Ngày chị Dung đi sinh, cả phòng loạn lên vì tim thai em bé mất đột ngột.
8 tháng đã trôi qua, chị Nguyễn Hoàng Ngọc Dung (29 tuổi, Bảo Lộc, Lâm Đồng) vẫn không quên được ngày đi sinh của mình, vợ chồng chị và các bác sĩ y tá trong phòng sinh hốt hoảng vì tim thai mất đột ngột. Chồng chị - anh Lukas (33 tuổi, Áo) đã ôm mặt khóc nức nở khi con chào đời.
Chị Dung mới sinh bé Paul vào đầu năm 2020.
Chồng Áo phát khóc nhận tin vợ mang bầu
Chị Dung hiện đang kinh doanh mảng làm đẹp còn ông xã chị đang làm việc cho một cơ quan nhà nước ở Áo. Hiện nay, anh chị đang có tổ ấm nhỏ hạnh phúc bên con trai Paul 8 tháng tuổi.
Chị Dung chia sẻ, chị ở Bảo Lộc, Lâm Đồng qua Áo du học được 2 năm thì có duyên gặp gỡ và quen anh Lukas rồi tiến tới kết hôn. Tính đến nay chị đã ở Áo được 5 năm. Chia sẻ về câu chuyện tình yêu của vợ chồng mình, chị Dung cho biết, chị và ông xã quen nhau khi đi chơi chung với bạn bè. Sự hiền lành, ít nói, để ý quan tâm người khác và vẻ điển trai của anh đã thu hút chị ngay lần gặp đầu tiên.
Cả 2 làm bạn một thời gian rồi đi chơi, nói chuyện với nhau khá tâm đầu ý hợp. Sau một lần đến chơi nhà ông xã, thấy gia đình anh hiền lành nên chị Dung đã nhận lời đồng ý làm người yêu anh. Và sau 1 năm yêu cả 2 đã chính thức về chung một nhà vào năm 2018. Sau 2 năm kết hôn, vợ chồng chị Dung hạnh phúc đón chuột vàng vào năm 2020.
“Vợ chồng mình dự tính sinh vào năm Heo vàng 2019 nhưng mãi đến năm chuột vàng 2020 con mới đến. Nhận tin vui 2 vợ chồng mình cũng mừng. Chồng mình khóc vì bỡ ngỡ chưa làm cha bao giờ. Anh hơi bối rối”, chị Dung cười nhớ lại cảm xúc của ông xã.
Mang bầu chị tăng 15kg.
Chị Dung cho biết, chị mang bầu "trộm vía như không mang", không hề ốm nghén, luôn khỏe mạnh. Thậm chí, chị còn đi làm đi chơi thoải mái đến tận tháng thứ 8. Vợ chồng chị cũng thường xuyên đi hồ nước nóng để bơi cho mẹ khỏe con khỏe.
Được biết, mang bầu nhờ ăn nhiều rau củ quả trái cây, hạn chế tinh bột nên cả thai kỳ chị tăng 15kg. Có lẽ khó khăn duy nhất khi mang bầu của chị ở Áo đó là thèm đồ Việt cơm, bún bò Huế, phở, thịt kho, gà kho, cá kho. Trong khi đó chồng chị không biết nấu đồ Việt. Mỗi lần như vậy ông xã lại đi mua hoặc đặt nhà hàng cho chị rồi đưa chị đi ăn.
Mang bầu chị Dung được ông xã cưng như trứng mỏng. Tối nào, anh cũng nói chuyện với em bé rồi anh mát xa tay, chân bụng để chị không bị rạn và không bị tê tay chân. Lúc bầu to, anh không cho chị lái xe một mình vì sợ nguy hiểm.
Ông xã người Áo ngày nào cũng xoa bóp tay chân, bôi kem cho chị để không rạn.
Chia sẻ về dịch vụ chăm sóc thai kỳ ở Áo, chị Dung cho hay, do chị đóng bảo hiểm hàng tháng nên đi khám thai chị được phục vụ rất tận tình chu đáo và được miễn phí hoàn toàn chi phí, không tốn kém nhiều. Tuy nhiên do chị khám bác sĩ tư nên mỗi lần đi khám thai chi phí hết từ 120-160 EURO (Khoảng 3,3-4,4 triệu).
“Ở Áo sẽ có bác sĩ phụ khoa riêng, khi mang bầu mình lên đó khám theo định kỳ. Khi nào có việc nguy hiểm hay sắp sinh mới lên bệnh viện. Ở đây có 2 dạng đi khám bác sĩ bảo hiểm sẽ không tốn tiền còn nếu đăng ký khám bác sĩ tư thì mất tiền. Mình mặc dù đi khám bác sĩ tư nhưng lúc sinh ở bệnh viện có bảo hiểm nên được hưởng bình thường”, chị Dung chia sẻ.
Cả phòng sinh loạn lên vì không thấy tim thai đập
Chị Dung dự sinh bé Paul vào 5/2 nhưng đến ngày 13/2 bé mới chào đời. Chia sẻ về ngày đi sinh của mình, chị Dung nhớ lại, theo đúng lịch dự sinh chị đến gặp bác sĩ khám nhưng phải đi về vì chưa sinh. 5 ngày sau chị đi khám lại, bình thường nhịp tim thai 30 phút/ lần nhưng khi chị chuẩn bị đo y tá không thấy nhịp tim bé đâu. Cả phòng hoảng loạn lên và cho chị giấy nhập viện gấp để tiêm kích sinh.
Mặc dù được truyền nước và kích sinh nhưng tử cung chị mãi không nở, cứ đau đớn ẩm ỉ đến mất sức nên chị được truyền nước liên tục. 2 ngày vật vã đến đêm 12/2 chị được chuyển xuống phòng sinh và nằm trên bàn sinh 8 tiếng.
“Lúc đó nước ối đã vỡ nhưng mình mới nở 2 phân. Trong khi đó em bé vẫn chưa nằm đúng vị trí để sinh thường nên bác sĩ quyết định đẻ mổ sau 2 ngày 2 đêm đau vật vã.
Mình theo đạo chúa cầu nguyện được sinh thường mẹ tròn con vuông. Và kỳ tích xảy ra khi đầu em bé tụt xuống. Tuy nhiên lúc này tử cung mình mới nở 5 phân nên 2 bác sĩ và 4 y tá, 2 người từ trên đẩy bụng mình đầy xuống còn lại ở dưới bác sĩ và y tá cố lôi em bé ra. Phải nói ca sinh của mình hơi khó khăn, bác sĩ phải dùng máy hút đầu em bé khiến con chào đời có đầu khác lạ, nhọn hoắt. Cả phòng phải vỗ tay vì cuối cùng mẹ tròn con vuông”, chị Dung kể.
Chị vật vã sinh trong 3 ngày con mới chào đời.
Nhìn thấy vợ đau đớn và chứng kiến cả quá trình sinh 24/24, ông xã chị sợ. Anh căng thẳng chẳng biết làm gì ngoài xoa đầu, bóp tay, chân, xoa bụng cho chị. Và anh đã khóc, rơi những giọt nước mắt hạnh phúc khi nghe tiếng khóc con vì được làm cha, vợ được mẹ tròn con vuông. Đặc biệt trong giây phút được cầm kéo tự cắt dây rốn cho con anh rưng rưng hạnh phúc. Còn chị khi được bác sĩ da kề da vào lòng, nhìn thấy con yêu chào đời nặng 3,5kg, chị thở phào nhẹ nhõm vì 3 ngày chịu đựng cơn đau đã qua.
“Sinh ở bên Áo, trong phòng sinh có cả nhà tắm, bồn tắm để sinh dưới nước, sinh nằm hay sinh ngồi. Mọi người có thể chọn cách sinh mà mình thích với chi phí sinh tầm 3000-4000 EURO (tương đương 80 -110 triệu).
Sau sinh y tá túc trực 24/24, chỉ cần nhấn nút y tá sẽ đến và giúp mẹ cách cho em bé bú, chăm sóc em bé. Nói chung nhân viên y tế khá tận tình, chu đáo. Mình được ăn 3 bữa với đồ ăn khá ngon còn chồng được ngủ lại với vợ con nữa. Một ngày người thân vào thăm 1-2h từ 17h”, chị Dung chia sẻ dịch vụ đi sinh ở Áo.
Làm dâu xa xứ, bố mẹ chồng rất quan tâm tới chị.
Ông xã làm nhà nước nhưng vẫn dành thời gian phụ chị chăm con.
Sau sinh nhờ có mẹ đẻ sang chăm sóc nên chị Dung không vất vả nhiều. Khoảng thời gian đầu thiếu ngủ nên chị khá stress vì phải dậy trông con vào ban đêm, cho ăn. Sau này con tự ngủ, ăn uống ngon miệng 7-8h đi ngủ nên vợ chồng chị có nhiều thời gian hơn. Thậm chí, buổi tối anh chị còn xem phim hoặc nấu nướng ăn chung. Hơn nữa, chị tập cho con tự ngủ, không bám mẹ nên chị khỏe hơn rất nhiều. Ra viện chị đã có thể dọn dẹp nhà, đi chợ như bình thường.
Bây giờ con trai đã 8 tháng tuổi, mặc dù ông xã đi làm nhà nước không giúp được nhiều nhưng khi nào ở nhà anh lại phụ chị tắm cho con, cho con bú, thay tã rồi giặt đồ phơi đồ.
Thiên thần lai đáng yêu nhà chị.