Nàng "ngọc nữ" biết nấu đủ món Á - Âu sang chảnh nhưng đôi khi cô lại chỉ cần những món mộc mạc.
Cuộc sống sung sướng, hạnh phúc của Tăng Thanh Hà trong căn biệt thự triệu đô cùng ông xã Louis Nguyễn làm nhiều người không khỏi ngưỡng mộ xen lẫn "ghen tị". Nữ diễn viên từng khoe ảnh trong căn bếp và thổ lộ rằng đây là chính là nơi làm cô hạnh phúc. Bà mẹ 3 con được thoải mãn niềm đam mê nấu nướng trong gian bếp của mình.
Hà Tăng rất khéo léo, đảm đang và không ngừng học hỏi để nâng cao tay nghề nấu ăn của mình. Cô biết nấu đủ món từ ta đến Tây vô cùng đa dạng. Thế nhưng gu ăn uống của cô cũng không quá cầu kỳ, đôi khi nàng "ngọc nữ" lại khoe cơm canh rất giản dị, đậm chất quê.
Với Tăng Thanh Hà, nơi làm cô hạnh phúc chính là căn bếp. Bà xã Louis Nguyễn sành ẩm thực và nấu nướng cũng rất giỏi.
Một trong những món được cô thực hiện gần đây là cá tuyết hấp nấm sốt Miso, một món ăn mang đậm chất tinh hoa ẩm thực Nhật Bản.
Món Gambas al Ajillo ăn với cơm. Món này nôm na là tôm cháy tỏi, có xuất xứ từ Tây Ban Nha với nguyên liệu chính là tôm và tỏi được chiên trong dầu ô liu.
Người đẹp sinh năm 1986 nhiều lần làm món Philippines quê chồng như món canh canh beef bulalo và Sizzling bulalo - thịt bò hầm xốt nấm trên chảo nóng.
Một bữa sáng theo phong cách phương Tây được Tăng Thanh Hà khen ngon. Cô rất thích những bữa sáng "healthy" tốt cho sức khỏe, sắc đẹp.
Món cá bơ sốt bơ chanh của nữ diễn viên. Cô cho biết: "Này làm dễ lắm. Cho Ghee (bơ thanh lọc) hoặc bơ vào chảo, cho tỏi bằm vào phi gần vàng, cho nước cốt chanh, tí muối và ngò tây. Rưới lên cá thôi. Cá này mình cũng chiên bằng Ghee".
Nấm xào tỏi thơm ngon lại giàu dinh dưỡng. Hà Tăng bật công thức với nguyên liệu từ các loại nấm bạn thích, ngò, tỏi, muối, dầu ô liu và ít bơ. Cách làm như sau: "Cho ít dầu ô liu vào chảo, chảo thật nóng cho nấm vào, tuyệt đối không trộn vì nấm sẽ ra nước, nấm hơi vàng 1 mặt thì trở mặt kia. Nấm vàng đều cho tỏi vào nấm phi vàng. Nêm muối, cho ít bơ tắt bếp và cho ngò rí vào thưởng thức thôi. Đơn giản mà rất ngon".
Ẩm thực Việt cũng khiến Tăng Thanh Hà mê mẩn. Cháo trắng lá dứa cho một chiều mưa của gia đình đại gia không đơn giản mà gồm rất nhiều thành phần hấp dẫn.
Cơm tấm - một món ăn quen thuộc với người Sài Gòn. Hà Tăng chuẩn bị đầy đủ tất cả các nguyên liệu. Cô gọi đây là món "cơm tấm dã chiến".
Món sang chảnh, phức tạp cũng biết làm nhưng gu ăn uống của Hà Tăng đôi khi rất dân dã. Khoe bát canh cua rau đay ăn với cơm trắng và cà pháo, cô thổ lộ: "Cơm canh vậy thôi". Có thể nói, dù được thưởng thức đủ "sơn hào hải vị" và tiếp thu tinh hoa ẩm thực trong - ngoài nước nhưng với Tăng Thanh Hà cũng như nhiều người, những món "quốc dân" đơn sơ như canh cua, cà pháo vẫn là chân ái!
Nấu canh cua rau đay khá đơn giản nhưng làm thế nào để thịt cua kết mảng thơm béo, nước canh ngọt mà không tanh hay nhớt cũng cần có bí quyết cả. Bạn có thể tham khảo cách nấu dưới đây. Nguyên liệu nấu canh cua rau đay - Cua đồng: 300g - 500g - 1 mớ rau đay - 1 mớ rau mồng tơi - 1 quả mướp - 2 củ hành tím - Gia vị: Muối, bột ngọt, hạt nêm, dầu ăn, mắm tôm Bước 1: Làm sạch và sơ chế cua - Chọn những con cua khỏe, nhanh nhẹn, nguyên càng sau đó cho vào cái rổ, xả cua dưới vòi nước chảy cho sạch bùn đất bám trên người cua. Không nên xóc cua vì có thể làm gãy rời chân và càng của chúng. - Cua đã được rửa sạch, bạn tiến hành cho cua vào thau nước đá lạnh, ngâm cua trong 10 phút để chúng chìm vào "giấc ngủ đông", chúng sẽ không thể kẹp bạn được nữa. - Tiếp theo, bạn đổ bớt nước đi, tiến hành bóc phần yếm cua và mai cua. Bóc mai cua bằng cách dùng 1 tay cầm vào cạnh của mai cua, tay kia túm lấy phần chân cua sau đó xé nhẹ để tách rời phần thân và phần mai. - Phần mai cua thì bạn dùng tăm gợi lấy phần gạch đỏ ở bên trong, cho vào bát con. Phần thân cua cho rửa qua với nước muối loãng để loại bỏ ký sinh trùng sau đó vớt ra để ráo nước. Bước 2: Giã cua - Phần thân cua bạn cho vào cối, giã. Khi giã bạn cho thêm vào ¼ thìa cà phê muối để cua giã được bông, khi nấu canh thì thịt cua kết thành bánh lớn mà không bị nát. - Bạn giã cua cho thật nhuyễn sau đó cho tất cả cua đã giã vào một chiếc tô lớn rồi đổ 1 lít nước vào, dùng tay bóp nhẹ nhàng cua tan hết sau đó lọc cua qua túi lọc lấy nước cốt và bỏ đi phần bã. Lưu ý khi giã cua: - Nếu bạn nấu nồi canh lớn cho nhiều người ăn thì nên chia cua ra giã làm từng mẻ một. Sau khi giã xong lần một, bạn có thể giã thêm lần 2 rồi lọc tiếp một lần nữa cho lấy hết nước cốt của cua. - Nếu không muốn giã bằng tay, bạn có thể cho cua vào máy xay sinh tố xay nhuyễn, khi xay vẫn cho thêm một chút muối vào xay cùng. Bước 3: Sơ chế rau và mướp - Rau đay: Để nấu canh cua rau đay không bị nhớt, bạn nên chọn loại rau đay thân trắng sẽ ít nhớt hơn so với rau đay thân đỏ. Rau đay nhặt phần lá và ngọn non sau đó đem rửa sạch với nước rồi để ráo rồi thái miếng nhỏ. - Mồng tơi: Nhặt và rửa sạch, thái nhỏ - Mướp: Chọn được loại mướp hương thì là ngon nhất, canh cua vừa thơm vừa ngọt. Mướp chọn quả non, gọt vỏ, rửa sạch rồi thái miếng. Nếu không thích ăn mướp bạn có thể thay thế bằng bầu nhưng hương vị không ngon bằng. - Hành tím bóc vỏ, đập dập băm nhỏ. Bước 4: Nấu canh cua Lưu ý: Nhiều nơi thường thêm chút mắm tôm vào nước cua trước khi nấu để tăng thêm độ đậm đà, tùy khẩu vị bạn có thể thêm hoặc không. Cho phần nước lọc cua vào nồi, bật bếp đun lửa nhỏ, trước khi nồi canh cua sôi, bạn có thể khuấy nhẹ 1 đến 2 lần để canh cua không bị khê ở đáy nồi. Tuyệt đối không khuấy mạnh và khuấy nhiều lần. Canh cua đã sôi thì không được khuấy nữa để phần thịt cua kết lại thành tảng sau đó thì bạn dùng thìa gạt nhẹ phần thịt cua sang một bên rồi cho mướp vào trước, sau 3 phút có thể cho rau đay và rau mồng tơi vào. Bước 5: Xào gạch cua Đặt chảo lên bếp, cho 1 muỗng canh dầu ăn vào phi thơm hành tím băm rồi cho gạch cua lấy từ mai cua vào đảo nhanh tay, nêm thêm 2 muỗng cà phê bột nêm, ⅓ muỗng cà phê muối vào, đảo đều rồi tắt bếp. Đổ phần gạch cua đã xào vào nồi canh cua, khuấy thật nhẹ cho đều nhưng không làm vỡ gạch cua, nêm nếm gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp. Hoàn thành món canh cua rau đay Múc canh cua còn nóng ra tô rồi thưởng thức khi còn nóng, canh cua rau đay vị ngọt đậm đà, gạch cua ăn bùi béo mà không ngấy. Có thể chan canh cua nấu rau đay với bún hoặc cơm và ăn kèm với cà muối thì thật tuyệt. Chú ý khi làm và thưởng thức món canh cua rau đay - Canh cua nấu chín một lần, không đun 2 lửa, gạch cua sẽ sẽ bị nát vụn và nhạt bớt, không ngon. - Món canh cua ăn kèm thêm cà pháo muối chua sẽ ngon hơn. - Nên ăn khi canh cua còn nóng, không nên ăn canh đã để nguội lâu vì lúc này canh cua sẽ bị tanh và người bụng yếu sẽ dễ bị đau bụng. - Không nên ăn canh cua rau đay mướp để qua đêm, không tốt cho sức khỏe. - Không nên dùng cua chết để nấu canh, cua chết thường sẽ sinh ra độc tố không có lợi cho sức khỏe. |