Hiện nay có không ít phụ nữ mang thai muốn làm phẫu thuật thẩm mỹ trên những bộ phận cơ thể mà họ nghĩ ít ảnh hưởng đến thai nhi như: phẫu thuật cắt mí, nhấn mí, nâng mũi, trồng răng…Nhưng điều này hoàn toàn không nên thực hiện bởi chị em có thể đối mặt với rất nhiều rủi ro và nguy hiểm khôn lường.
Khi mang thai, cơ thể của người phụ nữ sẽ phải đối mặt với nhiều thay đổi, từ da bị xấu đi, mũi nở, tăng cân, rạn da, chân tay phù nề. Điều làm cho chị em có tâm lý tự ti về ngoại hình và ngại giao tiếp với mọi người. Cộng thêm tâm lý muốn tranh thủ thời gian rảnh khi mang thai để vừa nghỉ ngơi dưỡng thai, vừa có thể hồi phục giai đoạn hậu phẫu, nên rất nhiều chị em đã nghĩ đến việc phẫu thuật thẩm mỹ để làm đẹp khi mang thai. Thậm chí nhiều chị em còn cho rằng, những ca phẫu thuật như cắt mí, nhấn mí, nâng mũi, trồng răng… sẽ không ảnh hưởng gì đến thai kỳ, nhưng thực ra đây là một quan niệm rất sai lầm.
Để hiểu một cách chính xác và rõ ràng hơn về điều này, chuyên mục Làm đẹp Eva đã có buổi làm việc trực tiếp với Bác sĩ Lê Thị Thu Hải, Chuyên về Laser - Phẫu thuật thẩm mỹ tại Bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108 để đưa ra những tư vấn và lời khuyên phù hợp nhất cho các chị em đang có ý định làm đẹp bằng các phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ khi mang thai.
1. Có nên làm phẫu thuật khi mang thai?
Phụ nữ mang thai tuyệt đối không nên làm phẫu thuật, trừ những trường hợp đặc biệt, đe dọa đến tính mạng của người mẹ vì những lý do sau:
- Phụ nữ mang thai bị tăng đông máu
Thuật ngữ y khoa này có nghĩa là máu của bà bầu có khả năng bị đông lại nhanh hơn. Cơ chế đông máu là cần thiết, giúp ngăn ngừa tình trạng chảy máu quá nhiều do chấn thương hoặc trong khi sinh cho bà đẻ.
Tuy nhiên, ở phụ nữ mang thai, cơ chế đông máu này thường bị mất cân bằng, dẫn đến máu có thể đông nhanh và máu đông trên diện rộng gây tắc nghẽn mạch máu, nguy hiểm tới tính mạng bà bầu.
- Sử dụng thuốc trong quá trình phẫu thuật
Hầu hết các loại phẫu thuật đều phải dùng thuốc gây mê hoặc gây tê trước khi tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân, kể cả là phẫu thuật thẩm mỹ. Hơn nữa, khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ có sự thay đổi nội tiết tố làm tăng mức độ nhạy cảm với các loại thuốc.
Do đó kể cả đối với thẩm mỹ nội khoa bằng filler, botox cũng không được chỉ định trong thời kỳ mang thai.
- Biến chứng chèn ép động mạch chủ và tĩnh mạch
Phụ nữ mang thai từ 20 tuần trở lên dễ gặp phải biến chứng chèn ép động mạch chủ và tĩnh mạch, gây nguy hiểm tới tính mạng. Biến chứng này xảy ra khi bà bầu được đặt nằm ngửa trong khi phẫu thuật. Trong tư thế này, trọng lượng của thai nhi sẽ gây ra sự chèn ép, làm máu lưu thông qua các bị mạch máu lớn của mẹ bị tắc nghẽn.
Chính vì những lý do đó mà các loại phẫu thuật đều không được khuyến khích thực hiện khi phụ nữ mang thai, và chỉ khi bắt buộc mới nên thực hiện phẫu thuật. Trên thực tế, hầu hết các bệnh viện và cơ sở thẩm mỹ đều thực hiện thử thai cho tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trước khi đi đến quyết định phẫu thuật thẩm mỹ để ngăn ngừa khả năng bệnh nhân không biết mình đang mang thai, giúp phòng tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật.
Thậm chí, kể cả với những thủ thuật thẩm mỹ không tác động quá nhiều như: sửa mũi, sửa mí, tiêm cấy mỡ… cũng được các bác sĩ khuyến cáo không nên thực hiện trong quá trình mang thai bởi khi thực hiện sẽ phải sử dụng các loại thuốc gây tê và thuốc chống viêm, trong đó có kháng sinh. Mà như chúng ta đã biết, dùng kháng sinh với thai phụ chẳng khác gì “án tử” vì khả năng làm hư thai, gây dị tật cho thai nhi rất cao.
Do đó đừng vì mong muốn nhất thời của bản thân mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của chính mình và thai nhi trong bụng.
Sau khi sinh, cơ thể phụ nữ thường có nhiều chuyển biến về mặt cơ địa và nội tiết tố, chủ yếu là tuyến sữa và các hormone nữ. Nếu cơ địa của bạn hồi phục nhanh thì chỉ sau 3-6 tháng sinh con là mọi thứ trở về tình trạng bình thường. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải giai đoạn thích hợp mà chị em có thể phẫu thuật thẩm mỹ để làm đẹp, bởi:
- Việc phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ đòi hỏi thời gian nghỉ dưỡng mà còn đòi hỏi nhiều yếu tố quan trọng về mặt cơ địa, mới có thể đạt đến hiệu quả như mong đợi. Cơ thể của bạn vừa mới sinh con, chắc chắn chưa thể thực sự khỏe mạnh như người bình thường, vì thế về lâu dài, việc phẫu thuật có thể gây tổn hại đến sức khỏe.
Thuốc kháng sinh có thể gây nên tình trạng giảm tiết sữa và một số thuốc qua đường tiết sữa ảnh hưởng tới em bé nếu bạn đang trong thời kỳ cho con bú.
Do đó, các chị em nên chờ thêm một khoảng thời gian từ 12 – 18 tháng sau khi em bé đã cai sữa mẹ và cơ thể mẹ cũng đã thực sự sẵn sàng để đáp ứng cho phẫu thuật mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Làm mẹ là thiên chức cao cả của chị em phụ nữ. Đây cũng là thời kỳ thách thức vẻ đẹp của họ bởi trong thời gian mang thai, nhan sắc của chị em sẽ bị xuống cấp trầm trọng do ảnh hưởng của sự thay đổi nội tiết tố. Để giúp các nàng yên tâm cải thiện nhan sắc mà không làm ảnh hưởng đến thai nhi, chuyên mục Làm đẹp Eva đã xây dựng tuyến bài Khi mẹ bầu chăm sóc sắc đẹp nhằm cung cấp cho quý độc giả những kiến thức cụ thể nhất về các vấn đề xoay quanh việc làm đẹp an toàn trong thời kỳ mang thai. Hãy đón đọc bài viết cuối cùng thuộc tuyến bài Khi mẹ bầu chăm sóc sắc đẹp do chuyên mục Làm đẹp Eva thực hiện vào thứ 3 tuần này (12/11). Quý độc giả có thể xem lại các bài viết tại đây. Chúc các Eva luôn xinh đẹp và khoẻ mạnh! |