Nếu sử dụng đúng cách, nước vo gạo là "thần dược" cho hoa nhưng nếu dùng sai bạn sẽ gặp vô vàn rắc rối trong cuộc sống, thậm chí là chết cây.
1. Tại sao nước vo gạo tốt trong việc trồng hoa?
Sau khi vo gạo xong, nhiều người thường đổ phần nước vo gạo đi, nhưng nếu trồng hoa, cây cảnh trong nhà thì bạn có thể tận dụng thứ nước này để tưới cây. Thứ nước này thậm chí được coi là “thần dược” trồng hoa, tại sao vậy?
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nước vo gạo chứa nhiều thành phần như nhóm vitamin B, protein, lipid, khoáng chất, glucid… Đây đều là những chất dinh dưỡng cần thiết cho hoa, cây cảnh, rau củ phát triển tươi tốt mà không cần tới các loại phân hóa học.
Nước vo gạo được coi là "thần dược" để trồng hoa, cây cảnh.
Không chỉ vậy, nước vo gạo còn có tác dụng tốt trong việc chữa bệnh héo rũ, thối gốc do virus hại cây. Ngoài ra, thứ “thần dược” này còn giúp đất tơi xốp, ngăn chặn tình trạng nén chặt đất, từ đó có lợi cho sự phát triển của cây trồng, giúp lá cây xanh bóng như bôi mỡ, cành mập mạp, hoa nở rộ.
2. Những sai lầm khi sử dụng nước vo gạo khi tưới cây
- Trực tiếp tưới nước vo gạo cho cây, hoa
Không ít người trực tiếp tưới nước vo gạo xuống đất mà không biết rằng việc này có thể gây hại cho cây trồng. Nếu trực tiếp tưới nước vo gạo xuống đất thì khi lên men, nó sẽ giải phóng ra một lượng nhiệt và khí cacbonic, dễ làm cháy rễ cây, dẫn đến vàng lá và thậm chí là chết cây. Không chỉ vậy, việc này còn dễ thu hút côn trùng như kiến, muỗi, bọ,... tới, gây ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt.
Cho nên, bạn cần lên men nước vo gạo trước khi sử dụng cho cây cảnh. Cách làm rất đơn giản, bạn chỉ cần cho nước vo gạo vào chai nước khoáng (lưu ý chỉ đổ khoảng 80%) và đặt dưới nắng.
Cho thêm vỏ cam vào nước vo gạo để ủ lên men sẽ giảm bớt mùi khó chịu.
Thời gian đầu sẽ có một ít khí thoát ra, tốt nhất nên mở nắp để xì hơi hàng ngày, giai đoạn sau không cần mở nắp thường xuyên. Khoảng 1-2 tháng là nước vo gạo đã lên men hoàn toàn và có thể sử dụng được rồi.
Lưu ý, nước vo gạo sau khi lên men sẽ có mùi hôi khó chịu. Bạn có thể cho một ít vỏ cam, chanh vào chai nước vo gạo khi ủ lên men. Mùi thơm của bỏ cam có thể trung hòa mùi đặc biệt của nước vo gạo, nhờ đó thành phẩm sẽ không quá khó ngửi.
- Tưới trực tiếp nước vo gạo lên men cho cây
Nước vo gạo sau khi lên men bạn hãy vớt, bỏ phần vỏ cam bên trong và lấy phần nước để tưới cây. Tuy nhiên, bạn cũng không được tưới trực tiếp thứ nước này cho cây mà cần pha loãng với nước theo tỷ lệ 1:10 trước khi sử dụng.
Nước vo gạo lên men cần pha loãng với nước rồi hẵng tưới cho cây.
Nếu không pha loãng, cây có thể bị cháy rễ hoặc thu hút sâu bệnh tới gần. Đồng thời, cần lưu ý rằng tần suất tưới nước vo gạo không nên quá nhiều, chỉ nên dùng 10-15 ngày/lần để đảm bảo hoa phát triển tốt.
- Không sử dụng nước vo gạo cho tất cả các loại hoa
Hầu hết các loại cây đều có thể sử dụng nước vo gạo lên men, trừ những loại cây ưa kiềm. Vì thứ nước này có tính axit yếu, sẽ làm chua đất nên chủ yếu dùng cho các hoa, cây cảnh ưa chua như lan quân tử, hoa nhài, dành dành, hoa giấy,...
Một số loại cây ưa kiềm, không nên tưới bằng nước vo gạo có thể kể đến như dương xỉ, xương rồng, dâm bụt, lục bình,...
Không nên tưới nước vo gạo cho cây xương rồng.