Mỗi khi cãi nhau với chồng, người vợ lại bỏ nhà đi và khi trở về, việc đầu tiên cô làm là đòi “ân ái” với chồng. Sau mỗi lần như vậy thì cô nàng đều mang thai.
Trước khi có công nghệ xét nghiệm ADN để xác định huyết thống thì người xưa thường dựa vào nhóm máu. Tuy vậy sau này việc xác định huyết thống dựa trên sự di truyền của nhóm máu đã được chứng minh là chỉ mang tính tương đối, độ chính xác không cao. Song trong trường hợp của cặp vợ chồng dưới đây thì lại chính xác hoàn toàn.
Mới đây, luật sư Lâm Bạc Ngạn (sống tại Đài Loan) có chia sẻ trên sóng truyền hình một trường hợp mà anh từng gặp. Theo đó, một người phụ nữ tên là Tiểu Mỹ (tên đã thay đổi) được gả vào một gia đình giàu có, chồng cô mang họ Trương (tên đã thay đổi).
Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân lại chẳng hề êm ấm, hai vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi vã và mỗi lần như vậy thì Tiểu Mỹ lại bỏ nhà đi một thời gian. Kỳ lạ là mỗi khi trở về nhà, thấy chồng vẫn còn bực bội, việc đầu tiên cô nàng làm lại là sà vào lòng chồng làm nũng rồi đòi “yêu”. Trong khi đó, anh Trương lại nghĩ rằng vợ đã biết lỗi nên bỏ qua hết, vợ chồng "cãi nhau đầu giường, làm lành cuối giường" là chuyện bình thường nên cũng chẳng để ý nhiều.
Luật sư Lâm Bạc Ngạn.
Không ngờ rằng, chỉ cần hai vợ chồng ân ái thì trong vòng một tháng sau đó, người vợ sẽ mang thai. Người vợ sau đó sinh liên tiếp 3 đứa con và lần nào mang thai cũng theo một kiểu. Điều này có nghĩa là Tiểu Mỹ cứ cãi nhau với chồng là bỏ đi, về nhà lại đòi “mây mưa” với chồng và sau đó không lâu thì có thai.
Ban đầu, khi nghe tin vợ đang mang thai con đầu lòng, anh Trương vô cùng hạnh phúc. Tuy nhiên, hai đứa con sau đều chào đời theo cách tương tự khiến anh rất hoang mang, nhưng anh cũng chẳng nghĩ gì nhiều, tận tâm chăm sóc các con. Mãi đến khi một đứa con bị thương, cần phải truyền máu thì anh mới phát hiện ra bộ mặt thật của vợ.
Tiểu Mỹ thường có thai sau khi bỏ nhà đi. Ảnh minh họa
Luật sư Lâm cho biết, đứa trẻ lúc đó được xét nghiệm máu và kết quả cho thấy bé thuộc nhóm máu A. Trong khi đó, cả anh Trương và vợ đều thuộc nhóm máu O. Khi anh chất vấn vợ, cô lại lấp liếm: "Mẹ em có nhóm máu A nên chắc đứa bé được di truyền từ bà ngoại”. Tuy nhiên, người chồng lại quả quyết nói rằng đó không phải con anh. Để chứng minh, anh quyết định làm giám định ADN với cả 3 đứa con. Kết quả, chẳng có đứa trẻ nào là con ruột của anh cả, hóa ra bao lâu nay anh đã nuôi con "tu hú".
Sự thật là mỗi lần bỏ nhà đi, Tiểu Mỹ đều đến gặp nhân tình của cô tên là Tiểu Vương. Lo lắng sẽ mang thai với nhân tình và bị chồng phát hiện nên mỗi lần về nhà cô đều đòi “ân ái” với chồng ngay lập tức. Dù vậy, cuối cùng sự thật vẫn bị phơi bày và cả hai đã ly hôn.
Câu chuyện sau khi được chia sẻ đã thu hút đông đảo sự chú ý. Ai cũng phẫn nộ với người vợ lăng nhăng, lừa dối chồng. Bên cạnh đó, một số người cũng thắc mắc việc vì sao anh Trương quả quyết con không phải con mình chỉ dựa vào nhóm máu trong khi thực tế cho thấy có nhiều trường hợp nhóm máu của con không hề giống bố mẹ.
Khi nào nhóm máu của con giống hệt bố mẹ?
Từ năm 1920, các nhà khoa học nhận thấy rằng các nhóm máu có thể di truyền cho thế hệ sau. Các nhà khoa học nhận định rằng họ có thể tiên đoán được nhóm máu tương đối của người con dựa trên nhóm máu của cha mẹ. Ngược lại, nhóm máu của con và của người cha (hoặc mẹ) đã biết cũng được sử dụng để xác định nhóm máu tương đối của mẹ (hoặc cha) chưa biết. Tuy nhiên, việc xác định huyết thống dựa trên sự di truyền của nhóm máu chỉ mang tính tương đối nên độ chính xác không cao.
Vậy nhưng có một trường hợp nhóm máu của con chắc chắn phải giống hệt bố mẹ, đó là khi cả bố và mẹ đều mang nhóm máu O. Lúc này, nếu người con không có nhóm máu O thì đó không phải là con của cặp bố mẹ này.
Các trường hợp khác thì sẽ phức tạp hơn nhiều. Ví dụ nếu bố nhóm máu A và mẹ nhóm máu B thì nhóm máu của con có thể là: A, B, AB hoặc O. Trường hợp này thì nhóm máu hoàn toàn không có ý nghĩa trong xác định huyết thống.