Tôi nghĩ về những cuộc hành quyết công khai, khi người dân ném cà chua, trứng thối vào kẻ phạm tội, rồi hô hào, cổ vũ khi cuộc sống bị tước đi khỏi họ.
Mới đây, một NTK nổi tiếng đã gây xôn xao khi tham gia group anti Ý Nhi, nhận được rất nhiều lời cổ vũ, tán dương của những người đồng quan điểm. Tuy nhiên, điều anh không lường trước (hoặc chăng không quan tâm) là mình cũng đang phần nào mất đi hình tượng đẹp trong mắt nhiều người. Trên mạng xã hội, không ít cá nhân đã bày tỏ quan điểm về hành động này. Họ cho rằng NTK trên không ra dáng một người anh lớn, hùa theo đám đông "bắt nạt" nàng Hậu sinh năm 2002.
Lại nhớ vài ngày trước, tấm ảnh "off anti-fan HH Ý Nhi" được chia sẻ đã gây xôn xao khắp cõi mạng. Trong ảnh, những bậc anh chị với gương mặt tươi cười rạng rỡ, đang giơ cao tấm băng rôn kêu gọi tước vương miện của cô gái sinh năm 2002. Không chỉ vậy, buổi offline còn có điểm nhấn là màn ăn uống vô cùng hào hứng và sôi nổi giữa những người xa lạ với nhau, mà điểm chung duy nhất là cùng "bức xúc" với Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023. Họ cho biết mong muốn vương miện được trả, để cô gái ấy… được bình yên.
Khoảnh khắc Ý Nhi đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023, cũng là lúc những rắc rối của cô bắt đầu.
Khi nhìn những hình ảnh đó, tôi bất giác rùng mình. Tôi nghĩ về những cuộc hành quyết công khai, khi người dân ném cà chua, trứng thối vào kẻ phạm tội, rồi hô hào, cổ vũ khi cuộc sống bị tước đi khỏi họ. Cảnh tượng tưởng như không còn tồn tại trong xã hội hiện đại, văn minh ngày nay, vậy mà giờ đây tôi được thấy.
Trong cuốn The Suble Art of Not Giving A F*ck của Mark Manson, tôi rất ấn tượng với cụm từ "entitlement" - tạm dịch là "tự cho mình có quyền". Trong thời đại mà chúng ta được tiếp xúc với những cái "nhất" hàng ngày qua truyền thông và các nền tảng mạng xã hội, đó dường như là cách để nhiều người đối mặt với cảm giác tự ti, thua kém, chán ghét chính mình. Thay vì nhìn ra và khắc phục thiếu sót của bản thân, họ tự cho mình quyền đứng ở vị trí "cửa trên" để đánh giá, thậm chí là trừng phạt người khác. Dù trên thực tế, phần đông không thể chứng minh họ thực sự có gì hơn người mà mình đang phê phán.
Ý Nhi đã sai, nhưng không có nghĩa là tất cả những người đang anti cô bé đúng. Thật dễ dàng phán xét một ai đó, đặc biệt là trên mạng xã hội. Nhưng đã bao giờ bạn nghĩ rằng những đánh giá của mình có thể sai, khi bạn thậm chí chưa từng gặp mặt hay nói chuyện trực tiếp với người mà mình đánh giá? Bày tỏ ý kiến, cảm xúc là quyền cá nhân, nhưng nếu những điều đó có thể tác động, làm ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của người khác, thì có lẽ ai cũng nên cân nhắc trước khi đưa ra bất kỳ phát ngôn nào.
Ý Nhi đã sai, nhưng không có nghĩa là tất cả những người đang anti cô bé đúng.
Bỗng dưng tôi nhớ tới một bài thơ, mà chúng ta từng nằm lòng từ thuở còn đi học: "Làm anh khó đấy/ Phải đâu chyện đùa/ Với em gái bé/ Phải người lớn cơ"...
Lời nói như những lằn roi, mà các bậc anh chị đang tự cho mình quyền thay nhau "đánh đòn" Ý Nhi để mong dạy cho cô bé thành người. Nhưng dựa vào đâu mà họ "dạy" Ý Nhi? Liệu những hành động của họ đã ra dáng những người anh, người chị mẫu mực? Và một đứa trẻ lớn lên từ những lời nhiếc móc cùng những trận đòn, liệu có tốt đẹp và thiện lương hơn một đứa trẻ lớn lên trong sự tha thứ và tình yêu thương?
Câu hỏi này, tôi nghĩ ai cũng sẽ tự có câu trả lời.