Sợ cảm giác vợ nghén, nhìn vào vết mổ của vợ mà thấy đau nên chồng chị Thảo không muốn có thêm em bé nữa.
Người ta nói rằng “muốn biết lòng chồng, hãy vào khoa sản”, chị Thu Thảo (30 tuổi, Bình Định) thấy câu này thật đúng với mình. Trải qua quãng thời gian mang bầu, sau sinh và đến tận bây giờ, chị hạnh phúc vì mình đã chọn đúng người, dù đó là "chú" Tây da đen hơn mình tận 20 tuổi, đã từng thất bại ở cuộc hôn nhân đầu tiên.
Tổ ấm nhỏ của chị Thảo.
Chị Thu Thảo (30 tuổi) sinh ra và lớn lên ở Tây Sơn, Bình Định còn chồng chị là Vincent Gardner, hơn chị 20 tuổi, đã từng thất bại cuộc hôn nhân đầu, hiện đang là giám đốc một công ty kinh doanh dịch vụ bảo vệ tại Mỹ. Cả 2 quen nhau nhờ một anh hàng xóm gần nhà chị Thảo định cư bên Mỹ giới thiệu. Sau một năm yêu nhau, chị quyết định đưa Vincent về ra mắt gia đình và tổ chức đám cưới vào tháng 10/2017.
Sau 1 tháng làm đám cưới, vợ chồng chị nhận tin vui có em bé đầu. Chia sẻ về cảm xúc lần đầu làm mẹ của mình, chị Thảo bộc bạch, khi nhìn que thử thai được 2 vạch, chị vô cùng hạnh phúc. Khi đưa cho chồng xem, ông xã còn hạnh phúc ra mặt hơn chị kèm với nụ cười âu yếm. Anh nhanh chóng lên mạng tra những hình ảnh về con lai Việt Nam và Mỹ đen để hình dung về con mình như thế nào. Tuy nhiên khi vừa hay tin vui này, chồng chị Thảo – anh Vincent phải quay về Mỹ để lo công việc nên chị phải một mình lo liệu ở Việt Nam trong khoảng thời gian mang bầu.
Chị Thảo mang bầu một mình ở Việt Nam, không có chồng ở bên.
Chị Thảo thổ lộ, bé được 5 tuần là khoảng thời gian khó khăn nhất của chị vì không có chồng ở bên phải tự đi khám thai một mình. Đôi lúc chị cũng thấy tủi thân vì đến bệnh viện người ta có chồng đón đưa còn mình chỉ có một. Tuy nhiên, vì ông xã luôn quan tâm hỏi han mỗi ngày nên chị cũng được an ủi phần nào.
“Mình nghén ghê lắm, cứ mở mắt ra là ói. Anh về Mỹ mà cứ lo cho mình, hàng ngày cứ 10 phút anh lại gọi vì anh thấy mình nghén nhiều quá, anh sợ mình chết vì chưa thấy ai nghén như mình. Anh nhắn tin cho bạn bè của mình để nhờ họ qua chăm sóc cho mình, nhờ họ tìm người giúp việc dù có tốn bao nhiêu tiền anh cũng thuê. Ba tháng đầu mình nghén nhiều quá nên anh cứ sợ mình chết còn đòi bay về Việt Nam. Vì thấy vợ nghén nhiều nên anh cũng sợ đụng vào mình, không đòi hỏi chuyện ấy khi mình mang bầu”, chị Thảo nhớ lại.
Chị nghén nặng đến mức chồng không dám động vào người. Cả thai kì chị tăng 15 kg.
Khi mang bầu được 4 tháng, anh Vincent lại quay về Việt Nam để thăm và chăm sóc 2 mẹ con chị Thảo. Tuy nhiên sau 1 tháng anh lại trở về Mỹ để sắp xếp công việc đến tháng thứ 8 mới sang lại đưa chị đi sinh.
Được biết, suốt quá trình mang thai, chị Thảo bị nghén nôn nhiều nên chỉ ăn được mỗi trái cây. Chị không uống sữa được nên để con phát triển tốt, bác sĩ phải dặn chị cố gắng ăn trứng vịt lộn ở những tháng cuối thai kỳ cho em bé lớn. Vậy là ngày nào chị cũng mua trứng vịt lộn về rồi nhắm mắt nhắm mũi lấy lòng vàng ăn như uống thuốc để đỡ cơn sợ, ngán món ăn này.
Chị Thảo sinh bé vào tháng thứ 8 của thai kỳ vì bị khô ối. Bác sĩ phải chỉ định mổ cấp cứu gấp. Nhớ lại ngày đi sinh của mình, chị Thảo kể, khi đưa vợ vào nhập viện, chồng chị đã rất ngạc nhiên vì quá đông người, đặc biệt chị được vào nằm cùng phòng với một người nữa. Anh Vincent đã vô cùng bất ngờ vì ở Mỹ khác hoàn toàn, mỗi bệnh nhân đều có một phòng riêng. Anh không dám di chuyển nhiều trong phòng, cứ ngồi một chỗ ôm túi xách của chị khiến y tá vào khám ai nhìn cũng phải cười.
“Đêm đó, anh sợ mình lo lắng nên anh hát cho mình nghe, làm đủ trò cho mình cười. Đến nỗi chị nằm giường kế bên và mẹ của chị ấy cũng không nhịn được cười. Anh hát dở lắm. Sáng hôm sau, bác sĩ bảo phải mổ gấp cho mình. Anh bắt đầu lo lắng, hỏi mình là anh phải làm gì, anh không hiểu Tiếng Việt rồi lỡ có chuyện gì xảy ra với mình thì anh phải đi đâu và hỏi ai. Thế là anh đi vòng vòng cái khu mình nằm chờ sanh, anh hỏi các cô y tá là biết nói Tiếng Anh không nhưng không được.
Mình dặn anh là ngồi trong phòng chờ bạn mình vào để có gì dịch cho anh hiểu. Anh vào phòng ngồi im. Lúc y tá đẩy mình đi, anh chạy ra nhìn mình rồi giơ hai tay lên bảo: "Cố lên!", chị Thảo cho hay.
Ngồi ở phòng chờ, anh Vincent thấp thỏm lo lắng không yên, anh sợ vợ bị y tá đẩy đi đâu mất, sợ có chuyện gì xảy ra với vợ. Mãi đến lúc y tá báo ca mổ thành công, em bé chào đời khỏe mạnh nặng 2,4kg anh mới thở phào nhẹ nhõm.
“Anh chạy lên khoa nhi thăm em bé xong chụp hình, quay phim gửi cho gia đình, bạn bè anh ở Mỹ báo tin vui. Khi nghe y tá bảo mình sẽ được đẩy qua khoa hồi sức, anh chạy qua khoa hồi sức tìm nhưng không được vào. Mình nhìn thấy anh khóc òa lên, nước mắt cứ thế chảy không biết vì sao nữa. Lúc lên bàn mổ, mình không có cảm xúc gì ngoài cảm giác sợ hãi, mình sợ đến mức mà không nghĩ đến cảm giác gặp con sẽ như thế nào. Bác y tá ẵm con bảo mình nhìn mặt con mà mình cũng không có cảm xúc gì cả. Mình sợ đến mất cảm giác luôn”, chị Thảo kể.
Mặc dù vậy nhưng khi được đẩy về phòng, nhìn thấy chồng cười, hôn trán nói: "Em đã làm được, anh yêu em nhiều lắm", bao nhiêu đó thôi cũng đủ làm chị hạnh phúc. Để chị thoải mái hơn sau sinh, anh Vincent xin bác sĩ chuyển sang phòng đắt tiền hơn 2,5 triệu/ngày cho chị nghỉ ngơi rồi mua bia về uống chúc mừng em bé chào đời và xả căng thẳng nguyên một ngày theo vợ đi sinh. Không những vậy, tối đó, anh còn thức nguyên đêm bế con, cho con uống sữa, nói chuyện với con cho chị nghỉ ngơi.
“Bố là người Mỹ da đen nên bé nổi tiếng cả khoa sản. Ai cũng chạy qua coi bé hết trơn, mở khăn ra coi da bé màu gì. Em bé có làn da ngăm giống anh nên anh thương lắm, anh cứ ngắm con suốt, chụp hình liên tục, gặp ai anh cũng khoe hình con bé. Anh thấy mình đau nên chọc cho mình cười đến nỗi vệ sinh cả ra quần”, chị Thảo cười.
Anh Vincent một tay chăm sóc bé.
Anh Vincent hơn chị Thảo 20 tuổi, lại là vệ sĩ nên rất cẩn thận, khi về nhà, một tay anh chăm con, một tay anh nấu cơm cho chị nghỉ ngơi. Dẫu sau này có người giúp việc nhưng anh vẫn đi theo canh chừng mỗi khi bé được bế đi phơi nắng vì không an tâm. Nói đến đây, chị Thảo cho biết, chồng chị quan tâm tới mức con bị kiến cắn cũng liền ẵm đi viện ngay trong đêm vì sợ con bị làm sao.
Từ ngày sinh con cho đến bây giờ, anh vẫn là người chăm sóc con rất chu đáo. Chỉ cần con té trầy chút xíu anh cũng nóng hết lên và sẵn sàng bỏ hết mọi việc vì con. Còn về phần vợ, do anh vẫn còn sợ cảm giác vợ nghén và lo cho sức khỏe của vợ nên không muốn có thêm bé nữa bởi mỗi lần nhìn thấy vết mổ của chị anh lại thấy đau và thương chị hơn.
Nhìn thấy vết sẹo mổ của vợ, chứng kiến vợ nghén kinh khủng, anh Vincent sợ, không muốn sinh con nữa.
4 năm kể từ khi yêu và về chung một nhà, dù ở nhà nội trợ chăm sóc con nhưng chị Thảo hài lòng với cuộc sống của mình. Chị được chồng tặng cho cuộc sống đầy đủ, trong căn nhà ngoại ô thành phố mà không phải đi kiếm tiền vất vả. Hàng ngày chẻ củi đốt lò sưởi và trồng rau, trồng hoa, sống vui vẻ hạnh phúc an nhàn.