Hà Nội - Mong có con trong năm Giáp Thìn, vợ chồng chị Mai thử mọi cách nhưng vẫn chưa có tin vui khiến cả hai bức bối, mệt mỏi, có dấu hiệu rối loạn lo âu.
Chị Mai, 30 tuổi và anh Kiên, 33 tuổi, kết hôn năm 2021, nỗ lực có thai nhưng không thành công mặc dù các kết quả thăm khám đều bình thường. Từ giữa năm ngoái, cặp đôi đặt mục tiêu phải có con năm Rồng bằng mọi giá, do mọi người nói sinh con tuổi này sẽ thông minh, nhanh nhẹn còn anh Kiên tin năm Giáp Thìn là "đại cát đại lợi", giúp cuộc sống của hai vợ chồng suôn sẻ.
Anh Kiên còn là con trưởng nên càng áp lực sinh con trai. Ngoài thuốc bổ, chị Mai cho chồng uống nhiều nước chanh còn mình thì bơm dung dịch muối kiềm vào âm đạo để bầu con trai. Chị mua thêm các sản phẩm hỗ trợ như gel bôi trơn giúp vợ chồng dễ quan hệ, "nghĩ đây cách tinh trùng lưu thông nhanh và mạnh, dễ đậu thằng cu".
"Cảm giác như mình đang chạy deadline (thời hạn để thực hiện kế hoạch) nhưng 8 tháng vẫn chưa có tin vui khiến bản thân stress, mệt mỏi, khó tính hơn", anh Kiên chia sẻ. Chị Mai thường xuyên suy nghĩ dẫn đến khó vào giấc ngủ, hay ngủ mơ ác mộng, thỉnh thoảng lo lắng, bồn chồn, đi khám bác sĩ khuyến cáo dấu hiệu của bệnh rối loạn lo âu.
Cũng tốn cả chục triệu để bồi bổ cho hai vợ chồng, chị Linh, 28 tuổi nói áp lực sinh con "bào mòn" tinh thần, khiến chị mất ngủ. "Tôi cũng muốn sinh con năm nay vì hợp tuổi bố mẹ, là con gái sẽ giỏi giang, con trai thông minh", chị nói và cho biết ngày nào cũng lên các nhóm "săn Rồng" để xin bí kíp, mong "còn nước còn tát".
Tại đây, mọi người trao đổi các kinh nghiệm mang thai như ăn hàu, uống nước chanh, đi "xin vía" hoặc tới kỳ rụng trứng sẽ rửa âm đạo bằng nước chanh để tạo môi trường kiềm, dễ đậu con. Có người bán thuốc bắc, đá phong thủy, xem tử vi canh giờ đẹp... hoặc bán thực phẩm chức năng, thuốc tăng cường sinh lý.
Mỗi khi có người thông báo đậu thai, chị Linh lại chạnh lòng vì bản thân đã nỗ lực mọi cách nhưng vẫn chưa có kết quả. Nỗi buồn khó có con ảnh hưởng toàn bộ cuộc sống, khiến chị đánh mất mọi hứng thú, thường xuyên ủ dột, thiếu năng lượng.
"Cưỡng ép" mang thai theo ý muốn vừa khiến cặp đôi stress vừa giảm khả năng mang thai tự nhiên. Ảnh: Pexels
Trong 12 con giáp, Rồng mang ý nghĩa tốt lành, đại diện cho sức mạnh, sự thịnh vượng. Những người sinh trong năm này được cho là có số mệnh tốt, dễ gặt hái thành công. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong năm 2024, khi tỷ lệ sinh ở nhiều quốc gia ở châu Á ngày càng suy giảm báo động. Việt Nam cũng đang chuẩn bị cho đợt gia tăng số ca sinh vào năm Giáp Thìn. Thống kê từ Bộ Y tế cho thấy trong 7 ngày nghỉ Tết, cả nước đón hơn 13.000 trẻ chào đời, dự đoán tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Bác sĩ Nguyễn Công Định, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cơ sở 2, cho biết quan niệm đứa trẻ năm Thìn giỏi giang, khỏe mạnh và thành công hơn các năm khác là không có căn cứ khoa học. Tình trạng đổ xô, "cưỡng ép" đi sinh con còn để lại nhiều hệ lụy về kinh tế, giáo dục, y tế. Nhiều người tìm các biện pháp không thuận tự nhiên, phản khoa học như bơm nước kiềm, quan hệ quá nhiều, đi châm cứu... hoặc chủ động đi thụ tinh nhân tạo (IVF), kích trứng gây hại sức khỏe.
Đơn cử, trường hợp làm IVF để đẻ đôi, mong "gấp đôi lộc" có thể dẫn đến các nguy hiểm do khi mang song thai, nguy cơ tử vong cho mẹ và bé tăng gấp 6 lần. Tỷ lệ tai biến, biến chứng trong thai kỳ và lúc chuyển dạ cũng tăng 2,5 lần so với người mang một thai. Bên cạnh đó, tử cung người mẹ được thiết kế để mang một thai, nặng khoảng ba kg, kèm hai lít nước ối và khoảng 500-600g bánh nhau. Nếu mang thai đôi, tử cung phải chịu trọng lượng gấp đôi, rất vất vả để chăm sóc, theo bác sĩ.
Mặt khác, mẹ mang song thai có nguy cơ sinh non trước 37 tuần nhiều hơn thai phụ mang thai đơn. Lúc này, trẻ chưa phát triển toàn diện, nhiều bộ phận chưa trưởng thành, như thần kinh, tiêu hóa, vận động, đặc biệt là phổi. Trẻ sinh non dễ tử vong hoặc ảnh hưởng phát triển thể chất lẫn trí tuệ sau này.
Căng thẳng, stress còn gây mất cân bằng hormone nữ, giảm chất lượng tinh trùng khiến khả năng thụ thai trở nên khó khăn hơn, bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, cho biết. Căng thẳng kéo dài ảnh đến đời sống hàng ngày, làm giảm ham muốn tình dục. Ngoài ra, stress mãn tính khiến mọi người nguy cơ mắc các bệnh sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu...
Trường hợp đậu thai, người mẹ mất nhiều thời gian để cân bằng cảm xúc, "ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi". Người phụ nữ từng bị trầm cảm trước và trong mang thai có thể bị trầm cảm sau sinh, rối loạn sinh lý cao hơn.
Một nghiên cứu của Đại học Louisville ở Kentucky (Mỹ) cho thấy yếu tố căng thẳng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng làm mẹ. Cụ thể, những người phụ nữ tham gia nghiên cứu cảm thấy lo âu, căng thẳng trong những ngày rụng trứng. Đặc biệt, vào ngày 14 của chu kỳ họ sẽ có xu hướng giảm 40% cơ hội thụ thai so với người tâm lý bình thường.
Các cặp vợ chồng không nên mù quáng tin vào phương pháp cực đoan khiến cả hai mệt mỏi, stress, khó đậu thai hơn. Ảnh: Pexels
Các bác sĩ khuyên vợ chồng muốn đậu thai phải có tâm lý thoải mái, sức khỏe, tài chính tốt, tránh "dục tốc bất đạt". Các gia đình thể tham khảo các phương pháp thụ thai nhưng không nên "mù quáng" bởi số phận một đứa trẻ phụ thuộc nhiều yếu tố, gồm cả môi trường sống, cách giáo dục. Những sản phẩm như gel bôi trơn chỉ có tác dụng giúp vợ chồng dễ quan hệ, còn soi trứng, canh trứng... chỉ hỗ trợ, không quyết định giới tính con.
"Thay vì cầu tự đứa con giỏi giang nhờ năm sinh, bố mẹ nên tìm cách bồi bổ để có sức khỏe tốt nhất và em bé sinh ra được khỏe mạnh, an toàn", bác sĩ Hằng khuyên.
*Tên nhân vật được thay đổi