Phản ứng của người chồng khiến các y bác sĩ sững sờ rồi lắc đầu ngao ngán.
Ngày nay, nhiều bệnh viện cho người nhà sản phụ cùng vào phòng sinh và không ít bà mẹ chọn chồng làm người đồng hành cùng mình trong lúc “vượt cạn”. Tuy nhiên thực tế không phải người chồng nào cũng thích hợp để vào phòng sinh cùng vợ. Câu chuyện của cặp đôi dưới đây là một ví dụ.
Tiểu Li (25 tuổi, sống tại Hợp Phì, Trung Quốc) và người chồng hơn 8 tuổi kết hôn với nhau thông qua mai mối. Tuy tình cảm không quá mặn nồng nhưng cuộc sống gia đình vẫn khá ấm áp, đặc biệt là sau khi Tiểu Li phát hiện mang thai con đầu lòng.
Đến ngày sinh nở, Tiểu Li nghe lời khuyên của bạn bè nên mong muốn chồng cùng mình vào phòng sinh, một phần để chồng tiếp thêm sức mạnh cho mình, một phần để chồng thẩu hiểu sự vất vả mà cô phải trải qua, từ đó để chồng yêu thương mình hơn.
Người vợ đau đớn khi chuyển dạ và trở nên cáu kỉnh, mắng chửi cả chồng. (Ảnh minh họa)
Ban đầu, chồng Tiểu Li không đồng ý vì cảm thấy phòng sinh nở có phần nhạy cảm, không phù hợp với "đấng mày râu". Nhưng sau đó vì vợ thuyết phục nhiều lần nên anh đành đồng ý.
Đến lúc "vượt cạn", ca sinh nở diễn ra không suôn sẻ vì bản thân Tiểu Li không biết cách rặn đẻ. Cô đau đến mức không chịu nổi, tính tình dần trở nên cáu kỉnh. Chứng kiến cảnh tượng này, chồng Tiểu Li tỏ ra khá bối rối, luống cuống không biết phải làm gì. Sau đó, nữ y tá phải nhắc anh hãy lau mồ hôi và nói vài lời ngọt ngào động viên vợ. Vậy là chồng Tiểu Li cũng làm theo.
Thế nhưng, nghe thấy tiếng chồng bên cạnh, sản phụ như tìm được chỗ trút bầu tâm sự, liên tục mắng chửi chồng không thương tiếc. Những lời lẽ càng ngày càng cay nghiệt khiến người chồng vô cùng ngạc nhiên.
Những tưởng người chồng sẽ nhẫn nhịn, tiếp tục xoa dịu cảm xúc của vợ, nhưng không ngờ anh cũng trở nên cáu giận. Anh quát to: "Cô chửi tôi cái gì? Đẻ một đứa con thôi mà làm quá lên" rồi sau đó bỏ luôn ra khỏi phòng sinh. Phản ứng của người chồng khiến cả Tiểu Li và các y bác sĩ trong phòng sững sờ. Sau đó, sản phụ bắt đầu rơi nước mắt. Bác sĩ đỡ đẻ lập tức lên tiếng: "Cô hãy bình tĩnh và tập trung rặn nào, mọi chuyện tính sau. Nếu cô không rặn bây giờ em bé có thể bị ngạt".
Không phải người chồng nào cũng phù hợp với việc vào phòng sinh cùng vợ. (Ảnh minh họa)
Thực ra, phản ứng của người mẹ trong quá trình sinh nở cũng hơi quá đà, nhưng cách hành xử của người chồng cũng khó có thể chấp nhận được. Vậy những người như thế nào không nên cùng sản phụ vào phòng sinh để tránh trường hợp như trên?
1. Tính cách cục cằn, không kiềm chế được cảm xúc của bản thân
Dù là mẹ hay chồng, nếu một trong hai bên có tính cách cục cằn, không kiềm chế được cảm xúc của bản thân thì không nên cùng sản phụ vào phòng sinh. Xét cho cùng, sinh nở là một quá trình rất dài, cơn đau đẻ có thể khiến người mẹ không làm chủ được bản thân, có những hành vi quá khích, lời lẽ khó nghe. Nếu người đồng hành cũng không kiểm soát được cảm xúc của mình thì hai bên rất dễ xảy ra cãi vã, gây ảnh hưởng tới việc sinh nở.
2. Trong mắt chỉ có con, không để ý đến cảm xúc của người mẹ
Nếu để thành viên có tâm lý như vậy cùng vào phòng sinh thì người đó không những không giảm bớt gánh nặng cho sản phụ mà còn tăng thêm áp lực tâm lý cho người mẹ. Suy cho cùng, mục đích cho người nhà sản phụ cùng vào phòng sinh không phải là để người ấy quan sát cách đứa trẻ chào đời mà là để chăm sóc, an ủi cảm xúc của người mẹ. Vì vậy, nếu người đồng hành chỉ chú ý tới đứa trẻ thì sẽ gây ra một cú sốc tâm lý nhất định cho sản phụ, đồng thời gây ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình sinh nở.
3. Sợ máu
Qúa trình sinh nở sẽ có rất nhiều máu, nên những người sợ máu không nên cùng sản phụ vào phòng sinh. Nếu cứ cố chấp đi vào thì người ấy rất dễ bị ngất xỉu. Lúc này, bác sĩ vừa phải chăm sóc cho người nhà sản phụ vừa phải đỡ đẻ, có thể làm tăng độ khó sinh.