2 lần mang thai ngoài tử cung phải cắt bỏ 2 bên vòi trứng, chị Trang sốc khi nghe bác sĩ thông báo mình vô sinh, không thể có con tự nhiên được.
Từng thất bại ở cuộc hôn nhân đầu tiên và có con trai riêng 6 tuổi, chị Trần Thùy Trang (35 tuổi, Lào Cai) đã rất đắn đo khi đến với anh Tallal Ahmed (34 tuổi, Pakistan) chưa từng kết hôn và sinh ra trong gia đình giàu có. Thế nhưng, khi nhìn thấy sự chân thành, thương con riêng như con đẻ và chứng kiến quá trình anh đồng hành cùng tìm con sau này, chị thấy quyết định của mình đúng đắn.
Tổ ấm nhỏ của chị Trang và ông xã Pakistan.
Chị Trần Thùy Trang sinh ra và lớn lên ở Lào Cai. Chị từng thất bại cuộc hôn nhân đầu và làm mẹ đơn thân của một con trai. Sau nay, chị làm một công ty ở Nhật và tình cờ quen anh Tallal Ahmed qua mạng. Khi ấy, anh làm kinh doanh buôn bán xe ô tô và có công ty riêng ở tại Nhật.
Chị Thùy Trang chia sẻ, chị nói chuyện với rất nhiều người nhưng rất ít khi cho biết thông tin riêng hay số điện thoại, vậy mà không hiểu sao nói chuyện với anh Tallal, thấy anh thật thà nên chị cứ thoải mái. Sau một tuần trò chuyện, anh chị có buổi gặp mặt đầu tiên và sau một tháng, anh chị quyết định tiến tới kết hôn.
“Hàng ngày bọn mình chỉ nhắn tin điện thoại vì anh ở thành phố khá xa nơi mình ở, không gặp nhau thường xuyên được. Sau một tuần nói chuyện bọn mình gặp nhau lần đầu tiên. Phải nói, ấn tượng của mình về anh rất đẹp trai và hài hước. Không chỉ vậy, anh còn yêu con riêng của mình hơn bố đẻ và chiều con hơn chiều mình”, chị Trang chia sẻ.
Nói đến đây, chị Trang cho biết, hồi quen anh cả 2 chỉ nói về công việc chứ không hề nói về gia đình, mãi sau khi kết hôn và sang quê chồng chị mới biết nhà anh thuộc hàng giàu có ở Pakistan, ở khu nhà giàu, họ hàng ai cũng giàu có ở biệt thự.
Sau khi kết hôn, vợ chồng chị đều muốn có con ngay nên chị không kế hoạch hay phòng tránh. Và sau đó chị có bầu 2 lần nhưng cả 2 lần đều bị thai ngoài tử cung, phải cắt mất 2 bên vòi trứng, không thể có thai tự nhiên được. Hồi đó, nghe bác sĩ thông báo không thể có bầu tự nhiên khi mới mổ được mấy ngày, chị sốc, mặt nghệt ra, thẫn thờ nhìn bác sĩ.
“Thấy mình mặt biến sắc nên bác sĩ động viên rằng vợ chồng mình chỉ không thể có con tự nhiên thôi, đi làm IVF thì vẫn có thể có được. Lúc đó, mình có biết IVF là gì đâu. Bác sĩ cũng nói sẽ giới thiệu cho mấy bệnh viện chuyên làm về hiếm muộn để mình đến khám chữa.
Chồng mình biết cũng động viên nhiều lắm. Anh bảo không sao, đi chữa là có được, nếu không có thì cả 2 vẫn là vợ chồng, sẽ sống với nhau đến chết vì anh là người hồi giáo sẽ không ly hôn dù có chuyện gì xảy ra đi nữa”, chị Trang nhớ lại.
Chị bị cắt 2 bên vòi trứng nên không thể có thai tự nhiên.
Vậy là hành trình tìm con của vợ chồng chị Trang bắt đầu từ đấy. Suốt 3 năm chạy chữa ở Nhật mãi không được nhiều lúc chị cũng mệt mỏi, chán nản và muốn buông xuôi nhưng anh Tallal vẫn luôn bên cạnh động viên. Nhiều lần nghe anh nói “Nếu em mệt không chữa nữa thì thôi, vợ chồng mình cứ sống vậy đi, nhà anh họ hàng gia đình không có ai ly hôn cả, đã lấy nhau rồi thì sẽ sống với nhau đến chết”, chị lại nghẹn lòng và có động lực cố gắng.
Sau khi tìm hiểu, nhiều bạn bè ở Nhật khuyên nên về Việt Nam tìm con, sau 1 tháng tham khảo, chị quyết định về Việt Nam, đến một bệnh viện ở Sài Gòn làm IVF. Tuy nhiên khi làm đến giai đoạn chọc hút trứng, chọc được 9 trứng, chồng chị không về được nên đành phải trữ toàn bộ số trứng trong bệnh viện.
Vì visa của chồng chị ra khỏi Nhật sẽ mất 3 tháng để xin lại, trong khi công việc kinh doanh không thể đi lâu được nên sau khi chờ anh mãi không về Việt Nam được, chị đành phải quay trở lại Nhật làm lại từ đầu. Ở bệnh viện Nhật thiên về tự nhiên nên mọi công đoạn đều lâu và rườm rà. Mặc dù chị chỉ gặp vấn đề không có vòi trứng, còn nội tiết bình thường và đã đẻ thường một lần khả năng đậu thai cao hơn những người chưa sinh bao giờ nhưng họ làm mãi mà vẫn không thành công.
Chị Trang kể, lần 2 này chị chọc trứng ở Nhật được 16 trứng, nuôi phôi ngày 2 được 12 phôi và nuôi lên ngày 5, 6 được 4 phôi, trong đó 3 phôi loại A, một phôi loại B. 2 lần đầu chị chuyển, lần nào cũng chọn một phôi tốt nhất nhưng cả 2 lần đều không được.
Thực sự chị rất buồn bởi mong mãi mới đến được ngày chọc trứng, rồi chuyển phôi với biết bao hy vọng mà con vẫn không về. Chị cũng kiêng khem rất nhiều mà vẫn không thành công. Mỗi lần nghe kết quả, chị đều cố kiềm chế không khóc trước mắt bác sĩ mà đi ra ngoài, vào xe ngồi khóc một mình rất lâu mới gọi thông báo cho chồng. Đến bây giờ nhớ lại những ngày tháng ấy, hai hàng nước mắt của chị vẫn lăn dài trên má bởi thật sự đó là khoảng thời gian khó khăn, khủng khiếp với chị.
“Những lúc như thế chỉ có chồng mình động viên thôi. Nhiều lúc 2 vợ chồng cãi cọ, tức giận nhưng nghĩ lại suốt mấy năm chữa hiếm muốn chồng luôn bên cạnh, điều đó khiến mình thật sự cảm động và biết ơn. Lúc mình khóc anh ôm và dỗ như trẻ con ấy “không sao, không có cũng không sao, mệt mỏi thì thôi không chữa nữa, cứ sống như vậy đi, 3 người nhà mình cũng rất hạnh phúc rồi, em đừng buồn, dù chết thì cũng không bao giờ có chuyện anh bỏ em vì em không sinh được con đâu”, chị Trang rưng rưng chia sẻ.
Ông xã luôn động viên chị khoảng thời gian tìm con.
Dẫu buồn thất vọng nhưng chưa bao giờ chị Trang nản lòng trên hành trình tìm con. Chị vẫn quyết tâm chuyển 2 phôi cuối cùng lần thứ 3. Lần này, chị tự mua thêm thuốc nội tiết như bác sĩ Việt Nam kê và thoải mái tinh thần ăn uống, đi chơi, mua sắm khắp nơi mà không kiêng khem nhiều. Và không biết do trời thương hay dùng thêm thuốc nội tiết mà chị đậu thai. Ngày nhận kết quả sau bao lâu mong ngóng, chị run run, bủn rủn chân tay như 2 lần nhận kết quả thất bại bởi lúc ấy, chị chỉ sợ mình mừng hụt.
Quá trình mang thai của chị Trang khá vất vả bởi chị là thai IVF nên suốt 3 tháng đầu rất hay bị ra máu, bóc tách màng nuôi và phải dùng thuốc liên tục hết 3 tháng liền. Chưa kể, chị bị nghén nặng không ăn uống được suốt hơn 4 tháng đầu. Mãi sau này khi hết nghén chị mới ăn uống được trở lại.
Tuy nhiên, chưa hết lo lắng này, vợ chồng chị phải đối diện với lo lắng khác khi 32 tuần thai bám thấp cách cổ tử cung chỉ có 2mm, nguy cơ đẻ non và tiền sản giật phải chuyển về bệnh viện lớn hơn để theo dõi. Từ đó, chị phải theo dõi liên tục ở bệnh viện lớn đến khi sinh ở 37 tuần 5 ngày.
Chị Trang cho biết, ở Nhật luôn muốn mọi thứ theo tự nhiên nên dù chị có nguy cơ như vậy nhưng bác sĩ vẫn không cho mổ, để đẻ thường khác hoàn toàn ở Việt Nam với những trường hợp khó khăn sẽ được chọn mổ an toàn cả mẹ lẫn con. Chị bị đau đẻ từ sáng đến chiều như chết đi sống lại, dù tử cung đã mở được 10 phân những em bé vẫn mãi không chịu ra. Ngay cả khi bác sĩ làm đủ kiểu, trèo lên ấn bụng cũng không được.
“Mình đau mê mệt, bảo chồng kêu bác sĩ cho mổ, mà bác sĩ vẫn bảo em bé bình thường không cần mổ. Sau thấy mình đau quá, anh ra cãi nhau, yêu cầu bác sĩ chịu trách nhiệm nếu có vấn đề gì với vợ, với con. Các bác sĩ họp bàn với nhau rồi mới cho mình đi mổ. Sau 3 lần đổi bác sĩ mới gây tê được tủy sống cho mình mới bắt được em bé ra”, chị Trang kể về ngày đi sinh của mình.
Bé nhà chị chào đời nặng 3,4kg.
Bé Miu nhà chị Trang chào đời tháng 8/2017 nặng 3,4kg, trước khi ngủ lịm vì thuốc mê, vẫn còn nửa tỉnh nửa mê, chị chỉ kịp nghe tiếng khóc con chào đời rồi nước mắt làm nhòe đi mọi thứ. Đến hôm sau anh Tallal mới được vào thăm chị và chị phải chờ đến giờ mới được y tá đem con vào cho gặp.
“Lúc chồng vào thăm mình hỏi con có xinh không? Con giống ai? Chồng mình trả lời con xinh lắm giống em mà lúc y tá bế bé vào mình nhìn con không có nét nào giống. Nếu không đau vì phẫu thuật chắc mình sẽ nhảy lên đánh cho chồng một trận”, chị Trang cười.
Bé Miu thành quả của vợ chồng chị sau 3 năm tìm con.
Sau sinh mặc dù mệt nhưng nhìn thấy chồng hạnh phúc bế con rồi cười, ngắm con mãi không thôi, chị lại vui vì sau bao khó khăn vợ chồng chị đã thấy ánh sáng phía cuối con đường hầm. Hiện giờ, bé Miu nhà chị Trang và anh Tallal đã được 3 tuổi xinh xắn, thông minh, hoạt bát, biết nói tốt 3 thứ tiếng: Tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật.
"Phụ nữ ai cũng cần được yêu thương, không ai mong muốn mình bị hiếm muộn cả, họ rất cần được sự quan tâm, chia sẻ đặc biệt là từ người chồng, tiếp đến gia đình và xã hội để con đường tìm con của họ sẽ trở nên nhẹ nhàng và nhanh chóng hơn", chị Trang nhắn nhủ.