Gia đình chị Thảo và anh Dominic chuyển về vùng quê nhỏ ở miền Bắc nước Đức sinh sống được 3 năm nay.
Đối với chị Nguyễn Hồng Thảo (34 tuổi, Nghệ An) và ông xã Dominic Meinardi (quốc tịch Đức), yêu thương là cả nhà được cùng nhau quây quần bên mâm cơm, cùng nhau trồng những luống hoa, luống rau trong vườn. Dù mỗi ngày chỉ quanh quẩn từ trong nhà ra ngoài vườn nhưng cả nhà chị luôn hạnh phúc bởi yêu thương vẫn luôn ở đây.
Tổ ấm nhỏ của chị Thảo.
Tổ ấm nhỏ của vợ chồng chị Thảo có 2 thành viên nhí, một bé 3 tuổi và một bé 1,5 tuổi. Cách đây 3 năm, anh chị đã quyết định rời xa cuộc sống thành phố ở Việt Nam để trở về vùng quê nhỏ yên bình ở miền Bắc nước Đức sinh sống.
Chị Thảo kể, chị và ông xã quen nhau nhờ trận chung kết Europe năm 2012 khi chị đi coi đá bóng ở quán với nhóm bạn và vô tình gặp anh Dominic ngồi xem đá bóng một mình. Sau một năm quen cả 2 bắt đầu hẹn hò. Và sau 3 năm yêu nhau anh chị quyết định tiến tới hôn nhân.
Sau mấy năm làm việc tại các thành phố lớn nhỏ, chị nhớ không gian xanh và mở ở các làng quê mình từng lớn lên, chị nhớ tiếng chim hót rộn ràng, ban mai trong lành giữa hàng ngàn con bươm bướm đủ màu sắc và nhớ những thức ăn mùa nào thức nấy. Thế nên ngay sau khi có em bé, chị cùng chồng đã ấp ủ ý tưởng cho con một môi trường trong lành, yên tĩnh và an toàn để lớn lên, được chan hoà cùng thiên nhiên, được học hỏi hàng ngày về động thực vật xung quanh. Và 2 vợ chồng chị đã quyết định chuyển công việc, về miền quê nhỏ ở Đức mua nhà vườn.
“Vợ chồng mình phải mất một thời gian mới thích nghi được cuộc sống ở quê vì ở quên yên tĩnh quá. Một ngày ở quê bắt đầu từ rất sớm và mới 7h tối thì đường xá đã vắng tanh, hàng quán đều đóng cửa hết. Đây là một sự thay đổi rất lớn đối với tụi mình. Và rồi tụi mình phải hoà nhập với làng. Tụi mình không thể hiểu vì sao mà cả làng biết rõ về gia đình mình như lòng bàn tay trong khi tụi mình không biết một ai. Rồi dần dần mình và chồng tham gia các hoạt động cộng đồng của làng, thăm hỏi hàng xóm nhiều hơn, trở thành thành viên của các hội nhóm ở trong làng. Cuộc sống dần dần đỡ cô đơn hơn”, chị Thảo chia sẻ về cuộc sống bỏ phố về quê.
Căn nhà và khu vườn của chị.
Được biết, vợ chồng chị Thảo đã mua căn nhà nhỏ với tầng trệt rộng 200m2 và khu vườn rộng 2.100m2. Tuy nhiên để ngôi nhà được theo ý muốn, anh chị mất công cải tạo lại khá nhiều.
Chị Thảo cho biết, căn nhà của vợ chồng chị là căn nhà cổ được xây từ năm 1900. Trước đây căn nhà là trường làng rồi sau đó làm nơi trú ấn trong chiến tranh. Khi hòa bình thống nhất, căn nhà chị được mở lại cho hộ gia đình ở.
Khi vợ chồng chị mua nhà, phần trên của nhà còn nguyên trạng của những năm 1900, có phòng xông khói để xông thịt và xúc xích. Các căn phòng được chia ra rất nhỏ, ngăn bằng vách đất khung gỗ. Căn nhà chị rất dày dặn và được xây bằng tường đất, bọc bên ngoài là gạch. Thế nên khi cải tạo vợ chồng chị đã quyết định không dùng bê tông xi măng như thông thường mà dùng đất sét để trét tường, sau đó ổn định tường, sơn bằng vôi, kết hợp sơn dùng màu tự nhiên không mùi. Bên cạnh đó, anh chị lắp thêm hệ thống điện mặt trời áp mái để có thể hướng tới mục tiêu tự cung tự cấp.
Phần lớn các công việc cải tạo đều do ông xã và chị tự tay làm, từ làm sàn, tới tường và bậc cửa sổ của phòng khách, tới phòng ngủ và phòng tắm trong vòng 2 năm. Thế nên căn nhà này mang đậm dấu ấn của cả hai vợ chồng.
“Tụi mình rất trân trọng từng góc trong nhà và thường kể cho các con nghe về công việc trùng tu nhà cửa, để các bé trân trọng và cẩn thận hơn”, chị Thảo thổ lộ.
Ngôi nhà của chị là ngôi nhà cổ.
Khung cảnh làng quê yên bình nơi chị sinh sống.
Bên cạnh việc sửa sang lại căn nhà cổ, vì muốn có một vườn rau thật lớn, vợ chồng chị đã bắt đầu trồng thử nghiệm 2 năm đầu các loại rau củ mà gia đình hay ăn và điều chỉnh vào các năm sau đó. Phải nói, ông xã đã giúp chị rất nhiều, đặc biệt anh biến những giấc mơ của chị thành hiện thực.
“Thường thì mình sẽ lên quy hoạch, tìm vị trí và ông xã là người thực hiện. Anh cùng các bé chịu trách nhiệm gieo hạt giống, tưới nước mỗi ngày cho cả khu vườn rộng lớn. Ngoài ra, anh còn đảm nhận cắt cỏ mỗi tuần. Còn mình sẽ “nhổ cỏ” ở các khu vườn hoa hoặc vườn rau”, chị Thảo cho hay.
Ông xã là người hiện thực hóa ước mơ của chị.
Khu vườn tràn ngập hoa.
Hiện tại, khu vườn nhà chị Thảo có rất nhiều cây ăn trái, từ dâu tây, việt quất, mâm xôi cho tới táo, lê, mận, óc chó…, được phân bổ theo mùa, để đảm bảo tháng nào gia đình cũng có hoa quả cho tới mùa đông. Khi nhiều hoa quả dư chị sẽ nấu mứt, sấy khô hoặc cất trữ để dành tới mùa đông ăn dần.
Chia sẻ bí quyết để khu vườn luôn xanh tốt, tràn ngập hoa, rau, trái, chị Thảo tâm sự, thời gian đầu vợ chồng chị gặp khá nhiều khó khăn. Vì kiến thức làm nông của 2 vợ chồng có hạn, ngày ngày anh chị phải đọc thêm nhiều tài liệu, học hỏi kinh nghiệm của các gia đình khác trong làng. May mắn mọi người chia sẻ nhiệt tình và dẫn dắt vợ chồng chị trong năm đầu tiên làm vườn nên giờ đây vợ chồng chị có thể tự tin khi bảo trì khu vườn.
Hiện tại, vợ chồng chị không khoanh luống vườn rau như thông thường mà để nguyên cả khu vườn rộng. Vợ chồng chị chỉ xoay vòng vị trí trồng rau củ sao cho không lặp lại vị trí rau trồng trong 3 năm. Bên cạnh đó vợ chồng chị chú ý tới các loại rau tương hỗ lẫn nhau để giúp bội thu hơn. Ngoài ra, gia đình chị tự ủ phân compost để bón cho vườn mỗi năm.
Khu vườn rau trái quanh năm.
Chị Thảo tâm sự, sau khi về quê gia đình chị sống chậm lại hơn rất nhiều, thiên về thời gian chất lượng hơn, ít đi lại hơn nên có rất nhiều thời gian dành cho các con. Hai bé nhà chị được sinh ra ở quê, nên các bé được chạy nhảy tự do, được một mình đi chơi khắp làng cho tới tối mịt mà không phải lo sợ vì tất cả làng đều luôn luôn ở đó để bảo vệ các bé.
Không chỉ vậy, hai bé nhà chị học được rất nhiều từ thiên nhiên, từ cách nâng niu cây cỏ, côn trùng và tôn trọng cuộc sống của các động vật hoang dã khác cho tới việc tham gia sản xuất, hiểu được sự phát triển của cây cối và học được sự kiên nhẫn, học cách giữ môi trường sạch đẹp và hoàn toàn không bao giờ vứt rác lung tung.
“Mỗi dịp mình đưa bé vào thành phố, bé rất háo hức khám phá: ồ, nhiều xe ô tô quá, nhiều tàu quá, nhà thành phố nhiều cửa sổ quá … Thế nhưng sau 3-4 ngày là hai bé sẽ bảo nhau rằng bé muốn về lại nhà, muốn được ra vườn chơi. Hai bé của mình rất hạnh phúc khi được ở quê như thế này”, chị Thảo cười.
Dù sống ở quê điều kiện không được bằng thành phố nhưng chị Thảo cùng chồng hạnh phúc vì gia đình luôn có nhiều thời gian dành cho nhau, mang lại tuổi thơ tật tuyệt đẹp cho các con.
Các bé nhà chị có nhiều không gian vui chơi.