Nhiều người nhận xét: Có một người mẹ như vậy, đứa trẻ tương lai sẽ khó nên người.
Trẻ nhỏ không tránh được việc phạm phải những sai lầm khi ở nhà và nơi công cộng nhưng điều quan trọng hơn hết là cách ứng xử của mẹ chính là tấm gương cho trẻ noi theo.
Một câu chuyện đang được lan truyền mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc cho thấy được giáo dục trẻ là quan trọng nhưng làm gương cho con thế nào đúng còn quan trọng hơn đối với các bậc phụ huynh.
Theo đó, một cậu bé cùng mẹ đi siêu thị. Tuy nhiên không biết vì lý do gì mà cậu bé ném rất nhiều sản phẩm của siêu thị xuống dưới sàn. Khi được nhân viên siêu thị nhắc nhở, người mẹ đã tức giận ngay tại chỗ và gào lên "Thứ nhất, con tôi làm sai điều gì? Thứ hai tôi đã nói chuyện với con tôi rồi". Bà còn nói thêm "Chị cứ để thằng bé chơi, nếu nó ăn món gì tôi trả tiền món đó".
Một người phụ nữ đứng gần đó nghe quá bất bình liền lên tiếng "Chị là người lớn mà ăn nói vậy sao, làm sao mà dạy được con". Người mẹ này lập tức cãi nhau với những người xung quanh "Tôi tự biết dạy con mình, nếu nó làm hỏng thứ gì tôi sẽ bồi thường".
Đứng trước người mẹ nóng tính và vô lý như thế, nhân viên siêu thị không nói gì nữa mà tự nhặt sản phẩm và đặt lại vào kệ hàng. Người mẹ cũng không có ý xem con trai mình có làm hư hại sản phẩm nào không để bồi thường.
Sau khi đoạn video được chia sẻ, cư dân mạng liên tục chỉ trích người mẹ:
"Siêu thị đâu có phải là sân chơi cho con của chị. Chơi xong rồi lại còn không đặt chúng lại vị trí cũ. Bạn muốn nhân viên siêu thị phải chịu trách nhiệm về hành vi của con chị và bị phạt ư?"
"Những người cha mẹ như thế này là khó chịu nhất, không quan tâm đến giáo dục con cái và cũng không làm gương cho con cái sẽ có người khác dạy dỗ con".
"Thật là vô lý. Sở dĩ hiện nay có nhiều đứa trẻ hư hỏng là có những người mẹ như thế này đây, là có những người mẹ luôn đứng phía sau ủng hộ tất cả những việc làm sai trái của chúng".
"Muốn mua thì phải trả riền còn việc lấy ra mà chơi là không thể chấp nhận được. Trẻ cần phải được giáo dục tốt và thiết lập quan điểm sống đúng đắn từ cha mẹ".
"Khi con làm sai cần phải chịu trách nhiệm với việc làm sai của mình chứ không phải bố mẹ nên lấp liếm hộ con. Như thế tương lai đứa trẻ sẽ lại càng hư hỏng".
Trên thực tế hành vi ném hết đồ đạc của trẻ ở quầy siêu thị có thể bắt nguồn từ việc trẻ không hài lòng về một vấn đề gì đó nên cố tình trút bỏ cảm xúc tức giận. Và việc trẻ giải tỏa cảm xúc tức giận của mình là một điều cần thiết nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc con có thể làm bất kì chuyện sai trái nào giống như việc vứt bỏ các món đồ ra khắp sàn.
Cha mẹ cần giúp con hiểu rằng mình nên có trách nhiệm với hành vi của mình bằng cách kiên trì giải thích và yêu cầu trẻ chịu trách nhiệm chứ không phải giúp con trốn tránh trách nhiệm của mình.
Điều đó có nghĩa là hãy giúp con bình tĩnh lại để đối phó với những vấn đề đã xảy ra trước đó và dạy con kỹ năng giải quyết vấn đề mà mình đã gây nên. Cụ thể:
Giữ bình tĩnh
Đầu tiên và quan trọng nhất, bố và mẹ nên giữ bình tĩnh trong tình huống này. Tránh tức giận, hằn học và trừng phạt con quá mức. Sự bình tĩnh sẽ giúp tạo ra một môi trường an toàn và cho phép con cảm thấy thoải mái để thảo luận về lỗi lầm và rút ra được bài học từ đó.
Lắng nghe và thảo luận
Hãy lắng nghe con và cho phép con diễn đạt quan điểm và cảm xúc của mình. Thảo luận một cách lịch sự và tôn trọng, giúp con hiểu rõ hơn về hậu quả của hành động của mình và tìm cách khắc phục.
Chia sẻ cho con những việc làm đúng và hậu quả của việc làm sai
Hãy sử dụng tình huống này để truyền đạt giá trị và hướng dẫn cho con. Giải thích tại sao hành động của con là sai và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc học từ sai lầm. Đồng thời, cung cấp các gợi ý và cách làm khác để con có thể tránh lỗi trong tương lai.
Đưa ra hậu quả có thể giúp con hiểu rõ hơn về hành vi không đúng và học cách đảo ngược hoặc sửa chữa nó. Tuy nhiên, hậu quả không nên quá nặng nề. Nó nên có mục đích giáo dục và khuyến khích sự phát triển tích cực của con.
Khuyến khích tự nhận lỗi và sửa chữa
Khuyến khích con chịu trách nhiệm cho hành động của mình và đưa ra lời xin lỗi nếu cần thiết. Hãy khích lệ con học cách sửa chữa và làm tốt hơn trong tương lai. Đồng thời, tạo điều kiện cho con cảm nhận rằng lỗi lầm là một phần của quá trình học và không có gì xấu hổ trong việc mắc sai.
Làm gương cho con
Điều quan trọng là bố và mẹ phải làm gương cho con. Hãy cho con thấy rằng cả bố và mẹ cũng có thể mắc lỗi và rút ra được bài học từ đó. Điều này giúp con nhận ra rằng lỗi lầm là một phần tự nhiên của cuộc sống và quan trọng là cách chúng ta xử lý nó.
Hãy tạo một môi trường hỗ trợ cho con, nơi con cảm thấy an toàn để thảo luận về lỗi lầm và nhận được sự giúp đỡ. Hãy khích lệ con hỏi câu hỏi, tìm kiếm sự hỗ trợ và hướng dẫn khi cần thiết.