Sau 7 lần sảy thai chị mới có một mụn con nhưng ông trời dường như lại tiếp tục thử thách chị khi đứa con sinh ra đã ngậm một “viên ngọc rồng” trong miệng.
Mới đây, Bệnh viện nhân dân tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, đã tiếp nhận một đứa trẻ sơ sinh mới vài ngày tuổi. Đứa trẻ này có một “viên ngọc rồng” trong miệng, nhưng thứ mang lại cho em không phải là may mắn mà là sự nguy hiểm. Nói chính xác hơn, “viên ngọc” đó là một khối u khổng lồ màu đỏ sẫm với kích thước khoảng 3x4 cm, gần như lấp đầy toàn bộ khoang miệng, khiến bé không thể khép miệng lại và không thể ăn được, thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến hô hấp, gây ngạt thở và đe dọa tới tính mạng của bé.
“Viên ngọc rồng” này là khối u nướu ở trẻ sơ sinh (CGCE). Theo các báo cáo y tế, tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc căn bệnh này chỉ chiếm 0.0006%. Tính đến năm 2020, có khoảng 250 trường hợp được ghi nhận trên toàn thế giới, trong đó có 16 trường hợp ở Trung Quốc.
Đứa trẻ sinh ra với "viên ngọc rồng" trong miệng.
Mẹ của đứa trẻ này là chị Kim (35 tuổi), khi kể về hành trình kiếm con, chị lại không kìm được nước mắt. Chị cho biết, chị có được đứa con này quả thật không hề dễ dàng. Trong vài năm qua, chị đã sảy thai tới 7 lần, cơ thể phải trải qua nhiều lần phẫu thuật khiến chị không còn hy vọng được làm mẹ nữa nhưng không ngờ phép màu đã xảy ra. Cuối cùng chị Kim đã đậu thai ở lần thứ 8 và trong suốt quá trình thai kỳ chị rất cẩn thận, mong ngóng ngày con bình an chào đời.
Nửa tháng trước, chị Kim chuyển dạ và sinh hạ một bé gái, nhưng ông trời dường như lại đang tiếp tục thử thách chị. Khi nhìn thấy con gái, chị không khỏi ngạc nhiên, nụ cười trên môi từ từ cứng lại. Con gái chị trắng trẻo, rất dễ thương và xinh đẹp nhưng trong miệng bé lại có một khối u màu đỏ sẫm. Khối u giống như một “viên ngọc rồng” và lòi ra cả ngoài miệng.
Khi nghe bác sĩ giải thích về tình trạng của con, vợ chồng chị Kim như sụp đổ, yêu cầu bác sĩ làm mọi cách để cứu con. “Đứa trẻ còn nhỏ như vậy liệu có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u được không? Ca mổ có rủi ro gì không? Khối u có gây ảnh hưởng tới hệ hô hấp của con tôi không?”, chị Kim dồn dập hỏi bác sĩ.
Đứa trẻ sau khi được phẫu thuật.
Trương Cần, một bác sĩ nhi khoa có kinh nghiệm dày dặn, tin rằng khối u này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của trẻ, có thể khiến đứa trẻ bị ngạt thở,… nên khối u cần phải cắt bỏ càng sớm càng tốt. May thay, khối u được chẩn đoán là lành tính. Ca mổ dự kiến được thực hiện khi đứa trẻ được 5 ngày tuổi.
Do khoang miệng của trẻ sơ sinh hẹp, ca mổ có khá nhiều rủi ro nhưng các bác sĩ đã cố gắng cắt bỏ được “viên ngọc rồng” đó chỉ trong vòng 10 phút. Sau 20 phút làm phẫu thuật, đứa trẻ tỉnh lại và nằm trong vòng tay của mẹ.
4 ngày sau phẫu thuật, vết thương đã được tháo chỉ. Tới ngày thứ 5, đứa trẻ đã bú bình thuận lợi. Vợ chồng chị Kim vô cùng hạnh phúc khi cuối cùng con gái cũng vượt qua thử thách đầu đời.
Cách phòng ngừa dị tật thai nhi
Về nguyên nhân gây ra dị tật ở đứa trẻ con chị Kim, bác sĩ cho biết rất khó để xác nhận chính xác. Vậy nhưng mẹ bầu trong thai kỳ cần lưu ý những vấn đề sau để phòng ngừa nguy cơ thai nhi dị tật:
- Trước khi mang thai, cả hai vợ chồng cần khám sức khỏe tổng quát.
- Trước và trong khi mang thai, vợ chồng cần bỏ hút thuốc lá và uống rượu.
- Hạn chế đến gần nơi có hóa chất độc hại, nguy hiểm, phòng ngừa nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi.
- Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và đầy đủ trái cây, rau củ quả.
- Trước và trong thai kỳ cần bổ sung axit folic đầy đủ.