Khi mới phát hiện, khối u còn nhỏ không đáng kể nhưng nó đã phát triển mạnh mẽ cùng cái thai trong bụng và sau 9 tháng thì lớn gần gấp đôi bé.
Trong thời gian mang thai, các bác sĩ đều khuyến khích mẹ bầu đi khám đầy đủ và đúng lịch. Siêu âm, thăm khám không chỉ giúp theo dõi tình trạng sức khỏe mẹ bầu, sự phát triển của thai nhi mà còn phát hiện những vấn đề trong thai kỳ để có thể xử lý sớm nhất như trường hợp của bà mẹ dưới đây.
Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ vừa thông tin về ca phẫu thuật lấy thai đồng thời cắt khối u nhầy buồng trứng "khổng lồ" nặng tới 4.7kg cho một thai phụ 38 tuổi.
Đó là trường hợp của chị L.T.H (trú tại Bạch Hạc, Việt Trì, Phú Thọ). Từ khi thai nhi được 4 tuần tuổi, chị H. đã phát hiện có khối u ở buồng trứng phải nhưng kích thước còn khá nhỏ. Quá trình mang thai, sức khỏe của chị H. hoàn toàn bình thường và luôn thực hiện khám thai định kỳ, quản lý thai nghén theo hướng dẫn của các bác sĩ.
Các bác sĩ mổ lấy thai cho chị H. ở tuần 38.
Ngày 8/11/2021, khi thai nhi đủ 38 tuần 02 ngày, chị H. đến làm thủ tục sinh tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ. Sau khi được siêu âm, làm các xét nghiệm, các bác sĩ thực hiện phẫu thuật lấy thai cho chị H. vào lúc 22 giờ cùng ngày. Bé trai chào đời khỏe mạnh, nặng 2.8kg.
Sau phẫu thuật lấy thai, các bác sĩ kiểm tra thấy khối u nhầy rất to thuộc phần phụ trái, kích thước 20x30cm. Khối u to dính cắm sâu xuống tiểu khung và quai đại tràng của sản phụ, các bác sĩ đã tiến hành gỡ dính và cắt khối u nặng 4,7kg.
Khối u phát triển nhanh chóng trong thai kỳ, đến khi được lấy ra có trọng lượng tới 4,7kg.
Hiện tại, sau 1 tuần điều trị, sức khỏe sản phụ đã hồi phục rất tốt và có kế hoạch được xuất viện.
ThS.BS. Bùi Mạnh Tùng – Phó trưởng khoa Khám và điều trị ngoại trú cho biết, trong lĩnh vực Sản – Phụ khoa, các bác sĩ tại bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho khá nhiều trường hợp có khối u phần phụ lớn. Trọng lượng khối u lớn nhất từng được phẫu thuật lên tới 9 kg ở người bệnh 63 tuổi hồi tháng 9/2020.
Tuy nhiên trường hợp mang thai kèm theo khối u buồng trứng kích thước lớn như sản phụ H. là khá hiếm gặp và dễ bị bỏ sót khi khám thai nếu không được khám đầy đủ và toàn diện. Đối với u nang buồng trứng khi mang thai, chỉ định phẫu thuật sẽ được cân nhắc.
8 mốc khám thai quan trọng mẹ bầu không được bỏ qua
Trường hợp của chị H. đã thăm khám và phát hiện khối u khá sớm nên các bác sĩ có thể theo dõi tình hình phát triển trong quá trình mang thai, từ đó đưa ra phương án xử lý phù hợp. Kết quả là em bé đã chào đời khỏe mạnh và người mẹ cũng được loại bỏ khối u thành công.
Đối với các mẹ bầu, theo dõi quá trình phát triển của thai nhi từ những ngày đầu thai kỳ đến lúc sinh là việc làm rất quan trọng. 8 mốc khám thai cần thiết dưới đây mẹ bầu phải thực hiện đầy đủ, không được bỏ qua.
- Lần thứ nhất (6-8 tuần): Xác định lại thai kỳ, kiểm tra tim thai.
- Lần thứ hai (11-14 tuần): Đo độ mờ da dáy, sàng lọc dị tật.
- Lần thứ ba (16 tuần): Theo dõi sự phát triển của thai nhi.
- Lần thứ tư (22-23 tuần): Tầm soát các dị tật như sứt môi, hở hàm ếch, dị tật ở các cơ quan nội tạng.
- Lần thứ năm (26 tuần): Tiêm mũi uốn ván. Phát hiện bất thường ở mẹ và con.
- Lần thứ sáu (31-32 tuần): Phát hiện 1 số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở tim, động mạch, các bất thường ở não như giãn não thất…, nhận biết tình trạng thai phát triển chậm trong tử cung.
- Lần thứ bảy (36 tuần): Đo tim thai và chuyển động thai, lên kế hoạch sinh con.
- Lần thứ tám (sau 36 tuần): Bác sĩ sẽ chỉ định khám 1 tuần - 2 tuần/lần để theo dõi dấu hiệu sinh.