Khi chuẩn bị sinh thêm bé thứ 2, mẹ cần cân nhắc sức khỏe bản thân, tình trạng em bé đầu lòng và hoàn cảnh gia đình.
Các chuyên gia sản khoa đều khuyến khích chị em phụ nữ nên lên kế hoạch trước khi mang thai. Thậm chí nếu chuẩn bị mang bầu và sinh bé thứ 2 thì mẹ càng cần cân nhắc và chuẩn bị kĩ lưỡng hơn. Những vấn đề mẹ cần quan tâm bao gồm sức khỏe của bản thân, tình trạng của bé đầu và cả hoàn cảnh gia đình hiện tại. Nếu rơi vào 5 trường hợp dưới đây, tốt nhất mẹ nên gác lại kế hoạch mang bầu bé thứ 2.
1. Có di chứng từ lần sinh trước, sức khỏe không tốt
Sức khoẻ và cơ địa của mẹ là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi trong bụng. Trong lần đầu vượt cạn, nếu mẹ gặp phải một số biến chứng hoặc các vấn đề về sức khoẻ, để lại di chứng nặng nề trên cơ thể thì đừng vội vàng mang thai.
Nếu lần mang thai đầu quá vất vả, để lại di chứng nặng nề thì mẹ cần cân nhắc kĩ trước khi mang bầu bé thứ 2. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, nếu mẹ mắc các bệnh mãn tính như cao huyết áp, mỡ máu cao, đường huyết cao thì càng phải cẩn trọng hơn khi sinh con thứ hai. Những căn bệnh này không chỉ gây ra gánh nặng lớn hơn cho cơ thể mẹ khi mang thai mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của trẻ, thậm chí có thể dẫn đến dị tật thai nhi và sảy thai. Những bà mẹ có sức khỏe không tốt càng phải thận trọng hơn trong vấn đề sinh con thứ hai.
2. Người mẹ vừa sinh mổ chưa được 2 năm
Nhiều gia đình thường có tư tưởng sinh thêm bé thứ 2 sớm để "nuôi luôn một thể". Tuy nhiên, với các bà mẹ sinh mổ, các bác sĩ khuyến khích nên có thai sau ít nhất là 2 năm để đảm bảo an toàn cho vết mổ cũng như tránh những nguy hiểm trong quá trình thai nhi lớn lên và mổ lấy thai.
Sau khi sinh mổ, người mẹ cần thời gian để phục hồi thể trạng nên nếu mang thai lúc này có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số nguy cơ có thể xảy ra như thai ngoài tử cung, thai trên sẹo mổ hay vỡ tử cung... cũng dễ gặp với các chị em sinh mổ, đe doạ tính mạng của người mẹ. Tốt nhất, nếu bắt buộc phải mang thai vào lúc này, hãy tới gặp bác sĩ để được thăm khám và tìm ra giải pháp tốt nhất cho thời điểm mang bầu tiếp theo.
3. Những người mẹ đã lớn tuổi
Sản phụ ngoài 35 tuổi có nhiều nguy cơ gặp biến chứng khi mang thai hơn. (Ảnh minh họa)
Do sự suy giảm liên tục về chức năng thể chất, bà mẹ sẽ gặp nhiều rủi ro hơn khi mang thai và sinh con sau 35 tuổi. Mang thai khi đã nhiều tuổi khiến người phụ nữ sẽ phải đối diện với nhiều nguy cơ và biến chứng cao hơn, ảnh hưởng cả tới sự phát triển của thai nhi trong bụng.
Trong trường hợp này, nếu các bà mẹ muốn sinh con thứ hai thì phải khám thai định kỳ theo hướng dẫn chuyên môn của bác sĩ, đồng thời duy trì thói quen sinh hoạt, tâm lý tình cảm tốt để có thể thụ thai tốt hơn.
4. Người con đầu quá ốm yếu hoặc quá nhỏ
Khoảng cách giữa những lần mang thai cũng cần phải chú ý, nếu con đầu quá nhỏ, bé sẽ chịu thiệt thòi khi có em sớm, tình cảm sẽ bị san sẻ... Thêm vào đó, nếu bé có sức khoẻ không tốt, thường xuyên phải vào viện hoặc mắc các bệnh mãn tính thì bố mẹ nên lưu ý bởi có thể em bé thứ 2 sẽ có chiều hướng giống như vậy. Lúc đó, nếu bố mẹ không vững vàng về kinh tế và tâm lý thì sẽ rất dễ gặp phải stress, mệt mỏi.
Bên cạnh đó, dù con đầu lòng khoẻ mạnh nhưng nếu còn quá bé thì mẹ cũng nên cân nhắc vì sức khoẻ và tâm lý của bé đầu cũng bị ảnh hưởng không nhỏ nếu mẹ có thêm em. Nhiều gia đình lựa chọn cách hỏi ý kiến của con lớn để đảm bảo bé không bị tổn thương hay mâu thuẫn sau này. Trẻ còn quá nhỏ để hiểu được việc phải san sẻ tình yêu của bố mẹ cho em. Hậu quả là các con sẽ không hoà thuận, dễ tranh cãi với nhau về sau này.
5. Hoàn cảnh gia đình chưa cho phép
Kinh tế, người chăm sóc khi sinh nở, hoàn cảnh gia đình cũng là những vấn đề cần cân nhắc khi chuẩn bị mang thai. (Ảnh minh họa)
Trong nhiều gia đình hiện nay, người phụ nữ phải đảm trách quá nhiều công việc, trách nhiệm. Ngoài chuyện đi làm, kiếm tiền, lo việc nhà cửa, chăm sóc con đầu lòng còn phải quan tâm, chăm sóc bố mẹ già… Tất cả những việc này ngốn quá nhiều thời gian và sức lực của người mẹ. Trong điều kiện này, việc sinh con thứ hai không phải là điều phù hợp.
Khi gia đình thiếu nhân lực, việc chăm sóc một bà bầu và trẻ sơ sinh sau khi ra đời là rất khó khăn, vất vả. Mặt khác, sau khi có con, các thành viên trong gia đình sẽ phải đối mặt với nhiều gánh nặng trong cuộc sống, khả năng xảy ra xung đột sẽ tăng cao, áp lực mệt mỏi cho người phụ nữ.
Vì vậy, khi muốn sinh con thứ hai, chị em nên bàn với chồng, tính toán sao cho hợp lý nhất để không sinh con vào thời điểm mọi công việc đều đổ dồn, có điều kiện chăm sóc tốt nhất cho bản thân mình và con yêu.