Tập luyện cường độ cao, giảm cân quá nhiều, bỏ qua tiêm vaccine, tăng lượng vitamin đều có thể ảnh hưởng không tốt đến khả năng sinh sản.
Giảm hoặc tăng nhiều cân
Quá gầy hay quá béo đều khiến chu kỳ kinh nguyệt không đều, làm giảm khả năng mang thai. Không có kinh nguyệt hàng tháng có thể là dấu hiệu không rụng trứng. Không có trứng để thụ tinh với tinh trùng thì không thể có thai.
Nguyên nhân là do thay đổi cân nặng đột biến làm thay đổi nồng độ hormone dẫn đến không rụng trứng. Béo phì cũng khiến phụ nữ có nhiều khả năng gặp các vấn đề như sảy thai, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, trẻ sinh ra nặng cân bất thường và mắc một số dị tật bẩm sinh.
Phụ nữ nên đặt mục tiêu duy trì cân nặng khỏe mạnh trước và trong khi mang thai. Các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ nên duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 27.
Tập thể dục quá sức
Vận động thường xuyên có lợi cho sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, với người đang nỗ lực thụ thai, đây không phải là thời điểm để tập luyện cường độ cao. Các bài tập nặng có thể làm thay đổi hormone khiến buồng trứng khó sản xuất hoặc giải phóng trứng.
Phụ nữ chạy bộ, tập thể dục nhịp điệu, bơi lội hoặc đạp xe cường độ cao khó mang thai hơn ngay cả khi cân nặng khỏe mạnh. Tuy nhiên, với phụ nữ thừa cân, tập thể dục phù hợp có thể giúp giảm cân và cải thiện cơ hội có con.
Uống rượu
Nếu có dự định mang thai, phụ nữ nên sớm bỏ rượu. Rượu khiến người uống cảm thấy thư giãn nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của thai nhi. Rượu ảnh hưởng đến thai nhi ở mọi giai đoạn của thai kỳ, nhất là trong những tuần đầu.
Với người đang điều trị hiếm muộn như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), chỉ uống 4 ly trở lên mỗi tuần cũng khó thụ thai thành công. Nam giới cũng nên tránh rượu khi muốn có con bởi lạm dụng làm giảm nồng độ hormone sinh dục testosterone và gây rối loạn cương dương.
Lối sống lành mạnh, quan hệ đều đặn tăng khả năng thụ thai thành công. Ảnh: Ngọc Phạm
Hút thuốc
Thuốc lá có hại cho sức khỏe tổng thể, nhất là người đang cố gắng thụ thai. Hút hơn 10 điếu thuốc mỗi ngày làm giảm đáng kể khả năng thụ thai. Những chất độc hại trong thuốc lá có thể gây ra những thay đổi ở ống dẫn trứng và cổ tử cung, dẫn đến sảy thai, thai ngoài tử cung. Hút thuốc cũng có thể gây hại cho buồng trứng, khiến sản xuất ít trứng hơn, khả năng thụ thai càng thấp.
Với nam giới, hút thuốc lá ảnh hưởng số lượng và khả năng vận động của tinh trùng. Ngoài ra, hút thuốc cũng có thể giảm khả năng thành công khi thụ tinh trong ống nghiệm. Trường hợp phụ nữ đang mang thai, hút thuốc lá có thể gây ra những thay đổi ở cơ quan sinh sản của thai nhi.
Tăng gấp đôi lượng vitamin
Phụ nữ muốn có thai hoặc mẹ bầu được khuyến cáo bổ sung 400 microgam axit folic mỗi ngày, giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh cho thai nhi. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều vitamin tổng hợp hoặc thực phẩm bổ sung. Ví dụ quá nhiều vitamin A ảnh hưởng đến các vấn đề phát triển ở thai nhi.
Uống nhiều nước tăng lực hoặc cà phê
Lượng caffein tiêu thụ hằng ngày nên ở mức vừa phải. Uống vài tách cà phê mỗi ngày không ảnh hưởng đến cơ hội mang thai, nhưng dùng nhiều cà phê, soda hay ăn chocolate mỗi ngày không tốt cho khả năng sinh sản.
Giảm quan hệ tình dục
Những vợ chồng đang muốn mang thai cần quan hệ tình dục đều đặn và thường xuyên hơn. Thời điểm quan hệ dễ đậu thai nhất là ngay trước và trong ngày rụng trứng hàng tháng.
Ngừng dùng thuốc
Nhiều phụ nữ cho rằng cần ngừng tất cả thuốc trước khi mang thai. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể gây nguy hiểm cho cả người mẹ và thai nhi, nhất là người đang được điều trị các tình trạng như động kinh, trầm cảm hoặc huyết áp cao. Hãy trao đổi với bác sĩ trước khi thay đổi thuốc hoặc liều dùng để an toàn cho sức khỏe bản nhân và thai nhi.
Không tiêm vaccine
Nên tiêm vaccine đầy đủ khi chuẩn bị thụ thai, ít nhất là trước một tháng. Những bệnh lý quan trọng cần tiêm phòng như sởi, thủy đậu, viêm gan... bởi chúng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe hoặc dị tật bẩm sinh ở trẻ nếu phụ nữ mắc phải khi mang thai.
Kết hôn quá muộn
Ở độ tuổi cuối 30, khả năng sinh sản của nữ giới giảm một nửa so với độ tuổi đầu 20. Số lượng và chất lượng trứng và tinh trùng giảm dần theo tuổi tác khiến thụ thai khó khăn hơn. Lúc này nguy cơ thai bất thường về di truyền, sảy thai, sinh non, cùng các vấn đề sức khoẻ trong thai kỳ cao hơn.
Các chuyên gia khuyến cáo tốt nhất phụ nữ nên sinh con trước tuổi 35. Phụ nữ từ 35 tuổi trở lên nếu cố gắng thụ thai trong nửa năm không thành công nên đi khám sức khỏe sinh sản để được bác sĩ điều trị phù hợp, sớm có con.