Đẳng cấp sinh đẻ nhà tài phiệt: Đại gia ngầm Đông Nhi chi 300 triệu, Ngọc Thạch mạnh tay hơn

Ocean - Ngày 14/10/2020 14:30 PM (GMT+7)

Khi có điều kiện, các sao Việt không tiếc tiền cho bất cứ dịch vụ nào tốt nhất cho con.

Bố mẹ nào cũng mong muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho con, một trong số đó là việc lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn cho con. Nhưng vì chi phí đắt đỏ, không phải cặp đôi nào cũng có thể làm được "bảo hiểm sinh học" này từ khi con vừa lọt lòng. Nhiều đại gia trong showbiz Việt lại khác, họ không chần chừ mà quyết định đăng kí dịch vụ ngay khi biết thông tin.

Mới đây nhất, cặp đôi Đông Nhi - Ông Cao Thắng đã lên tiếng chia sẻ về dịch vụ này trên trang cá nhân và nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng. Trước đó, siêu mẫu Ngọc Thạch hay gia đình Lý Hải - Minh Hà cũng từng có quyết định tương tự. Đặc biệt hơn là siêu mẫu Ngọc Thạch còn "mạnh tay" chi tiền sang tận Singapore để chọn bệnh viện đăng kí lưu giữ tế bào gốc cho con trai.

Đông Nhi - Ông Cao Thắng

Đông Nhi đã bước vào những tuần cuối thai kỳ và không lâu nữa nữ ca sĩ sẽ chính thức sinh con gái đầu lòng. Bất cứ thông tin nào về chuyện bầu bí của mẹ bầu Đông Nhi cũng đều nhận được rất nhiều sự quan tâm của người hâm mộ. Sau khi lộ hình ảnh đi khám thai trước ngày sinh, mới đây nhất vợ chồng Đông Nhi - Ông Cao Thắng còn chia sẻ về việc sẽ lưu trữ tế bào gốc cho nhóc tỳ sắp chào đời nhà mình.

Đẳng cấp sinh đẻ nhà tài phiệt: Đại gia ngầm Đông Nhi chi 300 triệu, Ngọc Thạch mạnh tay hơn - 1

Vợ chồng Đông Nhi - Ông Cao Thắng đi khám thai trước khi sinh.

Đông Nhi cho biết sau quá trình tìm hiểu, cô cảm thấy rất tin tưởng và quyết định lưu trữ tế bào gốc cho con với mong muốn được bảo vệ sức khỏe cho bé một cách tốt nhất có thể. Cô viết trên trang cá nhân: "Con biết không, điều mẹ an tâm nhất khi đón con chào đời là hành trang sức khỏe bảo vệ con đã được bố mẹ chuẩn bị đầy đủ nhất có thể. Nhân đây, Nhi cũng muốn chia sẻ một chút xíu xìu xiu về giải pháp mà Nhi và anh Thắng đã lựa chọn để bảo vệ sức khỏe cho bé. Đó chính là việc lưu trữ tế bào gốc cho trẻ".

Cô biết đây là những thông tin còn rất mới với đại đa số mọi người, nhưng sau quá trình tìm hiểu, Đông Nhi cảm thấy rất tin tưởng và mong muốn chia sẻ những thông tin hữu ích này rộng rãi hơn đến công chúng. Cô mong những ai đang và sắp làm cha mẹ có thể bảo vệ các bé tốt nhất.

Đẳng cấp sinh đẻ nhà tài phiệt: Đại gia ngầm Đông Nhi chi 300 triệu, Ngọc Thạch mạnh tay hơn - 2

Được biết, Đông Nhi lựa chọn một hệ thống ngân hàng lưu trữ đạt chuẩn quốc tế. Chi phí để lưu trữ tế bào gốc cho em bé tại ngân hàng này cũng khá lớn. Nếu lưu trữ cả 4 loại tế bào gốc, vợ chồng Đông Nhi và Ông Cao Thắng sẽ phải "rút hầu bao" khoảng 12.500 USD (khoảng gần 288 triệu đồng). Chi phí này còn có thể cao hơn nếu bố mẹ muốn tăng thêm thời gian lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn tại ngân hàng.

Siêu mẫu Ngọc Thạch

Sau đám cưới 7 tỷ với thiếu gia Bình Dương, Ngọc Thạch có cuộc sống xa hoa bậc nhất dù rút khỏi làng giải trí và về vun vén tổ ấm. Cô luôn chăm chút từng vấn đề nhỏ trong việc bầu bí, sinh con. Cách đây 5 năm, khi sinh con trai đầu lòng, cô đã chia sẻ một sự chuẩn bị rất chu đáo cho việc chào đón con trai ra đời: Lưu trữ tế bào gốc cho con.

Đẳng cấp sinh đẻ nhà tài phiệt: Đại gia ngầm Đông Nhi chi 300 triệu, Ngọc Thạch mạnh tay hơn - 3

Siêu mẫu Ngọc Thạch đã là mẹ của 2 nhóc tì đáng yêu.

Bởi theo cô, đây là một nguồn tế bào gốc dồi dào có khả năng điều trị bệnh cho em bé và các thành viên trong gia đình. Nguồn tế bào quý giá này có thể trị 80% các bệnh hiểm nghèo. Cô đã tìm hiểu rất nhiều, thông qua hàng loạt các bệnh viện có dịch vụ này và cuối cùng "chịu chơi" khi đăng ký dịch vụ lưu trữ cuống rốn cho con tại một bệnh viện có tiếng tại Singapore. Dù khả năng chi phí, việc vận chuyển sẽ còn tốn kém hơn rất nhiều.

Lý Hải - Minh Hà

Bà mẹ 4 con Minh Hà chia sẻ khi sinh 2 con đầu lòng là Cherry và Rio, cô không biết đến dịch vụ lưu trữ tế bào gốc cho con. Nhưng từ lúc mang bầu bé thứ 3 là Mio, cô đã biết đến và không thể bỏ qua. Vì vậy cả 2 bé sau là Mio và Sunny đều được cô lựa chọn để đăng kí dịch vụ này, mong muốn có thể bảo vệ sức khỏe của con tốt nhất.

Đẳng cấp sinh đẻ nhà tài phiệt: Đại gia ngầm Đông Nhi chi 300 triệu, Ngọc Thạch mạnh tay hơn - 4

Khi biết đến dịch vụ lưu trữ tế bào gốc, Minh Hà liền đăng kí thực hiện cho 2 bé sau.

Cô viết trên trang cá nhân: "Lưu trữ máu cuống rốn phổ biến ở các nước tiên tiến như một hình thức bảo hiểm trọn đời hữu ích vì có thể có thể chữa nhiều bệnh hiểm nghèo cho bản thân em bé, người thân trong gia đình, thậm chí cho cộng đồng. Người không may bị bệnh, cần tế bào gốc có thể tìm mẫu phù hợp ghép khi cần thiết. Nhiều bệnh viện tại Việt Nam đang xây dựng ngân hàng tế bào máu cuống rốn, phục vụ cho cộng đồng".

Đẳng cấp sinh đẻ nhà tài phiệt: Đại gia ngầm Đông Nhi chi 300 triệu, Ngọc Thạch mạnh tay hơn - 5

Theo đó, bà xã Lý Hải lựa chọn một bệnh viện quốc tế nổi tiếng có dịch vụ này để sinh con và kết hợp việc lưu trữ tế bào gốc. Ngay sau khi cô sinh thường, bé đang da tiếp da với mẹ, các y bác sĩ nhanh chóng thực hiện các công đoạn thu thập máu cuống rốn. Với bé Mio, thể tích máu cuống rốn là 98,2 ml, số lượng tế bào gốc cao và các thông số khác hoàn toàn đủ điều kiện để lưu trữ lâu dài.

Tác dụng của tế bào gốc tại cuống rốn trẻ sơ sinh

Máu cuống rốn hay còn gọi là máu dây rốn hay máu bánh nhau chảy trong tuần hoàn thai nhi và cung cấp chất bổ cho bào thai đang phát triển trong tử cung người mẹ. Đây là phần còn lại trong dây rốn và bánh nhau khi sản phụ sinh em bé.

Máu cuống rốn của trẻ sơ sinh chứa nguồn dồi dào tế bào gốc tạo máu, có thể thay thế cho tế bào gốc tủy xương, tế bào gốc máu ngoại vi. Vì vậy, máu cuống rốn đã được ứng dụng trong ghép tế bào gốc tạo máu.

Hiện nay, tế bào gốc máu cuống rốn được ứng dụng điều trị cho các bệnh lý về máu ác tính (như ung thư máu) hay di truyền (như thiếu máu, tan máu bẩm sinh); hoặc các bệnh lý tự miễn (như tiểu đường).

Những nghiên cứu cũng đã cho biết tế bào gốc máu cuống rốn có thể biệt hóa thành những tế bào của những mô khác như: cơ (cơ vân, cơ tim), tế bào não, tế bào gan, tế bào da, tế bào phổi, tế bào thận, tế bào ruột và tế bào tuyến tụy…

Vì thế, từ nguồn tế bào gốc máu cuống rốn có thể điều trị được nhiều bệnh lý khác ngoài huyết học. Trong đó, có bốn bệnh lý vừa được nghiên cứu ứng dụng điều trị là: tổn thương não, tim mạch và tổn thương tủy sống.

Với việc lưu trữ máu cuống rốn, trong trường hợp bản thân đứa trẻ mắc bệnh thì có thể lấy nguồn tế bào gốc này ghép, điều trị cho chính bé. Hoặc nguồn tế bào gốc này có thể điều trị cho ba mẹ hay anh chị em trong gia đình.

Việc lưu trữ tế bào gốc có cần thiết không?

Ở Việt Nam hiện nay, chi phí trích máu cuống rốn ban đầu là khoảng 25 triệu đồng và chi phí để lưu trữ mẫu trong ngân hàng máu cuống rốn quốc gia là khoảng 2,2 triệu đồng/năm. Đó là chưa kể tới chi phí cho việc ghép máu cuống rốn cũng không hề nhỏ.

Tỷ lệ một đứa trẻ sử dụng được chính tế bào gốc máu cuống rốn của mình chỉ là 1/2.700, theo Tạp chí Obstetrics and Gynecology năm 2005, lý do là tế bào gốc máu cuống rốn thường chỉ điều trị những bệnh hiểm nghèo, những bệnh bình thường không cần đến. Viện Y khoa Mỹ đã công bố chỉ có 14 trường hợp được ghi nhận sử dụng tế bào cuống rốn để điều trị bệnh thành công.

Theo chương trình Tài trợ tủy quốc gia của Mỹ, lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn chỉ tốt trong vòng 10 năm đầu và không phải trị được bách bệnh. Nếu đứa trẻ bị bệnh về gene thì tế bào gốc máu cuống rốn không giúp ích được gì.

Tóm lại, việc lưu trữ tế bào gốc bằng cách trích máu cuống rốn chỉ cần thiết khi trong gia đình có di truyền các bệnh về máu, tủy sống, thần kinh hoặc nhóm máu của bé thuộc dạng hiếm. 

Nếu bố mẹ quyết định trích máu cuống rốn cho bé, hãy tìm hiểu đầy đủ thông tin và trao đổi với bác sĩ phụ sản của bạn. Việc đăng kí trích máu cuống rốn nên được thực hiện ở giai đoạn giữa của thai kỳ.

Lấy đại gia, top 20 HHVN sinh 2 con không ai biết, cứ mất tích là có thêm một đứa
Nhìn những hình ảnh mới nhất của người mẫu Lê Hà, không ai nghĩ cô đã trải qua 2 lần mang bầu, sinh nở.
Ocean
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức mẹ bầu