Chậm kinh hay trễ kinh là chu kỳ kinh nguyệt bất thường, một hoặc nhiều lần bị lỡ mất chu kỳ hoặc chu kỳ đến quá muộn. Thông thường, một người phụ nữ chưa có kinh nguyệt sau 35 ngày tính từ ngày hành kinh thì được gọi là chậm kinh. Nếu người phụ nữ lỡ mất 3 kỳ kinh nguyệt thì được gọi là vô kinh.
Tổng quan về bệnh
Chậm kinh là hiện tượng đến kì kinh nguyệt nhưng vẫn chưa có hành kinh, chậm kinh thường được tính quá 35 ngày kể từ ngày bắt đầu có hành kinh mà chưa có kinh nguyệt trở lại gọi là chậm kinh.
Có không ít yếu tố là nguyên nhân chậm kinh ngoài mang thai như thay đổi hormone, do tâm lý, thay đổi cân nặng,...
Nguyên nhân
Có những nguyên nhân thường gặp nhất gây nên sự chậm trễ của kinh nguyệt đó là:
1. Căng thẳng, stress
Căng thẳng gây nên những tác động tiêu cực tới hormone, thậm chí ảnh hưởng tới phần vỏ não chịu trách nhiệm điều khiển trục hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng, dẫn đến rối loạn phóng noãn đưa đến những triệu chứng như trễ kinh, kinh thưa, thậm chí vô kinh trong một thời gian dài. PGS.TS.Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Giải pháp: Giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi quá sức, xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh, suy nghĩ lạc quan, tích cực. Kinh nguyệt chỉ ổn định trở lại khi bạn có được sự thoải mái, tâm lý ổn định.
2. Hội chứng tiền mãn kinh
Phụ nữ thường mãn kinh trong độ tuổi 48-50 tuổi. Tuy nhiên, từ trước đó vài năm, người phụ nữ đã bắt đầu bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Đây là thời điểm mà người phụ nữ có những chu kỳ không rụng trứng, gây nên chậm kinh, kinh thưa, thậm chí không có kinh trong vài tháng. Khi người phụ nữ hoàn toàn không có kinh trong 12 tháng được xem là mãn kinh.
3. Quá gầy, giảm cân quá mức
Một số phụ nữ là vận động viên điền kinh, hoặc các vận động viên ở các môn thể thể thao khác đang trong quá trình tập luyện chuẩn bị thi đấu cũng có thể có triệu chứng bị trễ kinh hoặc vô kinh dù không có những triệu chứng khác liên quan đến thai nghén.
Ngoài các nguyên nhân về những stress căng thẳng trong thời gian chuẩn bị thi đấu, việc tăng cường vận động thể lực quá mức, giảm cân quá nhiều trong giai đoạn này cũng tác động không nhỏ đến sự điều hòa của trục vỏ não- hạ đồi- tuyến yên- buồng trứng. Đây cũng là nguyên nhân có thể gây nên trễ kinh, vô kinh đối với những người sử dụng các thuốc gây giảm cân quá mức.
Tuy nhiên, tất cả những người phụ nữ này, nếu sinh hoạt tình dục không sử dụng các biện pháp tránh thai cũng nên tự thử thai tại nhà nhằm loại trừ tình trạng thai kỳ có thể xảy ra.
Giải pháp: đó là giảm cân khoa học, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết và tốt nhất là nên tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng về chế độ giảm cân sao cho hợp lý.
4. Béo phì, tăng cân quá mức
Ngược lại với quá trình giảm cân, tăng cân quá mức và đột ngột cũng có thể gây rối loạn kinh nguyệt. Những người tăng cân quá mức, lượng mỡ dư thừa tích trữ cũng góp phần sản sinh quá nhiều estrogen còn có thể gây nên tình trạng tăng sinh nội mạc tử cung, gây xuất huyết âm đạo bất thường .
Giải pháp: Ổn định cân nặng, chế độ dinh dưỡng vừa đủ, không nên để cơ thể tăng cân đột ngột. Khi có tình trạng xuất huyết âm đạo kéo dài, người phụ nữ cần đi khám sớm để có thể phát hiện những trường hợp tăng sinh nội mạc tử cung bất thường có thể xảy ra.
5. Hội chứng buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang là một trong những nguyên nhân gây chậm kinh, trễ kinh. Nguyên nhân của hội chứng buồng trứng đa nang ở người phụ nữ chưa được hiểu rõ. Tuy nhiên, những người này thường có tình trạng béo phì, nam hóa, cường androgen, rối loạn rụng trứng, kinh thưa, chậm kinh.
Giải pháp: Hãy tới gặp bác sĩ để điều trị và giảm thiểu ảnh hưởng của vấn đề này tới chu kỳ kinh và chức năng sinh sản.
6. Sử dụng rượu bia, các chất kích thích thường xuyên
Sử dụng quá nhiều rượu bia, các chất kích thích cũng là một trong những nguyên nhân chậm kinh ở phụ nữ. Tuy nhiên, những người phụ nữ sử dụng rượu bia và các chất kích thích, nếu bị chậm kinh, trễ kinh… cũng cần đi khám chuyên khoa phụ sản sớm để loại trừ những nguyên nhân liên quan đến thai kỳ. Những người này thường ở độ tuổi trẻ, thường không tránh thai hoặc sử dụng các biện pháp tránh thai không an toàn khi quan hệ tình dục.
7. Bệnh nội tiết
Các bất thường về hệ nội tiết khác ngoài hệ sinh dục nữ cũng góp phần không nhỏ dẫn đến rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, chậm kinh, vô kinh. Những bệnh lý tuyến giáp như cường giáp, nhược giáp, hoặc tình trạng cường prolactin máu do u tuyến yên tiết ra… đều có thể gây rối loạn kinh nguyệt của người phụ nữ.
8. Tác dụng phụ của thuốc
Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc như que cấy tránh thai dưới da, vòng tránh thai chứa nội tiết tố, thuốc tiêm tránh thai…hoặc một số thuốc chống trầm cảm hay các loại thuốc hóa trị liệu ung thư… thì đó cũng là nguyên nhân gây nên chậm kinh.
Giải pháp: Hãy trao đổi với bác sĩ về vấn đề gặp phải này. Các bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp khắc phục tùy vào từng thể trạng.
Chậm kinh có hại gì không?
Việc chu kỳ kinh bị gián đoạn do nhiều nguyên nhân gây nên. Tùy từng nguyên nhân có những cách khắc phục khác nhau.
Đối với người phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nếu có quan hệ tình dục nhưng không sử dụng các biện pháp tránh thai, các nguyên nhân liên quan đến thai kỳ luôn được đặt ra trước tiên. Đối với những em bé trong độ tuổi dậy thì, việc chậm kinh có thể do truc hạ đồi tuyến yên buồng trứng chưa ổn định dẫn đến tình trạng không rụng trứng của lứa tuổi này. Còn đối với những người phụ nữ ở tuổi trung niên, việc chậm kinh có thể là do tình trạng không rụng trứng khi dự trữ buồng trứng đã giảm thấp, dấu hiệu sớm của tiền mạn kinh.
Vì vậy, chị em cần tới gặp bác sĩ khi có những nghi ngờ về vấn đề về rối loạn kinh nguyệt của mình. Bên cạnh việc hỏi bệnh sử và thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ dựa vào kết quả chẩn đoán hình ảnh học, xét nghiệm nội tiết để có chẩn đoán xác định và điều trị đúng.
Cách chữa chậm kinh bằng các biện pháp tự nhiên
Điều hòa kinh nguyệt, chữa trị tình trạng trễ kinh có thể áp dụng những cách chữa tự nhiên, bổ sung ăn uống và các bài tập tại nhà. Healthline mách những cách chữa chậm trễ kinh nguyệt đơn giản nhất như sau:
1. Bổ sung vitamin C
Vitamin C hay còn được gọi là axit ascorbic có thể làm tăng mức estrongen và mức progesterone thấp hơn khiến tử cung co lại và niêm mạc tử cung bị phá vỡ dẫn tới chu kỳ kinh nguyệt.
Bổ sung vitamin C có nhiều cách như uống viên bổ sung và đơn giản hơn là ăn các loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin C, các loại trái cây như cam, quýt, quả mọng, nho đen, bông cải xanh, rau bina, ớt đỏ, cà chua…
2. Gừng
Gừng là một loại thuốc truyền thống có thể gây nên co bóp tử cung, thúc đẩy quá trình kinh nguyệt xuất hiện.
Gừng khó ăn sống nên các bạn có thể sử dụng để uống như là pha trà gừng, uống nước gừng với một chút mật ong…
3. Mùi tây
Mùi tây có hàm lượng vitamin C và apiol cao, có tác dụng kích thích tử cung co bóp. Tuy nhiên, apiol có độc với phụ nữ mang thai, hãy đảm bảo bạn chậm kinh không phải là do đang mang thai nếu không sẽ rất ảnh hưởng tới thai nhi.
Mùi tây có thể dùng làm trà để uống, Đổ một cốc nước sôi lên một vài muỗng rau mùi tây tươi và để trong khoảng 5 phút là uống được.
4. Nghệ
Nghệ là một cách chữa cổ truyền. Nghệ có thể tác động đến mức estrogen và progesterone. Nghệ giúp kích thích lưu thông máu trong tử cung và cân bằng nội tiết tố, hỗ trợ tích cực trong điều hòa chu kỳ kinh.
Nghệ có nhiều cách để dùng, có thể ăn trực tiếp hoặc chế biến thành các món ăn như cari, cơm nghệ hoặc có thể dùng để pha trà uống.
Nghệ cũng là một loại thuốc có thể giúp kinh nguyệt nhanh có lại.
5. Nha đam
Nha đam có tác dụng tích cực trong điều hòa các hormone giúp điều hòa kinh nguyệt một cách hiệu quả.
6. Vừng (Mè)
Vừng (mè) có chứa dầu cao nên có thể cân bằng lượng hormone từ đó có thể điều hòa kinh nguyệt, thúc đẩy quá trình có kinh, giải quyết vấn đề chậm kinh.
7. Tắm nước ấm và tinh dầu thơm
Tắm nước ấm có thể làm điều kỳ diệu để giúp thư giãn cơ thể, thư giãn cơ bắp và giảm căng thẳng. Đó cũng là một phần trong những lý do khiến chậm kinh.
Khi tắm có thể thêm một chút tinh dầu thơm vào bồn tắm để tăng thêm hiệu quả thư giãn. Hơi nóng và hương thơm không chỉ giúp thư giãn mà còn có thể làm tăng lưu lượng máu đến khu vực tử cung, thúc đẩy chu kỳ đến nhanh hơn.
8. Thư giãn
Căng thẳng liên tục cũng là một trong những nguyên nhân khiến chậm kinh, rối loạn chu kỳ kinh. Căng thẳng có thể sản xuất ra các hormone như cortisol hoặc adrenaline. Những chất này gây ức chế sản xuất hormone estrogen và progesterone khiến chu kỳ đến không đúng ngày, chậm trễ.
Việc thư giãn, giảm căng thẳng là cách tốt nhất giúp cải thiện việc kinh nguyệt bị trễ. Những cách giảm căng thẳng đơn giản như:
- Giảm tải lượng công việc
- Dành nhiều thời gian cho gia đình, bạn bè, nghỉ ngơi và thư giãn
- Tập thể dục đều đặn
- Hãy dành thời gian cho sở thích cá nhân của mình.
Nghỉ ngơi, thư giãn cũng là một cách giúp chu kỳ kinh sớm ổn định.
9. Tình dục
Hoạt động của tình dục có thể giúp kích thích trứng rụng. Khi đạt cực khoái cổ tử cung giãn ra, tạo khoảng trống có thể kéo máu kinh nguyệt xuống. Quan hệ tình dục thường xuyên giúp giảm tác động của căng thẳng, thúc đẩy cân bằng nội tiết tố.
10. Tập thể dục đều đặn, không tập quá sức
Tập thể dục đều đặn duy trì sức khỏe rất tốt. Nhưng không nên tập quá sức có thể gây ảnh hưởng tới nồng độ estrogen và khiến cho chu kỳ đến muộn hơn.
11. Tránh thai
Biện pháp tránh thai cũng ảnh hưởng tới chu kỳ kinh của chị em. Một giải pháp lâu dài hơn cho vấn đề chậm kinh, kinh nguyệt không đều đó là sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố. Biện pháp ngừa thai này kiểm soát mức độ hormone trong cơ thể, có thể mang lại chu kỳ kinh đều và ổn định hơn.
Tuy nhiên, các biện pháp tránh thai nội tiết này có thể gây nên những tác dụng phụ. Chị em nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi thực hiện.
Chậm kinh khi nào cần đi gặp bác sĩ?
Chậm trễ kinh nguyệt quá lâu có thể gây nên nhiều những biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của chị em. Khi có những biểu hiện sau đây chị em cần đi gặp bác sĩ để có thể chẩn đoán và có những cách điều trị phù hợp nhất:
- Mang thai hoặc nghi ngờ mang thai nên đến gặp bác sĩ để xác định chính xác tình trạng mang thai và có kế hoạch chăm sóc thai nhi tốt nhất.
- Trễ kinh 3 chu kỳ liên tiếp nên tới gặp bác sĩ ngay
- Ra máu giữa chu kỳ hoặc sau khi quan hệ
- Kinh nguyệt thất thường về màu sắc, lượng…
- Bị chảy máu sau khi mãn kinh
Một số vấn đề khác về chậm kinh nguyệt
Có rất nhiều nguyên nhân khiến kinh nguyệt đến muộn và những vấn đề sau đây chị em thường rất quan tâm:
- Trễ kinh 10 ngày thử que 1 vạch: Chậm kinh có nhiều nguyên nhân gây nên và khi bị trễ kinh 10 ngày nhưng thử thai 1 vạch đậm thì đó không phải là dấu hiệu có thai. Có thể do sự căng thẳng, mệt mỏi hoặc sự thay đổi bất thường về nội tiết mà chu kỳ kinh nguyệt đến muộn.
- Trễ kinh nhưng không có dấu hiệu mang thai: Chậm kinh có nhiều nguyên nhân, trong đó có thai là một nguyên nhân. Tuy nhiên, khi bị trễ kỳ mà không có các dấu hiệu mang thai như ra máu báo thai, thử thai 1 vạch… các bạn cần theo dõi, nếu chu kỳ đến muộn hoặc mất quá 3 kỳ liên tiếp mà không phải có thai thì cần đi gặp bác sĩ ngay để tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý.
- Bị trễ kinh 5 ngày, 1 tuần hay 10 ngày có sao không?: Thông thường, nếu có sự thay đổi bất thường về nội tiết tố, về chế độ sinh hoạt, tinh thần thì chị em hoàn toàn có khả năng bị chậm kinh. Trong một số trường hợp bị trễ chu kỳ 5 ngày, 1 tuần hay 10 ngày có thể là dấu hiệu mang thai.