Mỗi bà mẹ lại có một trải nghiệm sinh con khác nhau và không phải lúc nào "vượt cạn" cũng chỉ toàn đau đớn, lo lắng.
Hôm nay (ngày 9/5) chính là Ngày của Mẹ. Cũng giống như tên gọi, đây là ngày chúng ta dành sự tri ân, lòng tôn kính đến với tất cả người làm mẹ trên khắp thế gian. Và để trở thành mẹ, người phụ nữ trước tiên phải trải qua 9 tháng 10 ngày mang thai vất vả rồi sau đó là giai đoạn chuyển dạ, sinh con đầy đau đớn.
Vậy nhân ngày đặc biệt này, hãy cùng lắng nghe những người phụ nữ kể lại câu chuyện trong ngày sinh con, chính thức lên chức mẹ của mình. Đặc biệt, họ sẽ không kể về ca vượt cạn vất vả thế nào, đau đớn ra sao như chúng ta vẫn thường nghe mà sẽ là những kỉ niệm hài hước khiến ca sinh của họ như "tấu hài".
Cười "phọt" con ra ngoài
Đây là câu chuyện của bà mẹ 2 con tên Jennifer (sống tại Florida, Mỹ). Chị kể: "Đó là lần sinh con thứ 2 của tôi. Em bé đã hít phải phân su trong bụng nên tình huống có chút nguy hiểm. Tôi đã rất muốn rặn nhưng bác sĩ lại nói cố chờ thêm một chút để họ chuẩn bị gì đó, khi có hiệu lệnh rặn mới được bắt đầu.
Chồng tôi bên cạnh nghe vậy bắt đầu dặn dò: "Nhịn nhé em, đừng rặn nhé. Nhịn như em nhịn đi vệ sinh khi đang ngoài đường ấy". Nghe ông ấy so sánh mà tôi không nhịn nổi cười, cứ thế bật lên cười khanh khách. Ai ngờ đâu lúc tôi cười thì cơ bụng cũng hoạt động, vậy là em bé chui luôn cái đầu ra ngoài làm bác sĩ cuống cuồng đỡ. Trời ơi. Đúng là cười "phọt" con ra ngoài là có thật. Bác sĩ nói với tôi cả sự nghiệp chưa gặp sản phụ nào không cần rặn, cười thôi mà đẻ được con thế này".
Chắc bác sĩ cũng hiếm gặp trường hợp sản phụ cười "phọt" con ra ngoài. (Ảnh minh họa)
"Anh ơi đừng sợ"
Ngày nay, nhiều bệnh viện chấp nhận cho thêm người nhà vào phòng sinh để đồng hành cùng sản phụ trong giây phút "vượt cạn", mục đích là để động viên, an ủi, tiếp thêm động lực cho người mẹ. Karen (26 tuổi, sống tại Inowa, Mỹ) cũng đã quyết định "vượt cạn có đôi" với chồng khi sinh bé đầu lòng. Vậy nhưng cô không ngờ cuối cùng vì thế mà còn mệt thêm.
"Tôi đã nghĩ có chồng ở bên sẽ có thêm động lực để sinh nở. Vậy nhưng ai ngờ đâu khi vừa nhìn bác sĩ rạch tầng sinh môn để cho em bé ra ngoài, ông ấy mặt mày tái mét, tay cầm tay tôi mà run rẩy. Vậy là vừa rặn đẻ, tôi vừa phải động viên chồng "anh ơi đừng sợ", "thôi anh đừng nhìn nữa", "không có gì đâu",... Lúc em bé chào đời còn nguyên máu me, bác sĩ đặt lên người tôi da tiếp da mà chồng thì như sắp ngất, còn không dám đến gần con. Y tá, bác sĩ cũng phải bật cười trước ca sinh như trò hề của vợ chồng tôi", cô chia sẻ trên Cafemom.
Không phải anh chồng nào cũng đủ dũng cảm chứng kiến cảnh sinh nở. (Ảnh minh họa)
Đi nặng ngay trên bàn đẻ
Đây là câu chuyện của bà mẹ Kar Peng (44 tuổi, Singapore). Chị kể: "Mỗi năm tôi đều tổ chức sinh nhật trong 4 ngày. Lý do là vì ngày dự sinh là ngày 14/5, nhưng thằng bé lại không chịu ra. Đến ngày 16/5 bác sĩ hẹn tôi đến bệnh viện để kích chuyển dạ. Tôi đã nằm "liệt giường" khoảng 36 giờ, trong đó có 16 giờ được trải nghiệm các giai đoạn đau đẻ khác nhau. Cuối cùng con tôi chào đời vào ngày 17/5. Con tôi ra đời trễ 4 ngày so với dự định.
2 ngày trong phòng sinh là 2 ngày khủng khiếp nhất đối với tôi. Bác sĩ khiến tôi chuyển dạ 3 lần và tôi chỉ có một việc duy nhất là nằm yên trên bàn đẻ. Không được ăn và uống trong suốt 36 giờ. Sau đó, tôi nghĩ tôi cần phải "đi nặng" trước khi sinh con. Nhưng tôi chỉ mới nghĩ thôi. Đến khi cô y tá nhét thứ gì đó vào hậu môn, ngay lập tức tôi muốn ị. Nhưng tôi phải đợi trong vòng 20 phút nữa để thuốc làm sạch ruột. Chắc bạn hiểu cảm giác bạn đang bị đau bụng tiêu chảy mà phải nín nhịn chứ?
Sau 20 phút bị "tra tấn", cuối cùng y tá cũng trải một tấm lót và tôi đã đi nặng ngay trên bàn đẻ. Cô ấy đã làm vệ sinh sạch sẽ cho tôi. Tôi đã xin lỗi vì sự bất tiện này, nhưng cô ấy chỉ mỉm cười và bảo không có gì. Tất nhiên khi ấy chỉ có tôi và cô ấy, vì tôi đã đuổi chồng ra khỏi phòng sinh từ lâu rồi. Một lát sau, anh ấy quay lại và bảo: "Trong phòng có mùi gì ấy nhỉ?". Tôi đã mắng anh ấy: "Nói vớ vẩn!".
Đi vệ sinh trên bàn đẻ chắc chắn là kỉ niệm mẹ không thể quên.
Em bé vừa chào đời đã biết chạy
Câu chuyện này do chị Jasmine (30 tuổi, sống tại Singapore) chia sẻ: "Khi tôi sinh mổ lần thứ ba, tôi nhớ mình đã nằm đó kinh hãi nhưng mọi người trong phòng bắt đầu cười ồ lên. Tôi rất bối rối và liên tục hỏi, "Cái quái gì mà vui vậy?". hỏi đi, hỏi lại nhưng không ai trả lời tôi. Câu trả lời duy nhất mà tôi liên tục nhận được là "Không sao đâu, không sao đâu" giữa những trận cười.
Khi sinh xong, bác sĩ mới giải thích rằng em bé trong bụng tôi nằm ngôi mông. Vì vậy khi bác sĩ rạch bụng và ấn để đẩy bé ra, thay vì đầu thò ra như những bé khác, con lại thò chân ra trước và vùng vẫy điên cuồng như đang chạy vậy. Hình ảnh thú vị đó đã khiến chồng tôi cùng các y bác sĩ trong phòng bật cười. Đến tận bây giờ, con trai tôi vẫn hay bị trêu đùa là em bé vừa chào đời đã biết chạy".
Mỗi bé lại "chọn" cách chào đời khác nhau. (Ảnh minh họa)