15 triệu chứng có thai sớm dễ nhận biết nhất

Ngày 29/11/2019 06:12 AM (GMT+7)

Các triệu chứng có thai sẽ xuất hiện chỉ hai tuần sau khi thụ thai. Bằng việc theo dõi những thay đổi của cơ thể, chị em có thể xác định được đã mang thai hay chưa.

15 triệu chứng có thai sớm dễ nhận biết nhất - 1

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi  Ths.BS Trịnh Thị Thúy – Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội.

15 triệu chứng có thai sớm dễ nhận biết nhất - 2

 Ths.BS Trịnh Thị Thúy (Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội)

Mặc dù làm các xét nghiệm và siêu âm là cách duy nhất biết được chính xác cơ thể người phụ nữ có mang thai hay không. Tuy nhiên cũng có những triệu chứng giúp chị em có thể nhận biết như ốm nghén, nhạy cảm với mùi và mệt mỏi... Dưới đây là 15 dấu hiệu có thai dễ nhận biết nhất.

1. Ra máu báo thai

Tất cả mọi thứ vẫn chỉ diễn ra ở cấp độ tế bào trong giai đoạn từ tuần 1 đến tuần 4. Sau khi được thụ tinh, trứng tạo ra phôi nang và phát triển thành các cơ quan, bộ phận trong cơ thể em bé.   

Ở tuần thứ 4 sau khi thụ thai (khoảng từ 10-14 ngày), phôi nang sẽ bám vào nội mạc tử cung và niêm mạc tử cung. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc xuất hiện máu báo thai. Để phân biệt máu báo thai, chị em căn cứ vào một số tiêu chí sau đây:

- Về màu sắc: có màu hồng, đỏ hoặc nâu

- Về lượng máu: hiện tượng rỉ máu chỉ được phát hiện khi dùng khăn hoặc giấy vệ sinh để lau.

- Về mức độ đau: có thể đau nhẹ, vừa hoặc nặng.

* Lời khuyên:

- Việc rỉ máu này thường kéo dài dưới 3 ngày và không cần phải điều trị.

- Tránh hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng các chất kích thích vì có thể làm tình trạng chảy máu trở nên nặng hơn.

15 triệu chứng có thai sớm dễ nhận biết nhất - 3

2. Trễ kinh

Sau khi thụ thai, cơ thể người phụ nữ sẽ sản xuất ra hCG - một loại hormone giúp cơ thể duy trì thai kỳ, nó cũng báo với với buồng trứng sản xuất trứng hàng tháng. Hầu hết các xét nghiệm tại nhà có thể phát hiện hCG sau 8 ngày khi bị chậm kinh. Việc thử thai sẽ phát hiện nồng độ hCG trong nước tiểu và cho chị em biết mình có mang thai hay không. 

* Lời khuyên:

- Chị em nên dùng que thử thai khi bị trễ kinh.

- Làm các xét nghiệm để kiểm tra đã có thai chưa

- Trong trường hợp đang dùng bất cứ loại thuốc nào thì nên hỏi bác sĩ xem  chúng có gây hại gì tới sự phát triển của thai nhi hay không.

3. Nhiệt độ cơ thể tăng

Đây là dấu hiệu có thai sớm mà chị em nên quan tâm. Chỉ cần theo dõi, các chị em sẽ nhận thấy thân nhiệt của mình tăng cao hơn khoảng 0,5 độ C do hiện tượng tăng chuyển hóa khi mang thai. Hiện tượng thân nhiệt tăng thân nhiệt cũng có thể làm da bạn ẩm ướt, gây nên rôm sảy ở những nơi có sự ma sát giữa các vùng da với nhau (vùng da gấp).

Tuy nhiên trong một số trường hợp, nhiệt độ cơ thể cũng có thể tăng lên khi tập thể dục hoặc trong thời tiết nóng.

* Lời khuyên:

Khi mang thai, chị em cần đảm bảo uống nhiều nước hơn và tập thể dục một cách nhẹ nhàng, cẩn thận. 

4. Mệt mỏi

Mệt mỏi có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trong thai kỳ.Triệu chứng này là phổ biến trong thai kỳ sớm. Mức progesterone tăng vọt khiến chị em cảm thấy buồn ngủ.

* Lời khuyên:

- Những tuần đầu của thai kỳ có thể khiến người mẹ cảm thấy kiệt sức. Vì vậy hãy cố gắng ngủ đủ giấc.

- Giữ cho phòng ngủ luôn thông thoáng, mát mẻ.

5. Tăng tiết nước bọt

Một số trường hợp người phụ nữ có thể có dấu hiệu tăng tiết nước bọt, hay nhổ vặt.

6. Ngực sẽ lớn hơn và đau

Sự thay đổi ở ngực xảy ra giữa tuần thứ 4 và thứ 6. Chị em có thể thấy ngực mềm và sưng lên do thay đổi hormone. Điều này có khả năng sẽ biến mất sau một vài tuần, khi cơ thể đã có sự điều chỉnh về hormone.

Khoảng tuần thứ 11, núm vú và vú cũng có thể có sự thay đổi. Hormone là nguyên nhân khiến ngực của phụ nữ tiếp tục phát triển. Quầng vú - khu vực xung quanh núm vú có màu sẫm hơn và ngày càng lớn. 

Nếu chị em nào đã từng bị mụn trứng cá trước khi mang thai thì cũng có thể bị lại.

* Lời khuyên:

- Để giảm đau vùng ngực, chị em có thể mua một chiếc áo ngực dùng cho bà bầu thoải mái có chất liệu bằng cotton, không có dây.

- Chọn loại áo ngực có nhiều móc cài khác nhau để có thể điều chỉnh sao cho phù hợp với sự phát triển của ngực trong những tháng tiếp theo.

- Nên mua miếng đệm vừa vặn với áo ngực để giảm ma sát, tránh gây đau.

15 triệu chứng có thai sớm dễ nhận biết nhất - 4

7. Thay đổi tâm trạng và thói quen ăn uống

Trong thai kỳ, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể người phụ nữ sẽ tăng cao. Chính sự gia tăng này có thể ảnh hưởng đến tâm trạng của chị em, khiến cảm xúc hoặc phản ứng sẽ không như bình thường. Thay đổi tâm trạng là điều tương đối phổ biến xảy ra khi mang thai và có thể gây ra cảm giác chán nản, khó chịu, lo lắng hoặc hưng phấn. 

Ngoài những dấu hiệu có thai sớm dựa vào sự thay đổi của cơ thể, chị em còn có thể cảm nhận sự thay đổi trong sở thích ăn uống của mình để đánh giá khả năng mang thai.

Ví dụ: có thể tự nhiên thích ăn một số loại thức ăn trước đây không thích hoặc không thể ăn được những thức ăn trước đây rất thích ăn, thèm ăn chua, ăn ngọt hoặc ăn rất nhiều thức ăn, bữa ăn…

* Lời khuyên:

Chị em nên cố gắng giữ tâm trạng thoải mái nhất trong giai đoạn mang thai, tránh những cảm xúc tiêu cực.

8. Thường xuyên đi tiểu

Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể sẽ tăng lên. Điều này khiến thận phải hoạt động nhiều hơn bình thường, chất lỏng ở trong bàng quang cũng nhiều hơn. Ngoài ra, do sự ảnh hưởng của hormone thì chị em sẽ đi tiểu thường xuyên hơn.   

* Lời khuyên:

- Uống thêm khoảng 300ml mỗi ngày.

- Lên kế hoạch đi vệ sinh mỗi ngày để tránh mất kiểm soát.

9. Đầy hơi và táo bón

Táo bón và đầy hơi là hai dấu hiệu dễ gặp khi đã mang thai. Thậm chí chúng còn xuất hiện thường xuyên hơn cùng với sự phát triển của thai kỳ. Nguyên nhân của hiện tượng này là do hormone progesterone khi mang thai tăng cao tạo ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa của thai phụ. Để hạn chế táo bón, đầy hơi, chị em có thể ăn tăng cường thức ăn nhiều chất xơ, uống đủ từ 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày.

Giống như triệu chứng khi bắt đầu kỳ kinh nguyệt, hiện tượng đầy hơi có thể xảy ra trong thời kỳ đầu mang thai.

* Lời khuyên:

- Uống đủ từ 2,5-3 lít nước mỗi ngày.

- Tránh dùng các loại đồ uống có chứa chất kích thích như: rượu, bia, cà phê…

- Bổ sung probiotic và prebiotic để giúp hỗ trợ quá trình lên men ở ruột già, bổ sung các lợi khuẩn để tăng cường hoạt động của đường ruột.

- Ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi để bổ sung chất xơ.

- Uống các loại thuốc bổ sung canxi, sắt theo đúng hướng dẫn của bác sĩ.

10. Ốm nghén, buồn nôn và nôn

Buồn nôn và ốm nghén thường xảy ra vào khoảng tuần thứ 4 đến thứ 6. Ốm nghén có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ban ngày hay ban đêm. Không thể xác định nguyên nhân gây buồn nôn là do ốm nghén nhưng có thể hormone đóng một vai trò nào đó.

Trong ba tháng đầu của thai kỳ, nhiều người sẽ bị ốm nghén từ mức độ nhẹ đến nặng. Hiện tượng này có thể nặng hơn vào tháng thứ 3, nhưng sẽ giảm dần sau đó.

* Lời khuyên:

- Ăn một ít bánh quy mặn trước khi thức dậy vào buổi sáng để giảm bớt ốm nghén.

- Uống nhiều nước.

- Khám bác sĩ nếu bị nôn nhiều.

11. Chóng mặt

Huyết áp cao có thể gây ra cảm giác chóng mặt vì các mạch máu bị giãn ra. Để xác định nguyên nhân của việc cao huyết áp do mang thai là tương đối khó. Ở hầu hết các trường hợp tăng huyết áp trong 20 tuần đầu tiên cho thấy các vấn đề tiềm ẩn. Nó có thể xuất hiện trong thời kỳ đầu mang thai nhưng cũng có khả năng đã xảy ra trước đó. 

* Lời khuyên:

- Chị em nên cân nhắc tập các bài tập phù hợp trong giai đoạn đầu khi mới mang thai.

- Tìm hiểu cách theo dõi huyết áp thường xuyên.

- Xin ý kiến tư vấn của bác sĩ về chế độ ăn uống để giúp giảm huyết áp.  

- Uống đủ nước và có thể ăn nhẹ thường xuyên để không bị chóng mặt. Nên đứng dậy từ từ khi ra khỏi ghế, có thể nhờ sự giúp đỡ của người thân. 

12. Nhạy cảm với các loại mùi và thức ăn

Dấu hiệu mang thai sớm dễ nhận biết là nhạy cảm với các loại mùi. Chính sự nhạy cảm này gây ra buồn nôn và ói mửa. Ngoài ra, nó là nguyên nhân làm cho chị em cảm thấy chán ăn đối với một số loại thực phẩm. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ mang thai có xu hướng phản ứng mạnh hơn với các loại mùi trong ba tháng đầu tiên. 

* Lời khuyên:

- Nên nghỉ ngơi, vận động nhẹ, bổ sung dưỡng chất.

- Có thể dùng gừng dưới dạng trà gừng, kẹo gừng...nhưng không được lạm dụng quá nhiều.

- Uống nước trái cây, sữa...để giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.

15 triệu chứng có thai sớm dễ nhận biết nhất - 5

13. Tăng cân

Thông thường phụ nữ mang thai sẽ tăng cân vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên. Chị em sẽ thấy mình tăng lên khoảng 0,5 đến 1,8kg trong vài tháng đầu. Nhu cầu calo của cơ thể cũng thay đổi so với lúc trước và sẽ tăng lên trong thai kỳ.

Ở các giai đoạn sau, số cân nặng tăng thêm sẽ phân chia như sau:

- Ngực: khoảng 0,5 đến 1,4kg

- Tử cung: khoảng 0,9 kg

- Nhau thai: khoảng 0,7kg

- Nước ối: khoảng 0,9kg 

- Thể tích máu và chất lỏng: khoảng 2,3 đến 3,2kg

- Chất béo: khoảng 2,7 đến 3,6kg

* Lời khuyên:

- Chị em không nên kiêng khem quá mức mà cần phải ăn đa dạng, đầy đủ các chất dinh dưỡng. Lưu ý không cần phải ăn gấp đôi mức bình thường.

- Nên theo dõi cân nặng một cách thường xuyên. Từ đó có thể theo dõi, điều chỉnh chế độ ăn uống và luyện tập sao cho phù hợp.

14. Chứng ợ nóng

Van giữa dạ dày và thực quản được nới lỏng ra do hormone. Vì vậy mà axit dạ dày bị rò rỉ ra, gây ợ nóng.

*Lời khuyên:

- Chị em có thể ngăn ngừa chứng ợ nóng do mang thai bằng cách ăn nhiều bữa nhỏ mỗi ngày thay vì ăn nhiều hơn.

- Cố gắng ngồi thẳng sau khi ăn trong ít nhất một giờ để thức ăn có nhiều thời gian tiêu hóa hơn.

- Nếu cần sử dụng bất kỳ loại thuốc gì thì phải có ý kiến của bác sĩ để an toàn cho cả mẹ và em bé.

15. Buồn ngủ

Dấu hiệu mà các chị em bỏ qua chính là buồn ngủ, ngủ gà, ngủ nhiều, nhưng cũng có một số trường hợp lại mất ngủ.

Nhiều thay đổi của cơ thể và các triệu chứng khi mang thai mà các chị em gặp phải trong 3 tháng đầu tiên sẽ bắt đầu mất đi khi đến các tháng tiếp theo. Hãy tìm đến sự tư vấn của bác sĩ nếu có sự bất tiện nào trong cuộc sống hàng ngày để có được một sự thoải mái nhất trong thai kỳ.

Các triệu chứng giảm dần trong tam cá nguyệt thứ hai

Nhiều thay đổi của cơ thể và các dấu hiệu có bầu mà chị em gặp phải trong ba tháng đầu tiên sẽ bắt đầu mờ dần sau khi đạt đến tam cá nguyệt thứ hai .

Bác sĩ giải mã triệu chứng mang thai giả không ít chị em mắc phải
Triệu chứng mang thai giả thường sẽ xuất hiện ở những người phụ nữ đang có tâm lý trông ngóng mang thai và sinh con, hiện tượng này còn có tên gọi...

Dấu hiệu mang thai

Ths.BS Trịnh Thị Thúy
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tập luyện cường độ cao, giảm cân quá nhiều, bỏ qua tiêm vaccine, tăng lượng vitamin đều có thể ảnh hưởng không tốt đến khả năng sinh sản.

Tin bài cùng chủ đề Bài chuyên gia