SKĐS - BS Khoa Phụ Sản – BVĐK tỉnh Tuyên Quang cho biết, mới đây, Khoa Phụ sản của bệnh viện đã phẫu thuật cấp cứu lấy thai thành công cho sản phụ Nguyễn Ngọc H. (21 tuổi) trú tại Thắng Quân, Yên Sơn, Tuyên Quang khi thai nhi có dây rốn thắt nút và cuốn 2 vòng quanh cổ.
BS Khoa Phụ Sản – BVĐK tỉnh Tuyên Quang cho biết, mới đây, Khoa Phụ sản của bệnh viện đã phẫu thuật cấp cứu lấy thai thành công cho sản phụ Nguyễn Ngọc H. (21 tuổi) trú tại Thắng Quân, Yên Sơn, Tuyên Quang khi thai nhi có dây rốn thắt nút và cuốn 2 vòng quanh cổ.
Chị H. mang thai ở tuần 39, bị vỡ ối, có dấu hiệu chuyển dạ đẻ, nên đã được gia đình đưa đến BVĐK tỉnh Tuyên Quang để cấp cứu. Ngay khi nhập viện, thai phụ đã được thăm khám và có chỉ định phẫu thuật cấp cứu ngay.
Th.S.BS. Trương Thị thu Hương – Khoa Phụ sản, Bệnh viện đa khoa tỉnh (trưởng kíp mổ) cho biết: Trường hợp của sản phụ H có dây rốn thắt nút rất hy hữu, may mắn là gia đình sản Phụ đã đến Bệnh viện để được phẫu thuật lấy thai kịp thời, hiện tại cả mẹ và bé đều khỏe mạnh, sẽ được xuất viện ngày 24/4/2021.
BS cho biết thêm: "Về mặt lý thuyết, sự chuyển động của bào thai sẽ khiến dây rốn căng ra và dài thêm. Dây rốn dài có thể vướng vào tay chân hay quấn cổ thai nhi gây nguy cơ tắc nghẽn mạch máu liên tục hoặc từng phần. Tỷ lệ thai nhi bị dây rốn quấn cổ xảy ra khá phổ biến với khoảng 12% ở thai từ 24 – 26 tuần, 37% ở thai đủ tháng".
Em bé khoẻ mạnh sau khi chào đời (Ảnh: BVCC)
BS.Hương cũng cho biết thêm, các thai phụ cần chủ động khám thai định kỳ và quản lý thai nghén chặt chẽ để có thể phát hiện sớm tình trạng sức khỏe và tầm soát các dị tật của thai nhi.
Nếu được bác sĩ thông báo thai nhi bị dây rốn quấn cổ từ sớm trong thai kỳ, thai phụ không nên quá lo lắng hay hoảng sợ. Tình trạng dây rốn quấn cổ thai nhi có thể biến mất ngay sau đó hoặc trước khi em bé được sinh ra đời.
Nếu các bác sĩ nhận thấy rằng tình trạng dây rốn quấn cổ có thể gây nguy cơ cho thai nhi hay quá trình sinh nở, thai phụ sẽ theo dõi chặt chẽ để đề phòng biến chứng. Nếu thai nhi có các dấu hiệu bất thường như quẫy đạp mạnh hoặc không thấy thai đạp ở những tuần cuối, thai phụ cần phải đến cơ sở y tế gần nhất hoặc có chuyên khoa Sản để được thăm khám và tư vấn sớm.