Loại cây này có sức đề kháng cao, rất dễ trồng và không tốn nhiều công chăm sóc.
Cây hoa dâm bụt hay còn được biết đến với tên gọi khác là râm bụt, bông bụp, xuyên can bì. Nó thuộc họ cẩm quỳ, có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Á, hoa to với nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, hồng, vàng,…
Tại Việt Nam, hoa dâm bụt là một loại cây rất quen thuộc, đặc biệt ở vùng nông thôn. Nó thường được dùng làm hàng rào và đi vào nhiều bài thơ. Nhưng ít ai biết rằng, loại cây làm hàng rào này lại có thể ăn được.
Cụ thể, nó gắn liền với một món ăn dân dã của người dân ở các làng quê, đặc biệt ở Ninh Bình. Đó chính là canh cua rau dâm bụt. Ngoài ra, lá dâm bụt còn có thể luộc chấm với nước mắm tỏi ớt hoặc xào tỏi cũng rất ngon.
Canh cua dâm bụt ăn có vị như canh cua rau đay mùng tơi, nhưng thơm và ngọt, mát. Tuy nhiên, rau dâm bụt nấu canh phải là dâm bụt đỏ (cây dâm bụt ta) vì mùi vị mới là chuẩn nhất. Nên chọn lá vừa đủ độ non, không quá già và phải không bị sâu đục, khoét, không hái ngọn hoa dâm bụt.
Ngày nay, cuộc sống hiện đại khiến những hàng rào dâm bụt được thay thế bằng hàng rào bê tông. Vì vậy muốn ăn bát canh cua dâm bụt thật không dễ dàng. Được biết, rau dâm bụt có khi được bán với giá lên tới 100.000 đồng/kg.
Canh cua rau dâm bụt.
Không chỉ là đặc sản thành phố và chế biến nhiều món ăn, người dân còn thường dùng lá dâm bụt để làm thuốc. Cụ thể, lá dâm bụt rất giàu chất chống oxy hóa, có tác dụng trong việc giải độc cơ thể, rất tốt cho sức khỏe.
Theo y học cổ truyền, dâm bụt có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, an thần, thường dùng chữa kiết lỵ, mụn nhọt, rong kinh, kinh nguyệt không đều, bạch đới, khó ngủ, hồi hộp... Lá và hoa dâm bụt giã nát, đắp vào chỗ bị mụn nhọt cũng rất hiệu quả.
Có nên trồng hoa dâm bụt làm cảnh trong nhà không?
Hoa dâm bụt bông nở to và đẹp, nhiều màu sắc khác nhau như đỏ, hồng, vàng,… Tuy nhiên, nhiều người cho rằng hoa dâm bụt không phù hợp để bày trong nhà hoặc thờ cúng trên bàn thờ vì cái tên của nó, thường chỉ người phụ nữ không đoan chính.
Ngoài ra, hoa dâm bụt thường được trồng làm bờ rào, mọc ở bụi rậm nên được cho là mang tới nhiều điều không may mắn. Nhưng có thực sự là như vậy?
Ở một số nước trên thế giới, hoa dâm bụt mang ý nghĩa tốt đẹp. Ví dụ như ở Trung Quốc, hoa dâm bụt là biểu tượng cho sự kiêu kỳ và vẻ đẹp danh tiếng.
Ở Bắc Mỹ, loại cây mọc ở bờ rào này là biểu tượng cho người vợ, người phụ nữ hoàn hảo. Hoa dâm bụt Hibiscus Brackenridgei cũng được xem là đại diện cho đảo Hawaii. Người dân khu vực này quan niệm rằng, hoa dâm bụt là loài hoa mang ký ức, hoài niệm, biểu tượng của những hồi ức tuổi thơ, trong sáng và êm đềm. Đồng thời, nó cũng mang lại sự may mắn, hạnh phúc, tài lộc.
Hoa dâm bụt còn phụ thuộc vào màu hoa, mỗi màu sắc lại mang ý nghĩa khác nhau. Cụ thể màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, vẻ đẹp và sự nữ tính; màu vàng là niềm vui, là ánh nắng và là sự may mắn; màu đỏ là biểu tượng cho tình yêu và sự đam mê; màu hồng tượng trưng cho tình bạn, cho tình yêu, sự lãng mạn,…
Chính vì thế, bạn có thể trồng hoa dâm bụt trước nhà hoặc đưa vào chậu trồng ở ban công, sân thượng.
Cách chăm sóc hoa dâm bụt
Hoa dâm bụt có sức đề kháng cao, rất dễ trồng và không tốn nhiều công chăm sóc. Bạn có thể chọn những cành bánh tẻ khỏe mạnh, cắt từng đoạn dài 20 - 30cm rồi vặt bỏ bớt lá, cắm vào bầu đất là được. Đặt bầu đất ở nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào thì không lâu sau cành giâm sẽ bén rễ.
Mặc dù hoa dâm bụt rất dễ chăm sóc, nhưng để hoa nở to và đẹp thì bạn cần lưu ý tới những yếu tố sau:
- Đất trồng: Cây dâm bụt có thể trồng được trên nhiều loại đất. Tuy nhiên, cây dâm bụt sẽ phát triển tốt nhất khi được trồng trong đất có độ pH từ 5,5 đến 6,5. Hoa dâm bụt trồng trên đất kiềm có thể bị thiếu dinh dưỡng vi lượng.
- Ánh sáng: Cây dâm bụt là loại cây ưa sáng nên cần nhiều ánh sáng trong quá trình sinh trưởng. Do đó, nên trồng cây ở nơi có nhiều ánh sáng chiếu vào. Nếu trồng trong nhà, 2 ngày nên mang cây ra ngoài tắm nắng một lần. Nếu cây không đủ ánh sáng rất dễ bị rụng lá.
- Tưới nước: Đây là cây chịu hạn tốt nên nhu cầu về nước không quá nhiều, vì vậy bạn không cần tưới nhiều nước cho cây, chỉ nên tưới khi đất hơi khô. Tuy nhiên khi cây đang trong giai đoạn nở hoa, bạn nên tưới một lượng nước lớn để cây có thể ra hoa tốt. Nhưng không nên tưới quá nhiều kẻo cây bị úng rễ, chết cây.
- Bón phân: Trong mùa hè, dâm bụt cần lượng lớn kali để kích thích cây nở nhiều hoa. Bạn có thể pha loãng kali với nước rồi tưới cho cây 1 tuần/lần. Nếu không có thời gian chăm cây, có thể dùng loại phân bón tan chậm, bón mỗi tháng 1 lần.