Sau khi phát hiện điểm bất thường ở thai nhi, bác sĩ đã yêu cầu thai phụ theo dõi thêm nhưng sau đó tình trạng vẫn không tiến triển, buộc bác sĩ phải mổ gấp khi thai nhi chỉ mới 34 tuần.
Những điểm bất thường nhỏ của thai nhi có thể khiến mẹ bầu cũng như nhân viên y tế thấp thỏm, lo lắng vì sợ bé bị thiếu oxy, thậm chí là chết yểu từ khi còn trong bụng mẹ. Tuy nhiên, cũng có nhiều cách để dự đoán tình hình của thai nhi và đánh giá những nguy cơ mà bé có thể gặp phải bằng cách theo dõi cử động thai, nhịp tim thai, siêu âm,…
Khi mang thai, chị Trịnh cũng rất chú ý tới các cử động của con, luôn đi khám thai định kỳ. Vào ngày 17/5, mẹ bầu này đã mang thai được 33 tuần 4 ngày và chị tới Bệnh viện Phụ Sản Côn Minh ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, để khám thai.
Chị được bác sĩ Duẩn Phi trực tiếp thăm khám và anh đã phát hiện thai nhi có dấu hiệu bất thường nên hỏi thêm chị Trịnh về tình hình gần đây. Thai phụ cho biết, thời gian gần đây con chị ít cử động hơn hẳn và chị nghĩ rằng điều này là do con lớn hơn, không gian trong tử cung chật hẹp hơn, nên chị cũng chẳng bận tâm.
Chị Trịnh buộc phải sinh mổ khi mang thai ở tuần 34. Ảnh minh họa
Qua kết quả siêu âm và tình trạng mà chị Trịnh nói, bác sĩ Duẩn Phi đã xem xét tới khả năng thai nhi bị thiếu oxy, nhưng lúc này vẫn còn quá sớm để kết luận. Vì vậy, bác sĩ cho thai phụ về nhà, đề nghị được theo dõi nhịp tim thai từ xa và yêu cầu chị cần chú ý hơn tới cử động của thai nhi và liên lạc ngay với anh một khi có dấu hiệu bất thường.
Cụ thể, bà mẹ này sẽ thuê máy theo dõi nhịp tim thai tại nhà để tự mình theo dõi tim thai của con. Sau đó, dữ liệu sẽ tự động đồng bộ để bác sĩ có thể đọc được kết quả từ xa, từ đó có thể đánh giá kịp thời sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Ngày 19/5, máy theo dõi nhịp tim thai báo có điểm bất thường, chị Trịnh nhanh chóng gọi cho bác sĩ Duẩn Phi. Anh yêu cầu người mẹ đo tim thai lại một lần nữa, nhưng kết quả vẫn không khả quan nên buộc thai phụ phải nhập viện để kiểm tra.
Tới ngày 22/5, thai nhi vẫn có dấu hiệu bất thường, cử động của thai giảm dần. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định mổ lấy thai ngay lập tức.
Dây rốn của đứa trẻ bị xoắn tới 48 vòng. Ảnh minh họa
Dưới sự phối hợp của khoa sản, khoa gây mê hồi sức và khoa sơ sinh, ca phẫu thuật đã thành công. Đó là một bé gái, nặng 2,1kg. Tuy nhiên, khi nhìn thấy bé gái này, các nhân viên y tế đều bàng hoàng, bởi lẽ dây rốn của bé xoắn tới 48 vòng.
Do sinh non ở tuần 34 lại thiếu oxy vì dây rốn bị xoắn nhiều vòng, đứa trẻ sau khi chào đời đã được đưa tới khoa sơ sinh chăm sóc. Sau một khoảng thời gian điều trị, sức khỏe của hai mẹ con chị Trịnh đều đã ổn định và được xuất viện về nhà.
Tại sao thai nhi lại bị dây rốn quấn cổ?
Dây rốn vốn là "kênh" truyền dinh dưỡng cho thai nhi, nó trôi vô định trong nước ối, có thể nói nó là "bạn chơi" thai nhi. Thế nhưng, nếu thai nhi di chuyển lung tung trong buồng tử cung thì có thể khiến dây rốn bị thắt nút lại hoặc bị quấn vào cổ.
Ngoài ra, khi mẹ làm việc quá sức, thai nhi sẽ có xu hướng quay đầu xuống nhiều hơn khiến dây rốn rất dễ quấn quanh người, quanh cổ. Mẹ bầu bị dư ối, đa ối cũng sẽ làm tăng khả năng thai nhi bị dây rốn quấn quanh cổ, nhất là trong những tháng cuối thai kỳ. Dây rốn càng dài thì nguy cơ thai nhi bị dây rốn quấn cổ càng cao.
Tại sao dây rốn có thể xoắn tới 48 vòng?
Trong trường hợp bình thường, dây rốn có thể xoắn khoảng 10 vòng. Việc này không ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi, vì hầu hết các bé sẽ xoay ngược lại và dây rốn sẽ tự động được tháo ra. Rất ít trường hợp thai nhi đều quay về một hướng. Nếu tình trạng này xảy ra và không được phát hiện, can thiệp kịp thời thì thai nhi có thể chết lưu trong bụng.