Với một đất nước được mệnh danh là tiêu chuẩn của cái đẹp châu Á thì khi quay ngược thời gian 100 năm trước, liệu những mỹ nhân thời ấy có gây ấn tượng ngỡ ngàng như các idol Hàn bây giờ?
Chúng ta vừa được ngắm nhìn nhan sắc các biểu tượng văn hoá Nhật Bản là các nàng geisha của 1 thế kỷ trước với diện mạo mong manh như "băng thanh ngọc khiết" ở bài viết trước. Chắc hẳn nhiều người đang rất tò mò, không biết liệu ở xứ sở Kim Chi, liệu các thiếu nữ xưa có giữ được phong độ đẹp đỉnh như hiện tại?
Vào thời kỳ Goryeo và Joseon, những cô nàng Gisaeng xuất hiện rất nhiều và được đào tạo tựa như các geisha Nhật Bản. Họ được chỉ dạy các kỹ năng nghệ thuật để mua vui cho khách hàng bằng những bài hát, điệu múa và một số tài nghệ khác. Kỹ nữ dù vẫn bị xem là nghề cấp thấp nhưng lại đóng vai trò quan trọng trong văn hoá thời Joseon. Bên cạnh tài năng xuất chúng thì gisaeng cũng phải là những người sở hữu nhan sắc hơn người.
Nổi bật trong số đó phải kể đến nàng Jang Yeon Hong. Nàng sinh năm 1911 và đến những năm 14 tuổi đã nổi tiếng về tài sắc vẹn toàn. Bà vốn là tiểu thư sinh ra trong gia môn quyền quý nhưng sau đó gia đình phá sản, bắt buộc phải gia nhập nhóm gisaeng để mưu sinh.
Mỹ nhân họ Jang sở hữu gương mặt tròn đầy, đôi mắt 1 mí, sống mũi cao và đôi môi chúm chím. Tuy ngũ quan có vẻ hơi khác so với tiêu chuẩn cái đẹp của Hàn hiện tại nhưng thời ấy đã khiến bao chàng trai say đắm. Dung nhan của bà còn vang xa khắp cả bán đảo Triều Tiên. Năm 21 tuổi bà đi du học Thượng Hải và mất tích từ đó.
Mỹ nhân nổi tiếng với nghề kỹ nữ khác đó chính là Oh San Wol. Thời Joseon vào những năm 1918 không một ai không biết tới bà. Nhìn vào hình ảnh được truyền lại có thể thấy, tiêu chuẩn trang điểm vào thời Joseon có đôi nét hao hao với Nhật Bản khi đôi môi, làn da và lông mày được trang điểm na ná các nàng geisha.
Góc nhìn chính diện của Oh San Wol được lưu truyền không nhiều nhưng những tấm chụp nghiêng của bà thực sự gây ngỡ ngàng. Mỹ nhân họ Oh sở hữu sống mũi cao, nhọn cho gương mặt nét đẹp sắc sảo, quyến rũ. Bảo sao bà được ca tụng là gisaeng vạn người mê thời Joseon.
Jang Yeon Hong và Oh San Wol là 2 mỹ nhân sở hữu nhan sắc xinh đẹp hơn người và được sử sách ghi chép, ca tụng. Vậy mặt bằng chung mỹ nhân Hàn thời kỳ này thì sao?
Khi dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ chưa phát triển, những thiếu nữ Hàn xưa lại nổi bật với vẻ đẹp giản dị, phúc hậu và có vẻ đẹp đặc trưng là đôi mắt một mí và chiếc mũi khá thấp.
Khuôn cằm của họ ngày xưa cũng thường tròn đầy chứ chưa được V-line như tiêu chuẩn ở hiện tại.
Có đôi lúc những tấm hình của thiếu nữ Hàn xưa lại mang đôi nét hao hao giống người Việt.
Ở một số vùng, các cô gái thường được gả đi lấy chồng và sinh con từ rất sớm nên có thể nói nhan sắc của họ chưa kịp nở đã tàn.
Có thể nói rằng, ở mỗi thời đại sẽ đều có những mỹ nhân sở hữu nhan sắc hơn người và được dân tình ca tụng. Xứ sở Kim Chi cũng vậy, 100 năm trước điều kiện công nghệ làm đẹp chưa phát triển, những đường nét trên gương mặt các thiếu nữ vẫn có đôi chút thô cứng, nhưng bù lại làn da của họ từ xưa đến nay luôn nổi tiếng là trắng hồng, mịn màng. Âu một phần cũng bởi Hàn Quốc có khí hậu ôn hoà và ít nắng gắt. Tuy nhiên, điều quan trọng là họ còn có bí quyết làm đẹp truyền kì.
Người Hàn Quốc cổ xưa tin rằng một ngoại hình đẹp bắt nguồn từ bên trong cơ thể. Vì vậy họ đã rất chú trọng vào việc sản xuất ra những loại mỹ phẩm có khả năng nuôi dưỡng vẻ đẹp từ bên trong. Mỹ phẩm truyền thống của người Hàn Quốc được làm từ thực vật và ngũ cốc có hương thơm độc đáo và tự nhiên.
Trong sử kí có ghi chép lại, vào thời Silla, người ta thường dùng mỡ lợn để bôi lên da tránh thời tiết hanh khô và lạnh giá. Người tộc Manchu đã sử dụng mỡ lợn để tránh cái rét và giúp làm mềm da.
Sau này, nhiều loại dầu thực vật khác như dầu hướng dương, dầu hạt cải được sử dụng là da căng mịn. Khi chưa có xà phòng hay sữa tắm làm sạch da thì phụ nữ Hàn cổ đại đã tự chế ra jodu - một loại bột đậu xanh nghiền được sử dụng như một loại xà phòng làm sạch khi dùng bột hòa với nước, dung dịch này có chứa saponin, một trong những tác nhân làm sạch hiệu quả. Các loại nước ép quả như nước ép quả bầu cũng được sử dụng để làm sạch da.
Bên cạnh đó, các thiếu nữ Hàn cổ đại còn dùng rễ nhân sâm hoặc các loại đậu xay nhuyễn để tẩy da chết.
Trong những câu chuyện truyền thuyết từ thời Dangun, người ta cho rằng ngải và tỏi là những thành phần mỹ phẩm tuyệt vời được sử dụng trong mùa đông. Sau 100 ngày, nhờ việc ăn tỏi và cây ngải, người phụ nữ có làn da bánh mật có thể hóa thành màu trắng.
Từ đó, tỏi về sau này luôn là gia vị cần phải có trong các món ăn tại Hàn là vậy.