Khi vợ bầu tới tháng thứ 6, Darren bỏ hết công việc bên Úc để về Việt Nam chăm vợ.
“Bác không đùa em chứ?”, là câu mà chị T.T. (sinh năm 1983, hiện đang sống ở Úc) hốt hoảng hỏi lại bác sĩ khi được thông báo đang mang thai đôi. Đó là giây phút đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc sống của chị. Với chị T., việc mang bầu đôi 2 em bé lai là cả một chặng đường dài khi liên tục phải đối diện với thử thách trong sức khoẻ thai kỳ. Vậy nhưng cuối cùng, 3 mẹ con chị đã kiên cường vượt qua tất cả, để hôm nay đã có hạnh phúc nhìn 2 em bé sinh đôi Coca và Cola lớn lên khỏe mạnh.
Tổ ấm của bà mẹ Việt sống tại Úc.
Một ngày cuối năm 2016, khi đang tất bật với công việc ở công ty, anh Darren nhận được cuộc gọi của vợ: "Em có bầu rồi". Đầu bên kia, anh sững người một lúc và không quên hỏi lại: “Em vừa nói cái gì cơ?”. Khi biết chắc chắn mình sắp được làm bố, anh sướng rơn trong lòng, vừa đi ra đi vào Darren vừa bấm số điện thoại gọi về nhà thông báo cho mẹ của anh. Bà biết tin khóc nức nở vì xúc động.
Chị T. kể: “Thời điểm biết tin mang thai là lúc mình mới từ Úc trở về Việt Nam chờ hoàn tất giấy tờ định cư, còn Darren vẫn ở lại nước để làm việc. Biết có bầu mình bất ngờ lắm vì không nghĩ bản thân lại dễ có thai như vậy. Trước đây mỗi lần đi khám sức khỏe, bác sĩ luôn nói mình rất khó có con, hơn nữa càng lớn tuổi chuyện đó càng không dễ dàng”.
Chị T. mang bầu đôi khi bản thân đã ngoài 30.
Thai ba tháng, chị T. đến phòng khám siêu âm, lúc này bác sĩ vừa di đầu dò vừa đếm: "Một đứa, hai đứa, đợi xem còn thêm đứa nào nữa không". Nằm bất động trên giường, chị không hiểu vị bác sĩ đang lẩm bẩm điều gì. Nói rồi, ông chốt một câu: “Chúc mừng cô, có thai đôi chứ không phải ba nhé”. Hốt hoảng bật dậy, chị T. không quên hỏi vặn: “Bác không đùa em chứ?”.
Chị tâm sự khi nghe tin mang bầu đôi chị bị “sốc toàn tập”, hoảng sợ hơn là vui mừng. Vừa có tờ giấy in hình kết quả siêu âm chị gọi điện báo ngay cho chồng, Darren tưởng vợ đùa nên chỉ cười, đến khi chị gửi ảnh siêu âm thì anh đã sốc và mới tin đó là sự thật.
Những tháng đầu thai kỳ chị T. gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi không có chồng ở bên cạnh chăm sóc. Ba tháng đầu chị ốm nghén nặng đến mức không ăn được bất cứ thứ gì. Tình trạng mệt mỏi chỉ đỡ dần khi thai kỳ bước sang tháng thứ 4. Lúc này chị mới tập trung bồi bổ dinh dưỡng theo chế độ hợp lý cho bà bầu. Do nạp đầy đủ dưỡng chất từ thịt bò, trứng, hải sản và rau củ quả nên cả thai kỳ chị tăng thêm gần 30kg nhưng may mắn không bị rạn da.
Cả thai kỳ chị tăng 30kg nhưng khá thon gọn và đặc biệt không bị rạn da.
Mang bầu đôi là điều khiến chị từng rất "sốc".
Thương vợ bầu đôi vất vả, Darren muốn vợ sang Úc sinh con để tiện chăm sóc và được hưởng tất cả các phúc lợi tốt nhất từ chính phủ Úc. Dẫu vậy, chị T. đắn đo suy nghĩ rất nhiều và quyết định sinh hai bé ở Việt Nam, một phần sức khoẻ của chị khá yếu, nếu đi đường dài bằng máy bay sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng, hơn nữa khi sinh con ở quê mẹ chị sẽ có người thân, gia đình ở cạnh động viên, chăm sóc.
Tôn trọng lựa chọn của bà xã, Darren quyết định bỏ ngang công việc đang làm ở Úc để bay sang Việt Nam cùng vợ. Hành trang anh đem theo là tất cả những món đồ mà anh đã cùng mẹ đẻ của mình tự tay đi mua sắm cho 2 em bé như bình sữa, quần áo, giày dép, xe đẩy...
Hai em bé chào đời thiếu tháng nhưng may mắn rất khoẻ mạnh.
Chị T. kể, về tới Việt Nam, Darren không cho chị động vào bất cứ việc gì, từ nấu ăn, lau nhà, rửa chén… một tay anh lo hết. Đêm xuống anh lo lấy nước nóng cho vợ ngâm chân và thường xuyên massage chân để chị ngủ ngon. Anh nói, anh muốn vợ có thời gian nghỉ ngơi để chuẩn bị cho kỳ vượt cạn “mẹ tròn, con vuông”.
Thai 32 tuần, cơ thể chị trở nên nặng nề hơn nhiều, bụng to chèn trực tiếp xuống đùi khiến chị không thể đi lại, muốn di chuyển buộc phải phụ thuộc vào xe lăn. “Đi đâu mình cũng phải ngồi xe lăn, vậy mà ngày nào anh cũng cho mình ngồi xe lăn đẩy ra ngoài đường ngắm biển với uống nước dừa, nước mía để tốt cho em bé. Cái nắng nóng mùa hè của Nha Trang khủng khiếp lắm, vậy mà anh vẫn kiên trì cả tháng trời như vậy. Nhìn cảnh ông Tây mồ hôi nhễ nhại đẩy bà bầu ngồi trên xe lăn đi ngoài đường mà ai cũng cười” – mẹ 8X nhớ lại.
Những ngày cuối thai kỳ chị không thể đi lại được và buộc phải ngồi xe lăn.
Ông xã quốc tịch Úc là người đã bên vợ trong suốt hành trình "vượt cạn".
Mang bầu đôi lại ở tuổi ngoài 30, chị T. muốn tìm cho mình cơ sở y tế uy tín để chuẩn bị cho việc sinh nở. Sau nhiều ngày cân nhắc chị quyết định mua gói sinh tại một bệnh viện quốc tế trên địa bàn thành phố Nha Trang. Do thai ngôi ngược nên chị lựa chọn phương pháp sinh mổ chủ động ngay từ đầu.
Nhớ lại thời điểm đi sinh, chị nói: “Khi thai ở tuần 34 thì mình có dấu hiệu chuyển dạ sinh non, bác sĩ theo dõi động viên mình cố gắng giữ được thêm ngày nào hay ngày đó. Tới tuần thứ 36 mình bị vỡ ối bất ngờ. Ca mổ được diễn ra kịp thời, 2 em bé nhanh chóng chào đời. Dù thiếu tháng nhưng trộm vía một bé nặng 2,3kg, bé còn lại nặng 2,2kg. Các con nhỏ xíu nhưng khóc to, khóc mãi không ngớt, đến mức bác sĩ đang đứng may vết mổ cho mẹ còn thốt lên: “Sao sinh thiếu tháng mà khóc khoẻ thế cơ chứ!”.
Sau sinh chị ở lại bệnh viện 5 ngày. Chị gọi đó là 5 ngày nghỉ dưỡng thì đúng hơn là đi sinh bởi chị được ở một phòng tiêu chuẩn như khách sạn 5 sao, rất yên tĩnh, từ đội ngũ y bác sĩ đến nhân viên đều rất chuyên nghiệp, nhiệt tình chu đáo.
Nói về chuyện kiêng cữ sau sinh, được biết, thời điểm mới từ bệnh viện về nhà, chị cùng chồng không ít lần bất đồng quan điểm do Darren muốn đưa vợ con đi ra ngoài dạo chơi còn chị lại muốn đợi qua tháng mới thoải mái đi lại. Darren cho rằng đó là điều vô lý, tuy nhiên, khi được vợ giải thích anh cũng hiểu và hoàn toàn tôn trọng.
Nhìn lại hành trình mang bầu sinh đôi của mình, chị T. cho rằng, là phụ nữ ai cũng mong muốn con sinh ra được khoẻ mạnh song để có được điều đó, mỗi bà mẹ hãy chuẩn bị hành trang cho chính mình bằng việc đọc sách, tìm hiểu kiến thức và thậm chí tham khảo từ những người đi trước. Để có một thai kỳ trọn vẹn, việc luôn giữ một tinh thần lạc quan là yếu tố giúp mỗi bà mẹ không rơi vào trạng thái mệt mỏi, bi quan và trầm cảm trong và sau khi sinh con.