Bác sĩ đã hai lần đề nghị sinh mổ cho sản phụ nhưng người chồng từ chối giấy cam kết.
Trong sinh thường, bé “sinh ra” qua ống sinh một cách giản đơn và khỏe mạnh, vì đó là con đường tự nhiên do tạo hóa mang lại. Tuy nhiên, không phải lúc nào mọi việc cũng xảy ra bình thường và tự nhiên. Trong những trường hợp cần thiết, mổ lấy thai là phương pháp cần áp dụng ngay để đảm bảo an toàn cho mẹ và em bé.
Mới đây, tin tức về một ca sinh mổ diễn ra tại bệnh viện Lanling (tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) đã thu hút đông đảo sự chú ý của dư luận.
Ngày 6/1, anh Dư sống tại địa phương đã đưa vợ đang mang bầu nhập viện sinh con. Sau khi kiểm tra, bác sĩ đề nghị gia đình kí giấy cam kết để sản phụ sinh mổ nhưng anh Dư từ chối. Vợ anh tiếp tục chịu đựng cơn đau đẻ. Đến chiều cùng ngày, bác sĩ một lần nữa đưa ra phương án sinh mổ nhưng người chồng này vẫn không đồng ý.
Anh Dư đã 2 lần từ chối kí giấy cam kết để vợ được sinh mổ. (Ảnh minh họa)
Giải thích lý do không cho vợ sinh mổ, anh Dư nói: "Vợ tôi cả thai kỳ đều khỏe mạnh nên không có lý do gì phải mổ cả. Lần đầu vợ tôi cũng đau đẻ rất lâu và sinh thường thành công nên tôi muốn kiên trì". Anh cũng cho rằng dù mình từ chối sinh mổ thì bệnh viện vẫn phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho sản phụ và thai nhi.
Đến 17h ngày 6/1, bác sĩ cho biết tim thai đang giảm sâu và rất nguy hiểm, vợ anh Dư yêu cầu được sinh mổ và anh đã đồng ý. Con trai anh Dư chào đời vào lúc 17h45 và lập tức được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt. Tuy nhiên, 10h sáng ngày hôm sau, bé đã ra đi mãi mãi.
Bác sĩ cho rằng nếu gia đình đồng ý sinh mổ sớm hơn thì có thể đã không xảy ra sự việc đau lòng này. Ngược lại, anh Dư lại cho rằng phía bệnh viện thiếu trách nhiệm. Ngày 12/1, anh đã đệ đơn kiện bệnh viện và đòi bồi thường 2 triệu NDT (khoảng 7 tỉ VNĐ). Hiện công an đang tiến hành điều tra vụ việc.
Những trường hợp mẹ bầu nên đẻ mổ?
Giữa các lựa chọn phương pháp sinh thì sinh thường tự nhiên luôn được ưu tiên và khuyến khích lựa chọn. Tuy nhiên, không phải trường hợp mang bầu nào cũng có thể sinh thường, có những người bắt buộc phải mổ lấy thai nếu:
Thai nhi quá lớn
Thai nhi quá mức cân nặng chuẩn sẽ rất khó để đi qua khung xương chậu của mẹ khi chào đời, đặc biệt với những em bé có mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Trong trường hợp này, mẹ thường được chỉ định đẻ mổ.
Khung xương chậu của mẹ nhỏ
Một số mẹ bầu với khung xương chậu quá nhỏ sẽ không đủ không gian để thai nhi chui qua đó nên sẽ được chỉ định đẻ mổ.
Khi khám thai những tuần cuối, bác sĩ đã có thể xác định thai phụ có phải đẻ mổ hay không.
Thai nhi ngôi ngược
Thông thường vị trí của thai nhi những tuần cuối thai kỳ là đầu quay xuống dưới, mặt úp vào phía trong bụng mẹ, tuy nhiên nhiều bé đến tận ngày sinh vẫn không chịu quay đầu, thậm chí là ngôi thai ngang gây khó khăn cho quá trình sinh thường. Những trường hợp bất thường ngôi thai thường phải đẻ mổ.
Mẹ bị cao huyết áp
Mẹ bị tăng huyết áp thai kỳ, mắc hội chứng phù nề… sẽ khiến thai nhi không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và oxy từ nhau thai… Những trường hợp này cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ và thường sẽ được đẻ mổ để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con.
Cổ tử cung không thể mở
Trong nhiều trường hợp, mức độ co rút tử cung của mẹ yếu, cổ tử cung không thể giãn nở đủ để bé đi ra nên sẽ phải sinh mổ.
Có dấu hiệu sinh non
Mẹ có dấu hiệu sinh non hoặc có vấn đề gì trong thai kỳ cần được đưa thai nhi ra gấp khỏi cơ thể mẹ cũng phải chọn phương pháp đẻ mổ. Trẻ dưới 36 tuần tuổi sẽ khó có thể chịu được áp lực từ việc sinh nở tự nhiên.
Mẹ có vấn đề về nhau thai
Những mẹ bầu có vấn đề về nhau thai như nhau thai bị tách, nhau thai thấp cũng được đẻ mổ để đảm bảo an toàn cho thai nhi.