Vì còn là sinh viên, gần như sống bằng tiền chu cấp của bố mẹ nên anh đã nhặt “rác” ngoài đường mang về nhà để chăm bón, biến thành những chậu hoa đẹp như ngày hôm nay.
Đào Đào Á là nam sinh viên của một trường đại học ở tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), đã trở nên nổi tiếng nhờ vườn lan hồ điệp của mình. Chậu lan nào của anh cũng đẹp và căn nhà thuê đều tràn ngập sắc hương, khiến người ngoài bước vào nhà sẽ có cảm giác như du hành tới một không gian khác vậy.
Đào Á cho biết, lan hồ điệp là loại hoa có giá thành không hề rẻ, muốn trồng lan phải tiêu tốn khá nhiều tiền. Nhưng vì còn là sinh viên, gần như sống bằng tiền chu cấp của bố mẹ nên anh đã nhặt “rác” ngoài đường mang về nhà để chăm bón, biến thành những chậu hoa đẹp như ngày hôm nay.
Đào Á bên cạnh những chậu hoa lan hồ điệp của mình.
“Tôi thích lan hồ điệp vì hình dáng bông hoa độc đáo và thân cây duyên dáng, uyển chuyển mang đến cho tôi cảm giác thuần khiết, đẹp đẽ. Tuy nhiên, do chi phí sinh hoạt hạn hẹp nên tôi chỉ mua được một số lan hồ điệp xấu, đôi khi tôi nhặt chúng trong thùng rác để mang về nhà chăm. Sau này, tôi phát hiện gần trường có một cơ sở trồng lan hồ điệp, những cây giống kém chất lượng hầu hết đều bị vứt thẳng không thương tiếc nên tôi đã nhặt chúng mang về nhà.
Tôi đã học được một số phương pháp chăm sóc lan hồ điệp và mua một số dụng cụ nhỏ để trồng hoa. Vì thế, tôi nhanh chóng đưa những cây lan hồ điệp ‘sống dở chết dở’ này về trạng thái tốt, lượng hoa nở nhiều lên theo năm tháng”, Đào Á chia sẻ. Và dưới đây là một số kinh nghiệm trồng lan hồ điệp của nam sinh.
1. Chọn chất nền phù hợp
Hệ thống rễ của lan hồ điệp rất mỏng manh và dễ gãy, thích môi trường ẩm ướt và phát triển biểu sinh trên cây lớn hoặc đá ướt. Thói quen sinh trưởng này khiến nó có yêu cầu cao về chất nền, không thể trồng bằng đất dinh dưỡng thông thường mà phải trồng bằng rêu hoặc vỏ cây, sỏi.
Giá thể trồng lan của Đào Á.
Với Đào Á, anh đã trồng lan hồ điệp bằng vỏ cây, sỏi và rêu. Cụ thể, anh quấn một ít rêu xung quanh rễ và thêm vỏ cây, sỏi vào chậu cây. Rêu có đặc tính trữ nước tuyệt vời, rất thoáng khí, điều này cực kỳ có lợi cho sự phát triển cho hệ thống rễ của lan hồ điệp. Với giá thể này, anh thường ngâm khoảng 12 tiếng trước khi trồng.
Anh thường nhặt những loại lan bị người khác bỏ đi mang về nhà trồng.
Hoa khi mới mang về nhà, nhất là những cây được nhặt về thì cần phải xử lý qua. Ví dụ như loại bỏ phần rễ bị hư hại và một số lá bị bệnh. Đợi vết cắt khô thì ngâm trong dung dịch carbendazim khoảng 20 phút rồi vớt ra, đặt vào giá thể trồng hoa.
2. Chậu trồng cây phải phù hợp
Lan hồ điệp không thể trồng trong chậu hoa thông thường. Tốt nhất nên sử dụng chậu trong suốt, thông gió và thoát nước tốt. Như Đào Á, anh trồng trong cốc nhựa dùng một lần để tiết kiệm tiền bạc.
Dù chọn cách nào, cũng không nên sử dụng những chậu hoa thông thường có độ thoáng khí kém, không thể quan sát được sự phát triển của bộ rễ, như vậy sẽ gây ra đủ loại tác hại mà chẳng có ích lợi gì.
Hoa lan khoe sắc các góc nhà.
3. Cung cấp ánh sáng phải phù hợp
Lan hồ điệp bản chất ưa ánh sáng, nhưng lại sợ nhiệt độ cao và ánh sáng mạnh, thích ánh sáng dịu nhẹ. Vì vậy, vào mùa hè nóng bức cần che nắng cho cây.
Như Đào Á, vì nhà thuê có ánh sáng không được tốt nên anh đã dùng đèn để tăng thêm ánh sáng cho lan hồ điệp. Ánh sáng từ đèn chiếu cây tương đôi dịu nhẹ, rất phù hợp với lan hồ điệp, có thể làm cho lá của nó phát triển đẹp hơn, không bị cong lá và rễ phát triển khỏe mạnh.
4. Tưới nước phải hợp lý
Việc tưới nước cho lan hồ điệp là vấn đề đau đầu của nhiều người, họ luôn sợ tưới nước sai cách sẽ làm rễ lan bị úng. Thực ra, việc tưới nước cho lan hồ điệp rất đơn giản. Hãy quan sát bộ rễ của nó, đây cũng là một trong những lợi ích của việc sử dụng chậu trong suốt để trồng lan hồ điệp, nếu thấy rễ căng tròn, sáng và đầy đặn thì không cần tưới nước.
Nếu thấy rễ chuyển sang màu trắng, rễ hơi khô thì cần phải bổ sung nước kịp thời. Chú ý, hãy tưới nước thật kỹ, tưới đẫm nước vào gốc cây chứ đừng tưới nửa vời.
5. Đảm bảo độ ẩm cao
Lan hồ điệp thích môi trường mát mẻ, có độ ẩm cao, nhiệt độ thích hợp nhất cho lan hồ điệp phát triển là 16-26°C, không quá cao cũng không quá thấp. Độ ẩm không khí cần đảm bảo không thấp hơn 50%, trên 70% là tốt nhất, điều này sẽ có lợi cho sự phát triển của cây.
Bạn có thể thường xuyên sử dụng bình xịt để phun sương nước xung quanh cây, nếu có điều kiện thì nên sử dụng máy tạo độ ẩm không khí và đặt xung quanh lan hồ điệp, bật ít nhất 4 tiếng mỗi ngày. Bằng cách này, lá sẽ tươi tốt, xanh mướt và bộ rễ sẽ khỏe hơn, hoa nở mạnh và nở to hơn trong thời kỳ ra hoa.
Đào Á đầu tư hẳn đèn chiếu, máy phun sương để chăm lan.
6. Bón phân loãng thường xuyên
Để bón phân cho lan hồ điệp, tốt nhất nên kết hợp hai loại phân bón, là phân bón chuyên dụng cho lan và kali dihydrogen photphat.
Phân bón chuyên dụng cho lan được sử dụng trong thời kỳ sinh trưởng và sau khi ra hoa, thường 20 ngày bón 1 lần. Không nên bón trực tiếp mà nên hòa phân với nước rồi tưới cho cây.
Phân kali dihydrogen photphat thường được sử dụng trong thời kỳ ra hoa. Pha loãng theo tỷ lệ 1:1200), cứ 7-10 ngày tưới vào rễ một lần. Tưới xoay vòng, cứ 3 lần kali dihydrogen photphat rồi tưới 1 lần phân bón chuyên dụng.
7. Cắt ngay sau khi hoa tàn
Lan hồ điệp có thời gian ra hoa rất dài, thường kéo dài từ 3-4 tháng, nếu chăm sóc tốt và cây khỏe có thể ra hoa khoảng 6 tháng. Thời gian ra hoa kéo dài rất có hại cho cây, lượng dinh dưỡng bên trong tiêu hao chắc chắn là rất lớn. Do đó, khi thấy hoa đang có xu hướng bị héo đi khoảng 2/3 cây, cần nhanh chóng dùng kéo cắt bỏ đi phần ngồng hoa. Cắt cách mắt ngủ cuối cùng trên cần hoa khoảng 3cm.
Sau khi cắt ngồng hoa, nên thay chậu và giá thể trồng cây luôn. Trong quá trình này, hãy loại bỏ phần rêu cũ, có thể cắt bớt rễ nếu cần thiết. Lưu ý, khử trùng kéo bằng cồn trước khi cắt.
“Người không thích trồng hoa có thể nghĩ việc chăm sóc lan hồ điệp quá phức tạp, nhưng người thích lại thấy tất cả là xứng đáng khi thấy hoa nở. Trong nhà tràn ngập hoa giúp tôi cảm thấy gần gũi với thiên nhiên hơn, thật bình yên và giảm lo âu, mệt mỏi, tăng thêm niềm vui trong cuộc sống”, nam sinh nói.