Sở dĩ hoa Phù Dung được khá nhiều người ưa chuộng, đó là bởi vẻ đẹp ngắn ngủi, mong manh của chúng. Vậy ý nghĩa hoa Phù Dung và câu chuyện đằng sau vẻ đẹp ngắn ngủi đó là gì? Cùng khám phá trong bài viết ngay dưới đây.
Đặc điểm của hoa Phù Dung
Hoa Phù Dung có tên khoa học là Hibiscus mutabilis, chúng còn được biết đến với những cái tên như Mộc liên, địa Phù Dung, mộc Phù Dung, Phù Dung núi, hoa Cẩm Quỳ,... Lá của cây Phù Dung có dạng hình sao, cuống lá hình tim, mặt dưới lá có lông và mép lá có răng cưa, đường kính của lá có thể lên đến 15cm. Hoa Phù Dung khi nở xòe to, có 5 cánh đan xen lẫn nhau, cấu tạo xốp trông giống như hoa Giấy, hoa có màu trắng khi nở vào buổi sáng, đến chiều tối sẽ chuyển sang màu đỏ hồng và lụi tàn dần.
Hình ảnh hoa Phù Dung
Đặc điểm sinh học đặc biệt này xảy ra chủ yếu là do trong cánh hoa Phù Dung có chứa hoạt chất anthoxyan. Các chất này thay đổi khi bị oxy hóa do tiếp xúc với không khí, khi vào sáng sớm hoa sẽ có màu trắng, đến gần trưa có ánh mặt trời chiếu mạnh sẽ khiến hoa có màu hồng, và đến tối khi sự oxy hóa đạt cao nhất sẽ khiến hoa có màu đỏ rực.
Hoa Phù Dung xuất hiện phổ biến tại các nước có nắng nhiều và khí hậu mát mẻ như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,...
Sự tích hoa Phù Dung
Truyền thuyết kể rằng, xưa kia trên thiên đình có một nàng tiên nữ có tên là Phù Dung, nàng có một gương mặt đẹp nhưng lúc nào cũng đượm buồn. Trong số tất cả các tiên nữ, nàng lại được lòng Vương Mẫu nương nương nhất do tính cách hiền lành, nhã nhặn nên rất được bà ưu ái và quý mến. Nàng Phù Dung được Vương Mẫu nương nương cho phép được xuống hạ giới ngao du sơn thủy để khiến tâm hồn vui vẻ hơn.
Nàng Phù Dung khi xuống hạ giới đã trở nên rất vui vẻ, nàng đã đắm chìm quá mức vào thưởng ngoạn hạ giới mà đánh rơi mất lá bùa giúp quay về tiên giới. Càng về cuối ngày, nàng càng lo lắng và buồn bã đến mức phải khóc nức nở. Khi này có một chàng thợ săn tên là Đông Tâm đi ngang qua, chàng thương tình nên đã đưa nàng Phù Dung về nhà mình tạm trú, nhà chàng khá nghèo, chỉ có mỗi chàng và người mẹ già ốm yếu đang nằm liệt giường mà thôi.
Chàng Đông Tâm hàng ngày phải săn tìm thú rừng đem bán để có tiền mua thuốc cho mẹ. Nàng Phù Dung thấy việc sát sinh là không nên, đành khuyên chàng cho mình lên núi để hái thuốc về chữa bệnh cho bác, do nàng là tiên nữ nên có biết một chút về y thuật. Do đó ngày ngày nàng Phù Dung đều đặn lên núi hái thuốc, còn chàng Đông Tâm đi tìm hái rau để ăn. Chàng và mẹ rất biết ơn đến tấm lòng của nàng và chàng Đông Tâm đã đem lòng yêu mến Phù Dung.
Vương Mẫu nương nương mãi không thấy nàng Phù Dung quay về thiên đình, bà cho người tìm kiếm và phát hiện nàng đang ở chung nhà với người phàm. Vương Mẫu nương nương hết sức tức giận và khuyên ngăn Phù Dung không nên vì một chút tình cảm trai gái mà đánh mất công lao tu hành hàng trăm năm. Phù Dung khi đó đành đánh cược với Vương Mẫu về tấm lòng và tình cảm của Đông Tâm dành cho mình, nàng chấp nhận từ bỏ thân phận thần tiên để hóa thành người phàm trần.
Thử thách của Vương Mẫu vô cùng éo le, nàng Phù Dung phải đầu thai thành nam nhi, mất đến 20 năm mới tìm lại được Đông Tâm. Thế nhưng khi này Đông Tâm đã có gia đình, con cái và không thể từ bỏ họ được, dù cho nàng Phù Dung có níu kéo thế nào. Do vậy mà nàng Phù Dung thua cược với Vương Mẫu nương nương, thân thể và trái tim của nàng tan vỡ và hóa thành một loài hoa. Vương Mẫu vì thương nàng cho nên hóa phép để loài hoa đó chỉ nở vào buổi sớm và lụi tàn vào đêm muộn, tránh để Đông Tâm nhìn thấy được lại khiến nàng đau lòng. Từ đó sự tích hoa Phù Dung ra đời.
Ý nghĩa hoa Phù Dung
Hoa Phù Dung có một vẻ đẹp vô cùng kiêu sa, chúng tượng trưng cho vẻ đẹp quyến rũ và sang trọng của người phụ nữ. Tuy nhiên loài hoa này “sớm nở, tối tàn” mang ý nghĩa ám chỉ những người phụ nữ “hồng nhan bạc mệnh”, tuy có vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng lại ra đi quá sớm.
Hoa Phù Dung tượng trưng cho những người con gái đẹp mà bạc mệnh
Bên cạnh đó, dựa theo sự tích hoa Phù Dung đã đề cập ở trên, loài hoa này còn tượng trưng cho nỗi buồn, đau đớn trong tình yêu đôi lứa. Hoa Phù Dung nhắc chúng ta đừng có cố nuối tiếc và nhớ thương cho một mối tình đã tan vỡ, bởi lòng người một khi đã thay đổi thì không thể nào níu lại được nữa.
Công dụng của hoa Phù Dung trong đời sống
Hoa Phù Dung ngoài được trồng để làm đẹp cảnh quan xung quanh và trang trí cho nhà cửa, chúng còn được bào chế thành thuốc dùng để chữa một số chứng bệnh vô cùng hiệu quả, điển hình như sau:
- Chữa ung nhọt
- Chữa bỏng
- Chữa đau mắt đỏ
- Chữa ho ra máu
- Chữa bệnh Zona thần kinh
- Chữa bệnh viêm khớp
- Chữa viêm âm đạo
- Chữa rối loạn kinh nguyệt
- Chữa viêm kết mạc
Các bộ phận của hoa Phù Dung đều có thể được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh. Từ hoa, lá và rễ cây đều được đem phơi khô, sau đó sử dụng để pha trà hoặc sắc thuốc uống.
Cách trồng và chăm sóc hoa Phù Dung giúp hoa nở đẹp
1. Thời điểm trồng hoa
Hoa Phù Dung nở rực rỡ nhất là vào đầu xuân, khi này không khí mát mẻ, dễ chịu sẽ giúp quá trình sinh trưởng của hoa thuận lợi hơn.
2. Phương pháp trồng
Hoa Phù Dung có thể được trồng thông qua nhiều phương pháp khác nhau, bởi loài hoa này thích nghi tốt và phát triển khá nhanh với nhiều điều kiện trồng khác nhau.
- Phương pháp gieo hạt: Là phương pháp cơ bản, sử dụng hạt giống của hoa để gieo trồng. Để đảm bảo hoa Phù Dung sinh trưởng tốt, bạn nên lựa chọn thật kỹ những hạt giống khỏe mạnh.
- Phương pháp chiết cành: Là phương pháp lựa chọn những cành cây khỏe mạnh từ cây mẹ để trồng trong chậu hoặc trong vườn. Thời điểm lý tưởng để tiến hành chiết cành hoa Phù Dung nên bắt đầu từ tháng 7.
- Phương pháp giâm cành: Là phương pháp cắt đi những cành cây khỏe mạnh từ cây mẹ để giâm trực tiếp vào trong đất. Mất một khoảng thời gian để cành cây mọc rễ và phát triển như một cây mới.
3. Đất trồng
Cây hoa Phù Dung thích hợp để trồng trong những loại đất mùn pha cát, có độ tơi xốp và thông thoáng tốt. Bạn có thể trộn thêm một ít phân vi sinh vào đất để tăng thêm hàm lượng dinh dưỡng. Từ đó giúp cây phát triển nhanh và khỏe mạnh hơn.
4. Nhiệt độ
Cây Phù Dung ưa khí hậu mát mẻ và ẩm ướt, do đó nhiệt độ lý tưởng để trồng cây nên từ 18 đến 25 độ C. Vào mùa đông, cây có khả năng chịu rét nhưng mức nhiệt độ không được thấp dưới 5 độ C. Sau khi hết mùa đông, bạn nên đặt chậu cây tại những nơi có ánh sáng chiếu đến nhiều để giúp cây phát triển tốt hơn.
5. Ánh sáng
Hoa Phù Dung khá ưa ánh nắng mặt trời, do vậy bạn có thể đặt chậu cây tại những nơi có nhiều ánh sáng chiếu đến, từ đó sẽ giúp tăng cường khả năng quang hợp của cây.
Hoa Phù Dung khá ưa ánh sáng mặt trời để phát triển
6. Nước tưới
Hoa Phù dung ưa ẩm ướt, do vậy bạn cần đảm bảo hoa luôn có đủ lượng nước cần thiết nhưng không được quá nhiều. Vào mùa hè khi nhiệt độ tăng cao, bạn có thể tăng thêm lượng tưới cho cây.
7. Bón phân
Cây Phù Dung không cần thiết phải bón phân thường xuyên nếu như trong đất đã có đủ lượng dinh dưỡng nhất định. Bạn chỉ cần bón lót khoảng 1 lần/năm, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển nhất của cây là đủ. Khi bón hãy sử dụng phân vi sinh, rải đều xung quanh gốc rồi tưới nước lên cho mềm ra, sau đó dùng một chút đất để lấp lại.
8. Cắt tỉa
Cành hoa Phù Dung phát triển khá tốt và nhanh chóng, do đó bạn nên cắt tỉa thường xuyên cho cây hoa. Để kích thích hoa nở sớm, bạn có thể tiến hành tỉa bớt cành lá và các nụ dư thừa để cây có thể tập trung nhiều dinh dưỡng cho hoa nở to và đẹp hơn.
Vào mùa đông, với những chậu hoa Phù Dung đặt ngoài trời, bạn cũng nên tiến hành tỉa bớt cành lá cho cây và lấp đất kỹ hơn để tăng khả năng chịu rét và tiết kiệm chất dinh dưỡng trong cây.
Có nên trồng hoa Phù Dung trong nhà?
Hoa Phù Dung là một loài hoa có vẻ đẹp độc đáo, có thể được sử dụng để trang trí trong nhà hoặc trồng trong khu vườn của bạn. Ngoài ra hoa Phù Dung có thể bào chế được thành các loại dược liệu tốt cho sức khỏe. Do đó đây là loài thực vật nên trồng trong nhà. Tuy nhiên chúng không phù hợp để làm cây hoa trang trí trong những dịp quan trọng hay đặt trên bàn thờ, bởi vì cái sự “sớm nở tối tàn” của chúng mang lại nhiều ý nghĩa không tốt đẹp.
Hoa Phù Dung hợp mệnh gì?
Hoa Phù Dung sáng sớm nở sẽ có màu trắng, từ trưa đến chiều tối sẽ chuyển dần sang màu vàng, hồng và đỏ rực. Do mang những gam màu nóng cho nên hoa Phù Dung thích hợp với những người mệnh Hỏa. Người mệnh Hỏa nếu trồng cây xung quanh nhà hoặc trong phòng sẽ mang lại nhiều nguồn năng lượng mới, nhiều sự may mắn và thành công.
Bên cạnh đó, theo quy luật tương sinh, Hỏa sinh Thổ cho nên những người mang mệnh Thổ cũng hoàn toàn có thể hợp để trồng cây hoa Phù Dung. Từ đó sẽ giúp họ tăng thêm tài lộc, vận may và tránh được nhiều điều xấu.