Từ dấu hiệu nhỏ ở chiếc áo ngực, người phụ nữ ngỡ ngàng khi mắc căn bệnh hiếm gặp chỉ chiếm 0,2%

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 10/02/2025 14:55 PM (GMT+7)

Từ một dấu hiệu tưởng chừng như đơn giản, người phụ nữ đã phát hiện căn bệnh ung thư hiếm gặp. May mắn sau đó, nữ bệnh nhân đã được các bác sĩ xử lý thành công.

Bà P.T.Y (ở Long Biên, Hà Nội) từ trước đến nay sức khỏe bình thường, mới đây bà phát hiện có vết máu hồng nhỏ trên áo ngực, nhưng không cảm thấy đau vì thế chủ quan bỏ qua. Sau một tháng, dấu hiệu trên tái diễn và có kèm theo dịch bất thường trên đầu vú, lúc đó bà Y mới đến viện kiểm tra. Kết quả cho thấy, bà Y bị ung thư vú cả hai bên cùng một lúc. Các bác sĩ cho biết, đây là một thể bệnh rất hiếm gặp trong lâm sàng, chỉ chiếm khoảng 0,2% trong tổng số các ca ung thư vú.

Với kết quả trên, bà Y vô cùng bất ngờ, bởi bản thân bà chưa bao giờ nghĩ mình sẽ mắc ung thư vú. “Gia đình tôi không ai bị ung thư, tôi cũng ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục. Khi nghe bác sĩ thông báo kết quả, tôi rất bất ngờ, lo lắng. Sau khi nghe bác sĩ giải thích, tôi quyết định chiến đấu với bệnh, tâm lý thoải mái trước khi tiến hành phẫu thuật”, bà Y chia sẻ.

Nữ bệnh nhân sau đó được phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn tuyến vú 2 bên, nạo vét hạch nách để loại trừ nguy cơ tái phát. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, Trưởng khoa Phụ Ung thư - Bệnh viện Phụ Sản Trung ương cho biết, nữ bệnh nhân đã hơn 60 tuổi, kèm theo bệnh nền tiểu đường, cao huyết áp vì thế quá trình phẫu thuật phải tính toán kỹ lưỡng từ khâu gây mê, phẫu thuật đến hồi sức.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật khối u vú hai bên cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật khối u vú hai bên cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC.

Ca mổ kéo dài nhiều giờ, đối mặt với nguy cơ mất máu nhiều đòi hỏi sự tập trung cao độ của ê-kíp mổ. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, mở ra cơ hội sống cho người bệnh. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi và điều trị nội tiết để giảm nguy cơ tái phát. Nếu kết quả mẫu bệnh phẩm từ khối u hai bên sau sinh thiết đánh giá mức độ xâm lấn khối u chưa di căn, bệnh nhân có thể không cần hóa trị hay xạ trị.

Bác sĩ Thắng cho biết, ung thư vú hai bên là một thể bệnh hiếm, nhưng hoàn toàn có thể phát hiện sớm qua tầm soát. Phụ nữ trên 40 tuổi nên đi khám định kỳ 2 năm/lần, còn những người có yếu tố nguy cơ cao (gia đình có tiền sử ung thư vú, đột biến gen) cần được tầm soát hàng năm. Chi phí tầm soát thấp nhưng mang lại giá trị vô cùng lớn, giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, tăng khả năng điều trị thành công và giảm chi phí điều trị.

Đối với căn bệnh ung thư vú ở phụ nữ, các bác sĩ cũng khuyến cáo chị em nên chủ động khám và tầm soát định kỳ để phát hiện sớm, giúp quá trình điều trị trở nên dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn, đồng thời tăng tỷ lệ khỏi bệnh. Đối với những bệnh nhân đang chiến đấu với căn bệnh này, việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ và tin tưởng vào nền y học nước nhà sẽ giúp kiểm soát bệnh tốt hơn, mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.

Nhiều người đi tiêm vắc xin vì lo cúm mùa gây biến chứng nặng: Mới tiêm liệu có tác dụng bảo vệ cơ thể?
Với số ca mắc cúm gia tăng, trong đó có nhiều ca nặng, nhiều người lo lắng đi tiêm vắc xin phòng bệnh, liệu việc làm này có mang lại hiệu quả ngay lập...

Tin tức sức khỏe

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]10/02/2025 13:45 PM(GMT+7)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin tức sức khỏe