Lần đầu về ra mắt, anh đã mang theo rất nhiều quà nhưng bố của chị Mai đã giận dữ ném thẳng chúng ra cửa. Dẫu vậy, anh Khuê vẫn không lùi bước, cố gắng tươi cười giao tiếp với nhà vợ tương lai.
Anh Lưu Khuê (sinh năm 1991) sinh ra trong một gia đình nông thôn rất bình thường ở Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh tới Singapore làm nhân viên phục vụ phòng tại một khách sạn. Tại đây, anh vừa học vừa làm và nhận được tấm bằng đại học ở Singapore. Và cũng tại “đảo quốc sư tử” này, anh Khuê đã gặp được tình yêu của đời mình.
Anh Lưu Khuê.
Chàng rể Trung quỳ trước bàn thờ ngay lần đầu ra mắt nhà vợ tương lai
Khi mới đi làm, sếp đã sắp xếp cho anh Khuê tham gia một lớp đào tạo. Trong khi tìm chỗ ngồi, anh để ý thấy một cô gái có mái tóc đen dài ngang vai, xinh xắn. Tình cờ bên cạnh cô ấy có một chiếc ghế trống nên anh Khuê đã ngồi ở đó rồi tươi cười bắt chuyện.
Qua nói chuyện, anh Khuê mới biết cô gái ngồi cạnh mình tên là Nguyễn Thị Mai, tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học Hải Phòng, vừa mới tốt nghiệp và đến Singapore. Đáng nói, Mai cũng là giám đốc cấp cao tại nơi làm việc của anh Khuê.
Thấy chị Mai không chỉ xinh đẹp mà còn có học vấn cao, anh Khuê rất ngưỡng mộ và muốn theo đuổi chị. Sau vài ngày liên lạc qua điện thoại, anh rủ chị Mai đi mua sắm và ăn tối, từ đó tình cảm giữa hai người cũng lớn dần lên.
“Sau vài lần hẹn hò, tôi thấy cô ấy khác hẳn những cô gái tôi từng quen trước đây. Những cô gái tôi quen trước đây, họ luôn yêu cầu con trai trả tiền, bất kể hai người có tiến tới mối quan hệ yêu đương hay hôn nhân hay không, họ đều cảm thấy thoải mái khi tiêu tiền của đàn ông.
Nhưng Mai thì không như vậy. Khi chúng tôi đi mua sắm cùng nhau, cô ấy tự mình trả tiền quần áo, mỹ phẩm,… Tôi muốn trả tiền cô ấy đều từ chối. Chỉ khi chúng tôi ăn cùng nhau, cô ấy mới cho tôi trả tiền. Tôi nghĩ Mai là một cô gái rất chính trực và tình cảm của tôi dành cho cô ấy ngày càng lớn dần. Dần dần, chúng tôi yêu nhau một cách tự nhiên”, anh Khuê chia sẻ.
Anh Lưu Khuê và chị Mai.
Trong suốt 2 năm yêu nhau, cặp đôi đã đi du lịch nhiều nơi và mối quan hệ của cả hai ngày càng trở nên sâu sắc. Tháng 3/2019, anh Khuê đưa chị Mai về Trung Quốc gặp gỡ gia đình. Người nhà anh Khuê rất thích chị Mai, nhưng gia đình chị Mai khi biết chị có bạn trai Trung Quốc thì phản đối kịch liệt.
Trong suy nghĩ của bố mẹ chị Mai, người Trung Quốc không đáng tin cậy, họ muốn chị lấy chồng Việt hoặc chồng Singapore. Đặc biệt là bà của chị Mai, ngày nào bà cũng buồn và khóc kể từ khi biết chị muốn lấy chồng Trung Quốc. Điều này khiến chị Mai rơi vào tình thế khó xử.
“Dù mối quan hệ của chúng tôi bị cả gia đình cô ấy phản đối nhưng tôi không nản lòng hay bỏ cuộc. Tôi tin rằng nước chảy đá mòn, trao đi sự chân thành sẽ được nhận chân tình”, anh Khuê nói.
Tháng 7/2019, cặp đôi đến Việt Nam. Anh Khuê đã mang theo rất nhiều quà nhưng bố của chị Mai đã giận dữ ném thẳng chúng ra cửa. Dẫu vậy, anh Khuê vẫn không lùi bước, cố gắng tươi cười giao tiếp với nhà vợ tương lai. Anh còn quỳ xuống trước di ảnh của ông nội chị Mai để bày tỏ thái độ của mình trước mặt cả nhà và nhờ bạn gái phiên dịch cho mình.
“Tôi nói: ‘Tôi thực sự yêu Mai, và tôi chỉ muốn ở bên cô ấy đến hết cuộc đời này. Hãy tin tôi, cho tôi một cơ hội, tôi nhất định sẽ chăm sóc cô ấy thật tốt’. Dù tôi rất chân thành nhưng gia đình Mai vẫn từ chối khiến Mai rất lo lắng. Bởi vì lúc này cô ấy đang mang thai nhưng lại không dám nói với bố mẹ, nên chỉ có thể van xin, thuyết phục bố mẹ hết lần này đến lần khác”, chàng trai 9X nói.
Tuy nhiên, dấu hiệu mang thai không thể giấu giếm được. Bố mẹ chị Mai sau đó đã phát hiện ra chuyện này. Chị Mai khi đó tiếp tục làm công tác tư tưởng cho gia đình, nói rằng sau khi cưới cả hai sẽ không sống ở Trung Quốc mà sống ở Singapore. Đến lúc này, bố mẹ chị Mai mới miễn cưỡng đồng ý.
Cả hai tổ chức đám cưới ở Việt Nam, bố mẹ anh Khuê cũng đến tham dự. “Mãi sau khi đám cưới kết thúc, chúng tôi mới bàn về tiền sính lễ. Mai hỏi mẹ cô ấy và mẹ nói rằng chỉ cần khoảng 10 triệu. Tôi đã đưa cho nhà vợ 10 triệu và trả tiền tổ chức tiệc cưới là 20 triệu. Để lấy lòng bố vợ và nhà vợ, tôi còn tặng ông một món quà trị giá 70 triệu nữa. Cho nên, để cưới vợ tôi đã tiêu tốn khoảng 100 triệu”, anh Khuê chia sẻ.
Mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu và sự bất lực của người đàn ông đứng giữa
Cặp đôi ở Việt Nam 3 tuần rồi lại sang Singapore làm việc. Tháng 10/2019, khi Mai mang thai 6 tháng, cặp đôi trở về Trung Quốc để lấy giấy đăng ký kết hôn, tổ chức tiệc cưới ở quê và ở lại chờ sinh con. Lúc này, mẹ chồng chăm chút cho con dâu từng chút một, thường xuyên nấu nhiều món ngon để bồi bổ cho nàng dâu.
Tháng 1/2020, chị Mai sinh con gái đầu lòng, cả gia đình vô cùng mừng rỡ. Tháng 7 cùng năm, anh Khuê sang Singapore làm việc, để vợ con ở Trung Quốc vì lúc này dịch bệnh đang bùng phát.
Không ngờ sau khi anh đi, mâu thuẫn giữa mẹ chồng và con dâu dần dần nảy sinh, mỗi lần nhận được cuộc gọi phàn nàn của mẹ là anh lại đau đầu. Anh Khuê nói: “Mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu thực chất không phải vấn đề lớn, chủ yếu là do cách chăm sóc con cái khác nhau. Mai luôn cảm thấy bình sữa không thể sạch sau khi rửa, cần tiệt trùng trước khi pha sữa nhưng mẹ tôi lại pha sữa trực tiếp luôn, rồi nhiệt độ sữa bột quá cao,…
Thỉnh thoảng con ói sữa, Mai vỗ vào lưng cho con thì mẹ tôi lại cảm thấy Mai vỗ quá mạnh, lo đứa trẻ không chịu nổi nên trách con dâu. Mẹ tôi không khéo ăn khéo nói, tính thẳng như ruột ngựa, có gì nói nấy nên khiến Mai rất giận, cứ thế hai mẹ con luôn cãi nhau.
Tôi ở Singapore xa xôi, không cách nào hòa giải được, tôi chỉ biết khuyên mẹ: ‘Mai một mình từ Việt Nam đến ngôi làng nhỏ miền núi của chúng ta, thật không dễ dàng gì, mẹ đừng cãi nhau với cô ấy nữa được không, cứ làm theo ý cô ấy đi’. Tuy nhiên vì ở xa, việc thuyết phục qua điện thoại không có mấy tác dụng, mẹ chồng và nàng dâu vẫn luôn cãi nhau về việc chăm con. Mỗi lần biết chuyện, tôi lại bực tức và muốn quay về Trung Quốc để giải quyết mâu thuẫn nhưng tôi không thể vì dịch bệnh”.
Cặp đôi kết hôn vào năm 2019.
Đến tháng 7/2022, mâu thuẫn giữa mẹ chồng và nàng dâu càng trở nên gay gắt hơn. Lúc này anh Khuê đành xin nghỉ việc và trở về Trung Quốc. Sau khi trở về, anh đưa vợ con chuyển ra ở riêng.
Đến tháng 1/2023, dịch bệnh dần chấm dứt, anh Khuê lại sang Singapore làm việc trở lại. Trước khi sang Singapore, anh đã đưa vợ con về Việt Nam để thăm bố mẹ, họ hàng.
Để tình cảm vợ chồng không bị xa cách, cứ 3 tháng một lần anh lại về Việt Nam thăm vợ con. Hiện tại, anh Khuê chuyển sang công việc tốt hơn, nếu làm thêm giờ nhiều có thể nhận được 3.500 đô la Singapore mỗi tháng (khoảng 65,4 triệu đồng). Chị Mai cũng tìm được công việc giáo viên tiếng Anh. Anh dự định sẽ ở Singapore làm việc thêm một thời gian nữa rồi về Việt Nam sống và mở một cửa hàng để được gần vợ gần con.
“Tiền tiết kiệm trước đây của tôi đã dùng để cưới vợ, mua một căn nhà ở Trung Quốc và trang trải mấy tháng không thể đi làm vì vướng dịch bệnh rồi. Bây giờ tôi chỉ muốn dốc hết sức kiếm tiền, sau khi tiết kiệm được nhiều tiền sẽ về Việt Nam mở cửa hàng để ở cạnh vợ con.
Nhiều người ghen tị với những người lấy vợ nước ngoài như tôi nhưng họ không biết rằng trong đó có rất nhiều thăng trầm. Quản lý một cuộc hôn nhân không hề dễ dàng, đặc biệt là hôn nhân xuyên biên giới. Khi một cô gái quyết định rời quê hương để đến với bạn, cô ấy cần rất nhiều dũng khí. Vì vậy, là một người chồng, bạn phải tôn trọng, thấu hiếu và suy nghĩ nhiều hơn từ góc độ của cô ấy để cô ấy có cảm giác an toàn. Chỉ có ở bên cạnh cô ấy nhiều hơn thì cô ấy mới không chán nản, thất vọng và cuộc hôn nhân mới có thể bền lâu”, anh Khuê giãi bày.
Ngoài ra, theo anh Khuê, một điều kiện cần thiết khác để duy trì một cuộc hôn nhân xuyên biên giới lâu dài là phải có nền tảng tài chính nhất định. Để khi người vợ muốn mua thứ gì đó, hoặc khi muốn về thăm gia đình ruột thịt của mình thì người chồng mới đáp ứng được nhu cầu của vợ.
“Tôi rất hài lòng với cuộc hôn nhân xuyên biên giới của mình, tôi cảm thấy cưới Mai là quyết định đúng đắn nhất trong đời. Mai rất tốt và xứng đáng với tình yêu và sự trân trọng của tôi. Tôi sẽ làm việc không ngừng nghỉ vì gia đình nhỏ của chúng tôi, để vợ tôi có một cuộc sống hạnh phúc hơn”, chàng rể Trung Quốc nói.