Loại rau này rất tốt cho sức khỏe, đang được nhân giống rộng rãi.
Sa sâm hay còn gọi là cây sâm biển, hải cúc, xà lách biển,… thuộc họ Cúc, tên khoa học là Launaea pinnatifida. Loại rau này thường mọc trên bãi cát ven biển.
Trước đây, loại rau này ít được biết đến và thường bị nhổ vứt đi. Mãi về sau, một số người mới phát hiện cây sa sâm có thể ăn được, có nhiều công dụng cho sức khỏe, thậm chí là một loại dược liệu quý nên bắt đầu được trồng rộng rãi.
Loại rau này chủ yếu được phân bố ở vùng ven biển và các đảo lớn, từ Quảng Ninh, Hải Phòng đến Quảng Bình, Đồng Nai. Cây cũng có mặt ở vùng ven biển phía nam Trung Quốc (Đảo Hải Nam), Ấn Độ, Ai Cập và một số nơi ở châu Phi.
Cây sa sâm là thực vật dạng cỏ, sống lâu năm và mỗi gốc có thể mọc ra 2-3 cây. Lá của loại rau này có màu xanh, mọc sát gốc, xếp thành hình hoa thị, mép lá có răng cưa, trông khá giống lá của cây bồ công anh hay rau cải cúc. Cây ra hoa màu vàng, thường mọc ở gốc.
Hoa của rau sa sâm.
Rau sa sâm cây non có thể hái để nấu canh, ăn sống, lá già đem nấu nước uống. Không những vậy, củ cây sa sâm thường được ngâm rượu, làm thuốc và đây là một loại dược liệu quý.
Loại cây này có vị hơi ngọt, hơi đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, ích vị sinh tân, dưỡng âm,… Theo Sức khỏe & Đời sống, rau sa sâm có các dẫn xuất saponin, coumarin và các hợp chất đường, sinh tố B2... có t ác dụng giãn mạch, làm tăng trương lực cơ tim, kháng trực khuẩn.
Chia sẻ với Người Lao Động, ông Dương Văn Sánh (Quảng Bình, người trồng rau sa sâm) cho biết, rau sâm tươi được bán với giá từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, còn củ làm dược liệu nên sẽ có giá bán cao hơn. Trên các sàn thương mại điện tử, rễ sa sâm khô được bán với giá dao động từ 300.000 – 500.000 đồng/kg.
Rễ sa sâm sau khi được phơi khô.
Cách trồng và chăm sóc rau sa sâm
Rau sa sâm rất dễ trồng và không tốn nhiều công chăm sóc vì cây phát triển nhanh, ít sâu bệnh. Bạn có thể nhân giống bằng cách nhổ cây từ bãi biển đem về đất vườn trồng, hoặc tìm mua cây giống tại các cửa hàng bán rau giống, mua qua mạng,… Sau 10 ngày trồng, cây sa sâm bắt đầu thích ứng được với môi trường sống mới và bén rễ.
Lưu ý, loại rau này ưa đất pha cát, nhiều chất dinh dưỡng. Trước khi trồng rau sa sâm, nên xử lý đất bằng vôi bột. Rau sa sâm ưa ẩm nhưng sợ úng nước, mỗi ngày nên tưới cho rau 2 lần vào sáng sớm và chiều tối với lượng nước vừa đủ.
Cây không thích phân vô cơ, nếu bón quá nhiều có thể khiến cây bị chết. Loại rau này chỉ thích hợp bón phân chuồng. Sau khi trồng 1-2 năm, cây sa sâm có thể thu hoạch rễ.