Đúng vào sinh nhật của mình, Kiệt chính thức kéo thước đào móng. Vì không có nhiều tiền, anh phải dựa vào nguyên vật liệu có sẵn hoặc đi xin những thứ người ta bỏ đi để mang về dựng nhà.
Sau hai năm gây dựng kinh tế trên mảnh đất thuê, Lê Kiệt (24 tuổi, quê Bình Dương) bị chủ nhà đòi lại. Không đầu hàng, anh vay nợ, mua mảnh đất nằm trên một ngọn đồi phía tây nam thành phố Đà Lạt, khu vực chưa có điện, nước để cất nhà, làm vườn tược.
Căn nhà sau khi được dựng khung hoàn chỉnh, chờ đắp đất.
Kiệt và Trang quen nhau tại một khóa học kỹ năng ở Sài Gòn.
Nhấp ngụm cà phê dưới màn sương sớm, Lê Kiệt tâm tình, sáu năm trước khi mới 18 tuổi, Kiệt quen rồi yêu Trang sau một khóa học kinh doanh tại TP HCM. Lúc đó, anh đã nghỉ học để buôn bán ở Bình Dương, còn Trang vẫn theo đuổi việc học ở thành phố.
Quãng thời gian vừa buôn bán Kiệt vừa tập tành trồng rau sạch, tuy nhiên, sau vài lần thử sức anh đều thất bại. Đầu năm 2016, khi mới bước qua tuổi 20, Kiệt quyết định lên Lâm Đồng lập trang trại với mong muốn xây dựng một khu vườn rừng và có cuộc sống thuận tự nhiên.
Với số tiền vỏn vẹn 30 triệu đồng có trong tay Kiệt cùng một người bạn thuê mảnh vườn rộng 3 ha có đầy đủ cây ăn quả và cây rừng, lợi nhuận thu được cuối năm chia đôi với chủ. Hai người bắt tay đào đất, bón phân cải tạo lại khu vườn. Tuy nhiên, thêm một lần nữa may mắn không đến với anh, do sản lượng và thu nhập không đảm bảo với mong muốn của chủ nên anh bị đòi lại đất.
Kiệt chọn hướng đông nam, có nắng từ 6h tới 8h sáng
Tháng 4/2019, Kiệt vay nợ, cùng người yêu mua mảnh đất nằm trên một ngọn đồi phía tây nam thành phố Đà Lạt, khu vực chưa có điện, nước. Mảnh đất đó phủ kín mít cỏ dại, thỉnh thoảng xuất hiện rắn rết, bọ cạp. Không có nhà, họ mượn tạm căn chòi tôn gần vườn của người quen, ban ngày thì nóng đổ lửa, ban đêm thì lạnh thấu gan. “Nhớ cảm giác lúc ngủ dậy, chẳng bao giờ được ngủ thẳng giấc vì lạnh quá, mình thì chạy vội qua nhà để làm tiếp, còn vợ mình hì hục giặt đồ rồi nấu ăn mang qua, cái hình ảnh vợ mình mặt quần sọc caro dính đầy đất đỏ, đeo ủng và chiếc áo có con hổ xấu xí nhất trên đời khiến mình sẽ không bao giờ có thể quên được” – Kiệt nói.
Có được đất Kiệt lại bắt tay vào dọn dẹp và khai khẩn khu vườn với sự giúp sức của Trang. Trên diện tích gần 1 ha, mỗi ngày Kiệt kéo hàng chục bao phân chuồng rải đều các hố, cắt cỏ đắp lên gốc để giữ nước cho cây. Anh cũng chia đất thành những mảnh nhỏ, chọn trồng cây phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu Đà Lạt như cà phê, bơ, chuối... Trang không quên chừa lại mảnh đất phía rìa để trồng rau sạch và hoa.
Bên hông nhà là hồ nước nhỏ dẫn từ suối về để rửa chén giặt đồ.
Đúng ngày sinh nhật của mình 26/4/2019, Kiệt chính thức kéo thước đào móng nhà. “Lần đầu tiên mình đào móng nhà nên mất đúng 1 tuần mới làm được cái móng 6mx4m. Mùa mưa cuốc cục đất rất vất vả, cứ cuốc ba bốn lần là cây cuốc nặng lên 5 kí” – 9X nói.
Không có nhiều tiền, Kiệt phải dựa vào nguyên vật liệu có sẵn hoặc đi xin những thứ người ta bỏ đi mang về dựng nhà. Với những cây gỗ cũ mua được từ những lần ki cóp bán bơ trong vườn, vì đường đi bé không lọt được chiếc máy cày nên họ phải hò nhau kéo lê trên mảnh vườn nhèm nhẹp bùn đất vào chỗ tập kết. Những hôm nắng to phải tranh thủ hết lực để kéo xuống, mồ hôi ướt sũng cả bộ đồ. Dựng nhà, hai người cũng chỉ có mỗi cưa tay và khoan pin vì không có điện. Dù vậy, Kiệt rất chú tâm đến chi tiết làm gỗ, sai thì sửa chứ nhất quyết không làm ẩu.
Dựng được phần khung, cả hai chặt tre đan làm vách đất. Đất dùng để xây nhà gồm ba nguyên liệu chính trộn nên hỗn hợp cần thiết: đất sét, cát và rơm. Vừa làm nhà Kiệt và Trang vừa phải làm vườn, thu hoạch nông sản để có cái ăn. Thời điểm đó, cả hai sống như người rừng, không điện không nước.
Phần khung gỗ đã hoàn thiện và chờ đắp đất.
Trang tích cực phụ Kiệt trong việc đắp đất xây nhà.
Tuy là lần đầu làm nhà, chỉ có mỗi cưa tay và khoan pin. Nhưng Kiệt cực kì chú tâm đến chi chi tiết làm gỗ, sai thì sửa chứ nhất quyết không làm ẩu.
Những hôm người yêu không có ở nhà, Kiệt phải làm luôn công việc nấu ăn, lóng ngóng mãi mới đốt được cái bếp củi mua ngoài chợ, khói bay ngập nhà không thở nổi, vừa nấu vừa che mặt và gió cứ làm tắt bếp liên tục. Hì hục một tiếng hơn anh mới nấu được một mớ cơm cá khô chiên và canh, anh cho hết vào một cái thố rồi mang ra vườn chia cho mấy người em giúp dựng nhà. Chạy xe qua đến nơi thì thức ăn với cơm trộn hết với nhau như một “nồi cám lợn”. Anh nhớ lại: “Ba đứa mình chuyền nhau cái muỗng để ăn cơm, lúc đó mình ứa nước mắt, thấy thương Trang và mấy đứa em vô cùng, tự hỏi tại sao một thằng chẳng có gì như mình, lại có những người yêu thương mình nhiều đến thế”.
Gần nửa năm làm việc quần quật, cả hai đã hoàn thành được căn nhà hai tầng cao 4m, rộng 50m2. Mặt tiền hướng Đông Nam, nhìn ra khu vườn của gia đình và quả đồi xanh mướt. Kiệt xúc động: “Vậy đó, cứ như thế mà mấy tháng ròng chúng mình mới có nhà thực sự để ở, năm tháng của bao nhiêu mồ hôi nước mắt, năm tháng của bao nhiêu kỷ niệm. Đôi lúc nhìn lại, không thể tin được bọn mình đã tự tay xây được căn nhà này”.
View trên gác hướng đông nam.
Nhà nhỏ nên phòng khách bé xíu đủ cho sáu người ăn cơm.
Phòng của 2 vợ chồng trên gác.
Kệ sách cũng được làm bằng đất.
Căn nhà của Kiệt và Trang chia đôi làm phòng ngủ cho 2 vợ chồng và một ngăn cho khách. Nhà nhỏ nên phòng khách chỉ đủ cho sáu người ăn cơm. Phía sau quầy là bếp củi, anh phải tận dụng hết cả những khoảng không trên cao để đựng đồ dùng cho bếp núc. Phía cửa anh đặt thêm tấm kính to để lấy sáng. Kế đến là căn bếp củi. Vách phía bắc anh làm kín vì gió bắc ở đây rất mạnh và độc, mưa tạt dữ dội nhất. Vách phía nam gió lành và nhẹ, ít mưa tạt hơn nên được làm bằng bìa thông, đặt thêm cửa sổ.
Căn nhà cho khách được hoàn thành trong 2 tháng, tổng chi phí nguyên vật liệu xây nhà chỉ 30 triệu đồng. Vì xin và mua lại nhiều đồ cũ nên Trang gọi căn nhà của mình với cái tên "Nhà đồng nát". Trong căn nhà cả hai tự nhận xét là "nhỏ xíu và bừa bộn".
Chiếc bếp đất 3 ngăn không khói, thân thiện với môi trường. Chàng trai này mất hơn 2 năm để tự nghiên cứu và làm thành công chiếc bếp này.
Kiệt tận dụng hết cả những khoảng không trên cao để đựng đồ dùng cho bếp núc.
Vách phía bắc mình làm kín vì gió bắc ở đây rất mạnh và độc, mưa tạt dữ dội nhất.
Dần dần, các không gian hoàn thiện, chỉ trừ căn bếp còn trống trải. Từng 7 lần đắp bếp đất thất bại tại khu vườn thuê, sang đến vườn mới, Kiệt bắt tay thử nghiệm lại. Đến lần thứ 9, chiếc bếp đất 3 ngăn không khói, thân thiện với môi trường được hình thành. Sau khi đăng tải lên trang cá nhân, nhiều người thích thú vào đặt hàng. Từ ngày đó, chàng trai quê Bình Dương kiêm thêm nghề mới là sản xuất và bán bếp đất.
Từ số tiền bán bếp, nông sản và đắp nhà đất, Lê Kiệt khoe vừa tậu thêm được mảnh đất rộng 6.000 m2 đầy đủ điện nước ở Bảo Lâm, Lâm Đồng để tiếp tục làm vườn rừng. Giữa tháng 10 vừa qua, Kiệt và Trang chính thức tổ chức hôn lễ trong niềm hạnh phúc và ngưỡng mộ của bạn bè.
Mỗi sáng 6 giờ là căn nhà đón nắng, đôi trẻ cùng nhau uống cà phê và ngắm cảnh. Sống một cuộc đời an yên bên núi rừng và thiên nhiên.
Vách phía nam gió lành và nhẹ, ít mưa tạt hơn nên mình làm bằng bìa thông, đặt thêm cửa sổ.