Ứng xử như thế nào trong những tình huống xô xát và hiểu lầm là điều mà chính nhiều người lớn vẫn chưa tìm ra. Vậy mà một cậu bé lớp 7, bằng sự tinh tế và khéo léo của mình không những hóa giải được mâu thuẫn với bạn cùng lớp, mà còn khiến người lớn thán phục.
Trong độ tuổi học sinh, nhất là với trẻ vị thành niên, việc xô xát giữa bạn bè là điều thường thấy. Trên thực tế, có không ít vụ việc căng thẳng làm ảnh hưởng đến cá nhân và tập thể, nhẹ thì ảnh hưởng đến mối quan hệ của những người bạn cùng lớp, nặng thì trở thành nguồn cơn của bạo lực học đường, thậm chí gây ra mâu thuẫn giữa các phụ huynh và giữa phụ huynh với nhà trường.
Ứng xử như thế nào trong những tình huống xô xát và hiểu lầm là điều mà chính nhiều người lớn vẫn chưa tìm ra. Vậy mà một cậu bé lớp 7, bằng sự tinh tế và khéo léo của mình không những hóa giải được mâu thuẫn với bạn cùng lớp, mà còn khiến người lớn thán phục. Câu chuyện “Ứng xử tinh tế và chuẩn mực của cậu bé lớp 7 sau khi bị bạn đánh khiến người lớn phải thán phục” được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, thu hút hơn 29.000 lượt yêu thích. Nhân vật chính của câu chuyện là cậu bé Nguyên Khôi, hiện học lớp 7 tại Hà Nội. Khi vô tình xảy ra mâu thuẫn với bạn Đức Dương và bị bạn đánh, Nguyên Khôi đã bình tĩnh nhắn tin trao đổi với bố Đức Dương.
Chính chị Thuỳ Hương - mẹ của Đức Dương đã chia sẻ câu chuyện này, đồng thời bày tỏ sự tán thưởng đối với bạn của con trai. Trao đổi với chúng tôi, chị Thuỳ Hương, hiện công tác tại cơ quan báo chí thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trải lòng về cách dạy con trong độ tuổi dậy thì cũng như phản ứng của bố mẹ Nguyên Khôi cũng như thái độ của 2 bạn nhỏ khi bỗng nhiên nổi tiếng trên mạng xã hội.
Nguyên Khôi và Đức Dương - nhân vật chính của câu chuyện đã giảng hoà.
- Cháu chào chú, chú có phải là bố của bạn Đức Dương không ạ?
- Đúng rồi cháu là ai?
- Cháu là bạn của Đức Dương ạ. Hôm nay cháu muốn nói với chú, bạn Dương đánh cháu ạ. Vào buổi chiều, lúc ra chơi bạn chỉ trêu trêu thôi ạ.
- Vào lúc nào, đánh vào đâu cháu, có đau lắm không để chú bảo lại bạn Dương.
- Bạn ấy lấy con gấu bông định chọc vào mặt kiểu trêu trêu thôi ạ nên cháu không nghĩ nhiều. Nhưng bạn ấy chọc vào mặt cháu liên tục ạ. Lúc đấy cháu mới lấy tay bỏ con gấu ra tại cháu thấy hơi quá.
- Rồi sao nữa cháu?
- Thế là bạn ấy tức (vì chắc bạn ấy tưởng cháu muốn gây sự) nên bạn ấy mới lấy con gấu bông đập mạnh vào đầu cháu. Lúc đấy thì cháu nghĩ không ai là không tức khi bị trên quá mức. Cháu mới đẩy bạn ra để bạn không đánh nữa. Cháu nhớ y nguyên là bạn ấy đầu tiên là giật tóc cháu, bây giờ cháu sợ nhẹ nhưng khá đau và đánh cháu. Rồi cuối cùng bạn đẩy mạnh cháu ngã vô bàn. Xong rồi bạn ấy nói: “Đừng tưởng mình to xác nhé”.
Cháu muốn nói như thế này để cháu sợ bố mẹ cháu nóng tính, không muốn lớn chuyện nên cháu phải đành nói với chú ạ. Nhưng chú đừng lo quá, giờ cháu chỉ bị đau đầu khi sờ vào đầu thôi ạ. Nếu bạn Dương bảo cháu gây sự trước thì cháu bị bạn ý trêu trước, chính bạn ấy đã tiến xuống bàn và trêu. Lỗi của bạn Dương là hơi dễ nóng. Còn cháu thì cũng có lỗi khi không báo bố mẹ hay ai để nói mà gây phiền cho chú ạ. Cháu xin hết ạ. Cháu cảm ơn chú đã lắng nghe.
- Để chú sẽ hỏi lại bạn Dương đầu đuôi câu chuyện, nếu Dương có lỗi, chú sẽ bắt bạn Dương xin lỗi cháu. Có gì cũng mong cháu bỏ qua cho bạn ấy.
- Vâng ạ, cháu sẵn lòng bỏ qua cho bạn ấy. Cháu chào chú.
Đoạn hội thoại tinh tế và điềm tĩnh của cả hai khiến nhiều người ngưỡng mộ. Nguyên Khôi dù bị bạn đánh nhưng vẫn vô cùng bao dung, còn bố của Đức Dương lại cho thấy mình là một phụ huynh thấu đáo, biết lắng nghe từ 2 phía. Sau cùng, 2 bạn nhỏ đã giảng hoà và tiếp tục trở thành những người bạn tốt.
Chi tiết đoạn hội thoại của Nguyên Khôi, chia sẻ với bố Đức Dương việc em bị bạn đánh.
Phụ huynh thường có xu hướng đứng về phía con của mình. Vậy thời điểm ông xã chị nhận được tin nhắn của bé Nguyên Khôi, cảm xúc của anh chị như thế nào?
Khi nhận được tin nhắn cũng hơi bất ngờ nhưng rất bình tĩnh để lắng nghe Nguyên Khôi trình bày. Biết các con đang trong độ tuổi hay nghịch và trêu đùa bạn nên rât cần lắng nghe khách quan từ nhiều phía và không có tâm thế đứng về phía con mình, bởi phụ huynh luôn thấu hiểu tâm lý lứa tuổi của con.
Ở lứa tuổi này, các con vô cùng nhạy cảm, dễ tự ái khi bị nhắc nhở. Vậy vợ chồng chị đã trao đổi như thế nào để con trai mình nhận ra lỗi và chủ động làm hòa với bạn?
Trước hết, bọn mình trao đổi với con như những người bạn, đầu tiên là thăm dò con ở trường, lớp có chuyện gì không, có mắc lỗi với bạn nào không, rồi từ đó hỏi han đầu đuôi câu chuyện. Bạn ấy cũng thật thà kể lại có sự việc và khi được đọc những tin nhắn của bạn Nguyên Khôi, Dương đã thừa nhận thật sự mình có lỗi trêu đùa bạn hơi quá trớn khiến bạn mất bình tĩnh và đã làm đau bạn. Dương cũng thành thật nhận lỗi và hứa sẽ đến lớp xin lỗi Nguyên Khôi và sẽ bao bạn một chầu để chuộc lỗi. Hiện giờ Đức Dương, Nguyên Khôi cùng các bạn lại chơi thân thiết với nhau như chị thấy trên ảnh. Chúng tôi rất mừng vì điều này.
Chị đánh giá như thế nào về cậu bé Nguyên Khôi?
Sau khi bố Đức Dương cho tôi xem những dòng tin nhắn tin nhắn của Nguyên Khôi, tôi đã rất cảm phục về cách ứng xử tình huống một cách khéo léo, tế nhị, ấm áp tình cảm của cậu bé. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và tự hỏi, sao một cậu bé vừa mới bước vào lớp 7 thôi mà đã có cách nói chuyện rất người lớn và tâm lý. Tôi nghĩ, đây là một câu chuyện rất nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn nên cần lan tỏa cho nhiều người được biết. Qua câu chuyện này, hy vọng người lớn và ngay cả trẻ em sẽ rút ra được những bài học cho riêng mình về cách đối nhân xử thế để góp phần là cho xã hội tốt đẹp hơn.
Chị có trao đổi qua với bố mẹ Nguyên Khôi hay trực tiếp nói chuyện với Nguyên Khôi về chuyện đã qua chưa?
Vợ chồng tôi không trao đổi với bố mẹ Nguyên Khôi vì không muốn phức tạp hóa tình hình. Đơn giản là tôi chỉ muốn chia sẻ về một hành động đẹp mang đầy tính nhân văn của cậu bé và muốn con trai mình biết trân trọng một người bạn tuyệt vời như Nguyên Khôi.
Về phía gia đình Nguyên Khôi, sau khi được cô giáo chủ nhiệm lớp chia sẻ thông tin, tôi được biết bố mẹ Khôi rất vui và tự hào về cách ứng xử của con trai mình. Duy chỉ hai bạn Đức Dương và Nguyên Khôi là không thích bị “nổi tiếng một cách bất đắc dĩ”. Các con hành động tốt như bản tính vốn vậy chứ không muốn người lớn khen ngợi hay viết báo.
Từ câu chuyện của mình, chị muốn nhắn gửi gì đến các phụ huynh có con trong độ tuổi này, đặc biệt là khi các bé xảy ra xô xát?
Chính Nguyên Khôi đã cho tôi - ở vị thế là bậc phụ huynh có các con đều trong độ tuổi “nổi loạn” một bài học về sự bình tĩnh để xử lý tình huống, bài học về sự tôn trọng và lắng nghe chia sẻ cảm xúc của các con. Giá như người lớn chúng ta đứng trước mọi sự rắc rối, va chạm đều bình tĩnh để xử sự với nhau một cách văn minh thì chuyện lớn sẽ hóa nhỏ, nhỏ sẽ là không có gì.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!