Nghĩ con gái chỉ "khéo" tưởng tượng nên người mẹ không quá quan tâm.
Trẻ em rất nhạy cảm và có khả năng phản ứng rất mạnh với những thay đổi trong môi trường sống của mình. Nếu ban đầu trẻ luôn cảm nhận được tình yêu thương, quan tâm của bố mẹ, nhưng bỗng một ngày điều đó dần phai mờ đi, trẻ sẽ lập tức phát hiện ra bản thân đang bị bố mẹ bỏ bê, phớt lờ. Lúc này, trẻ có thể trải qua nhiều cảm xúc khác nhau, bao gồm cảm giác bất an, sợ hãi, lo lắng và cô đơn trong lòng, lâu dần có thể tác động tiêu cực đến sức khoẻ tâm lý.
Tiểu Mẫn năm nay 35 tuổi, đã là mẹ của 2 con, cô và chồng gặp nhau tại nơi làm việc, sau một năm nói chuyện, cả hai rất ăn ý và quyết định tiến tới hôn nhân. Cuộc sống sau hôn nhân càng tuyệt vời hơn khi cả hai có với nhau một cô con gái tên là Minh Minh 5 tuổi, và cậu em mới sinh được 6 tháng.
Cô con gái Minh Minh là một đứa trẻ ngoan ngoãn, từ trước đến nay luôn bộc lộ tính cách vui vẻ, hoạt bát và năng động. Tuy nhiên thời gian dạo gần đây, Tiểu Mẫn phát hiện con gái liên tục nói với gia đình rằng có bóng người ngoài cửa sổ.
Lúc đầu Tiểu Mẫn và chồng không mấy quan tâm, cho rằng con gái xem hoạt hình, đọc truyện nhiều nên "khéo" tưởng tượng. Thế nhưng qua một thời gian dài, Tiểu Mẫn nhận thấy điều gì đó không ổn, con gái ngày càng có những biểu hiện rất bất thường, lúc nào cũng buồn rầu, ít nói hơn hẳn so với trước đây.
Tiểu Mẫn thường nói có bóng người ngoài cửa sổ, nhưng bố mẹ cô bé không tin.
Nghĩ con ốm nên Tiểu Mẫn cùng chồng sắp xếp thời gian gửi em trai nhỏ cho ông bà, sau đó liền ngay lập tức đưa con gái Minh Minh đến bệnh viện. Sau khi đến bệnh viện, Tiểu Mẫn đã kể lại tình hình cho bác sĩ, nhưng sau khi kiểm tra tổng quát thì con gái không hề có triệu chứng bệnh lạ gì, mọi thứ đều ổn. Tuy nhiên để chắc chắn hơn, Tiểu Mẫn đã được đề nghị đưa Minh Minh đến gặp bác sĩ tâm lý, vì rất có thể cô bé không gặp vấn đề gì về sức khoẻ thể chất, nhưng ảo giác có thể được sinh ra do áp lực tâm lý quá lớn.
Sau khi nghe vị bác sĩ nói, Tiểu Mẫn đã đưa con gái đến gặp bác sĩ, chuyên gia tâm lý và bất ngờ nhận được câu hỏi: "Đã lâu rồi bố mẹ không giao tiếp, gần gũi với con phải không?" Tiểu Mẫn tỏ ra khó hiểu trước câu hỏi này nhưng cũng thành thật chia sẻ, kể từ khi biết tin mình mang thai đứa con thứ hai, cô đã để Minh Minh ngủ ở phòng riêng và về cơ bản rất hiếm khi bố mẹ cho ngủ cùng. Sau khi em bé chào đời, Tiểu Mẫn thường xuyên bận rộn chăm sóc con nhỏ nên hầu như mẹ bỉm không có nhiều thời gian cho con gái lớn.
Lúc này, bác sĩ đã nhận ra vấn đề và nói với Tiểu Mẫn rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng con gái gặp ảo giác, thường xuyên nói có người ở ngoài cửa sổ là do đứa trẻ chịu quá nhiều áp lực tâm lý. Hơn nữa đứa trẻ còn nhỏ nên sẽ thiếu cảm giác an toàn, vì việc mẹ sinh em bé khiến đứa trẻ hình thành cảm giác bị chia cắt, cho rằng bố mẹ không còn thương mình nữa mà chỉ dành toàn bộ sự quan tâm, tình yêu thương dành hết cho em trai. Từ đó, đứa trẻ sẽ có cảm giác khoảng cách rất lớn với bố mẹ.
Sau khi nghe những lời của bác sĩ, Tiểu Mẫn hối hận nhận ra rằng hành vi "bất thường" của con gái Minh Minh chính là do cô và chồng đã thiếu tinh tế, khéo léo trong quá trình nuôi dạy các con, khiến cho con phải thiệt thòi. Nhìn thấy khuôn mặt buồn rầu, lo lắng của Minh Minh, người mẹ bật khóc nức nở.
Trên thực tế, trong cuộc sống hàng ngày cũng có một số gia đình rơi vào trường hợp như gia đình của Tiểu Mẫn. Sau khi sinh đứa con thứ 2 thì mối bận tâm hàng đầu thường sẽ chỉ tập trung vào em bé nhỏ, mà nghĩ rằng đứa con lớn đã có thể tự lo cho bản thân nên không còn dành nhiều sự chú ý đến con.
Tuy nhiên, việc bỏ qua sự quan tâm và chăm sóc, tình yêu thương đối với đứa con lớn có thể gây ra ảnh hưởng xấu đến tâm lý và hành vi của trẻ. Đứa con lớn cũng cần sự quan tâm và sự hỗ trợ của bố mẹ trong quá trình lớn lên. Nếu bị bố mẹ "phớt lờ", trẻ có thể cảm thấy bị tổn thương, thiếu tự tin và đánh mất niềm tin vào bố mẹ. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý và hành vi như cô đơn, áp lực, tâm trạng căng thẳng và khó khăn trong quá trình xây dựng mối quan hệ.
Do đó, việc bố mẹ dành sự quan tâm, tình yêu thương đồng đều giữa những đứa con là rất quan trọng trong quá trình nuôi dạy con cái. Bố mẹ cần chú ý đến nhu cầu và mong muốn của các con, thường xuyên tạo ra sự kết nối và trao đổi với con. Bố mẹ cũng nên cung cấp cho con sự hỗ trợ, động viên và khuyến khích để giúp con ngày càng tự tin và phát triển một cách toàn diện trong suốt quá trình khôn lớn.