn mỗi tuần.
Thông thường, trứng vịt lộn được luộc vừa chín tới sau đó dùng dao bổ bỏ vỏ, tách lấy phần bên trong của quả trứng để luôn vào trong bát. Nhớ để nước của bên trong quả trứng chảy vào bát tránh lãng phí. Khi thưởng thức, trứng vịt lộn ăn kèm bột canh pha chanh ớt rồi cùng rau răm, gừng thái sợi. Bạn cũng có thể ăn cùng giấm tỏi, hạt tiêu nếu thích.
Ngoài ra, trứng vịt lộn còn được dùng để thả vào nồi lẩu cho ngọt nước, tần thuốc bắc, chiên giòn, sốt me, um bầu... Nói chung tùy theo sở thích của mỗi người mà bạn có thể chế biến sao cho ngon và hợp khẩu vị. Dưới đây là một vài cách nấu trứng vịt lộn bạn có thể tham khảo:
1. TRỨNG VỊT LỘN UM BẦU
Nguyên liệu:
- Trứng vịt lộn: 15 quả
- Hành khô: 5 củ
- Hành lá: 1 mớ
- Rau răm: 1 mớ
- Bầu non: 2 quả
* Mẹo hay: Để chọn trứng vịt lộn non, ngon, bạn có thể áp dụng các mẹo sau:
- Ưu tiên những quả cầm chắc, nặng tay. Loại này đang còn non, nhiều nước và đủ lòng trắng, lòng đỏ.
- Lắc nhẹ nếu không nghe thấy tiếng động thì nên mua.
- Quan sát phần vỏ. Thường trứng ngon thì vỏ thô ráp, bên ngoài không có chấm đen.
- Soi trứng phía dưới ánh sáng, nếu thấy tối hoặc chỉ nhìn thấy lờ mờ bên trong thì những quả đó mới và non.
Đối với quả bầu, bạn nên mua quả vừa phải, trên bề mặt vỏ có lông tơ. Dùng ngón tay bấm nhẹ được vào bề mặt quả thì đó là bầu non.
Ưu tiên chọn mua những quả có cuống to, xanh và còn vết nhựa. Kinh nghiệm dân gian, bầu ngon thường sẽ thẳng, không bị quá cong, vênh.
Cách làm trứng vịt lộn um bầu chuẩn vị Huế:
- Trứng vịt lộn mua về bạn rửa sạch dưới vòi nước rồi cho vào nồi sạch.
- Xếp trứng vào trong nồi rồi đổ nước ngập mặt trứng.
- Bật bếp luộc trứng khoảng 30 phút tới khi chín thì tắt bếp.
- Tách bỏ vỏ trứng vịt lộn. Chú ý, giữ lại phần nước trong trứng vì nó rất ngọt và bổ dưỡng.
* Mẹo hay: Để trứng vịt lộn ngon, thơm hơn, bạn có thể cho thêm lá dứa và gừng vào nồi luộc chung. Lưu ý, lúc mới luộc bạn có thể để lửa to. Khi nước sôi thì vặn nhỏ xuống rồi để khoảng 20 phút nữa là chín.
Sơ chế:
- Hành tím bóc vỏ thái nhỏ.
- Bầu gọt vỏ, thái miếng vừa ăn. Không nên thái miếng bầu quá dày nấu lâu chín, khó ăn. Hoặc thái quá mỏng, bầu sẽ dễ bị nát.
- Rau răm, hành lá bỏ rễ, rửa sạch, thái nhỏ.
Nấu trứng vịt lộn um bầu:
- Cho dầu ăn/mỡ lợn vào trong nồi. Trút hành tím thái nhỏ ở bước 2 vào phi thật thơm.
- Nêm vào đây 1 thìa ớt bột, 1 thìa nước mắm, 1 chút muối, ½ thìa bột ngọt. Dùng đũa đảo đều cho gia vị tan ra.
- Trút phần trứng vịt lộn đã bỏ vỏ trước đó vào. Chú ý, không đảo mạnh tay vì rất dễ khiến cho trứng vịt lộn bị nát.
- Cho bầu đã thái miếng vào, đậy vung um khoảng 20 phút.
- Ở bước này, bạn có thể thêm ½ bát con nước hoặc không cho cũng được.
Hoàn thành:
- Mở vung kiểm tra thấy bầu và trứng vịt lộn đã chín, bạn cho hành lá thái nhỏ vào.
- Nêm nếm lại gia vị sao cho vừa miệng rồi múc ra đĩa/bát để thưởng thức.
Yêu cầu thành phẩm:
Trứng vịt lộn um bầu chuẩn vị Huế sẽ có hương vị thơm ngon, đậm đà. Phần trứng vịt ngọt thơm, ăn béo ngậy xen lẫn bầu um thanh mát, mềm ngon ăn cực kỳ thích.
Nước um đậm vị có chút cay cay, the the của ớt bột, rau răm, thơm đặc trưng từ hành lá, ăn rất đã miệng.
Món trứng vịt lộn um kiểu này phải ăn khi còn nóng hổi. Người Huế thường ủ trong âu nhỏ bằng sành có nắp đậy nên khi ăn vẫn giữ được nhiệt độ lý tưởng đảm bảo hương vị ngon không gì sánh nổi.
Bạn có thể sử dụng món ăn ngon này cho bữa sáng, bữa trưa để bổ sung dinh dưỡng cho một ngày làm việc hiệu quả.
2. TRỨNG VỊT LỘN TẦN NGẢI CỨU
Nguyên liệu:
- Trứng vịt lộn: tùy vào số lượng người
- Ngải cứu: 1 bó nhỏ
- Gói thuốc Bắc dùng để hầm gà: 1 gói
Thực hiện:
Trứng vịt lộn đem luộc qua (chỉ cần luộc trứng để sôi trong khoảng 1 phút). Sau đó bóc bỏ vỏ.
Ngải cứu nhặt rửa sạch, để ráo.
Gói thuốc bắc dùng để hầm gà cũng đem rửa qua, để ráo.
Cho gói thuốc bắc vào nồi, đổ ngập nước, đun sôi trong khoảng 10 phút.
Cho lá ngải cứu vào nồi thuốc sau đó đun sôi trong khoảng 2 phút rồi cho tiếp đến trứng vịt lộn vào. Nêm gia vị và ninh tiếp trong khoảng 10 phút ở mức lửa nhỏ. Cuối cùng nêm vào nồi hầm một ít hạt nêm rồi tắt bếp.
Mách nhỏ: Nếu không sợ ảnh hưởng đến thẩm mĩ thì không cần luộc qua trứng. Chỉ cần làm những bước như trên, sau khi bỏ lá ngải vào nồi thì cũng đập luôn trứng vịt lộn sống vào.
Không nên cho trứng vịt vào đun từ đầu vì khi trứng được đun quá lâu ăn sẽ bị cứng.