Lắp camera giám sát tôi phát hiện những lời con nói hoàn toàn đúng, ấy thế nhưng khi nghe người giúp việc nói, tôi lại thấy "bùi tai".
Vợ chồng tôi năm nay cũng đã đều ngoài 40 tuổi, có 2 cháu, một bé 6 tuổi và một bé 3 tuổi, cả 4 người sống trong căn chung cư hơn 150m2. Các con đều còn nhỏ, vợ chồng lại bận công bận việc nên việc nhà cửa và con cái không lo được chu toàn. Chính vì thế ngay từ lúc mới sinh thêm con thứ 2 qua trung tâm môi giới, tôi thuê được một người giúp việc ngoài 60 tuổi nhưng đã có kinh nghiệm 5 năm làm nghề này.
Khi bà đến nhà thử việc tôi cũng có cảm tình ngay từ đầu, là con người gọn gàng, sạch sẽ, yêu trẻ và vô cùng khéo léo. Bởi vậy sau 1 tháng thử việc, tôi chính thức trả bà lương 8 triệu đồng/ tháng, nhưng thực tế thì sau đó tháng nào cũng thưởng và tặng thêm 1-2 triệu đồng nữa vì lễ Tết hoặc mỗi lần bà về quê. Từ khi có bà vú này, chuyện con cái cơm nước của tôi nhàn hẳn. Chỉ phải lo công việc ở cơ quan, về nhà đều có bà làm tất thảy.
Bình thường mỗi ngày, bà sẽ lo bữa sáng gia đình, cho hai đứa nhỏ đi học và chuẩn bị bữa tối, đón các cháu về. Bà làm việc nhanh nhẹn đâu ra đấy nên tôi vô cùng ưng, những tháng phải trả 10 triệu cũng cảm thấy hài lòng.
Ảnh minh họa
Thế nhưng dạo gần đây bắt đầu có những lời ra tiếng vào không hài lòng về bà đến từ cậu con trai 6 tuổi của tôi. Nó nói bà dạo này lười hơn trước và biến nó trở thành tay sai vặt trong nhà:
- Những lúc mẹ không ở nhà bà như một người khác luôn, bà sai con làm việc nhà, cắm cơm, nhặt rau cho bà. Thậm chí còn bắt con bê chậu quần áo nặng như thế kia để cho vào máy. Chẳng biết bà là giúp việc hay con mới là giúp việc của nhà mình nữa.
Thoạt đầu tôi cũng không tin thằng con trai tôi nói cho lắm, vả lại cũng nghĩ nó lớn rồi làm một chút việc nhà cũng không sao, miễn là vừa sức với nó là được rồi. Thế nhưng lâu dần, nó than lắm làm tôi cũng tò mò xem thực hư như thế nào vì lỡ ngoài những việc đó bà còn làm việc gì đó khác kinh khủng hơn.
Tôi bật chiếc camera ở phòng khách lên vì lắp từ lâu rồi nhưng thực tế là không cần dùng tới. Trong lúc làm việc ở cơ quan, tôi phát hiện ra quả thật những lúc tôi vắng nhà bà giúp việc này cũng hay sai vặt thằng con trai tôi thật. Nhiều lúc thấy bà ngồi trên ghế chơi, bấm điện thoại nhưng bắt thằng bé đi lau nước sàn nhà hay lau bàn, lau ghế. Thậm chí bữa cơm chiều cũng bắt thằng bé lao vào vo gạo, nhặt rau cùng. Tôi cũng không quá cảm thấy khó chịu nhưng khá lạ với hành động bắt con chủ làm việc nhà của bà nên tối đó quyết định hỏi bà trong bữa cơm chiều.
- Dạo gần đây thằng bé hay than phiền với cháu về việc bà hay bắt nó làm việc nhà. Có đúng không vậy bà?
Bà cũng nhận luôn:
- Đúng rồi đấy, tôi thỉnh thoảng có nhờ nó làm một số công việc nhà.
Ảnh minh họa
Bà vừa mới nói tới đấy, thằng con trai tôi đã gào lên:
- Mẹ thấy chưa, con đã bảo rồi mà. Bà cứ bắt con làm việc nhà thôi, con mệt chết đi được, không có thời gian học gì cả.
- Con trật tự để mẹ nói chuyện với bà.
Sau đó tôi quay sang hỏi chuyện bà một cách nhẹ nhàng vì tôi tin rằng ở lứa tuổi của bà mà với kinh nghiệm làm việc lâu năm, chắc chắn bà làm đều có lý do. Cuối cùng bà cũng nói với tôi:
- Vì thực tế bà thấy rằng thằng bé không hề chăm chỉ học hành như cháu vẫn tưởng đâu. Mỗi ngày không phải đi học mà ở nhà, thằng bé không chịu học dù bà đã nhắc nhở rồi. Do đó việc nhẹ không muốn thì bà muốn nó làm việc nặng để thấy rằng học sướng hơn hay làm việc sướng hơn. Ngoài ra bà tin rằng ở cái tuổi của nó, một số công việc nhà đơn giản là điều cần thiết phải tham gia. Bà là người lớn, bà sẵn sàng có thể làm việc đó, thậm chí bà biết bà được trả lương để làm việc đó nhưng bà muốn vừa chăm sóc vừa giúp cháu dạy dỗ con trai nên mới thúc đẩy thằng bé làm các công việc nhà. Nếu cháu không đồng ý với quan điểm của bà thì từ hôm sau, bà sẽ làm tất cả mọi việc như trước kia.
Tôi nghe bà nói quá có lý, tâm phục khẩu phục cách dạy trẻ của bà nên quyết định tăng thêm mức lương cho bà 2 triệu và nhờ bà vừa chăm sóc vừa áp dụng dạy dỗ thằng con trai của mình. Sau này tôi mới biết, bà có 2 người con và hiện đều đang là tiến sĩ du học ở nước ngoài, thành đạt. Với lối giáo dục như thế của bà, bảo sao các con bà đều thành công.
Tâm sự từ độc giả vanvy...
Thời nay, không ít bậc phụ huynh với suy nghĩ thương con, sợ con vất vả mà không bao giờ dám để con đụng vào công việc trong nhà. Chuyện những đứa trẻ to xác, cao lêu nghêu vượt cả bố mẹ mà hàng sáng vẫn phải có người lo cho từ cốc sữa đến đôi dép đi vào chân, không biết tự cắm nồi cơm hay rán một quả trứng là chuyện không hề hiếm.
Rèn cho bé kĩ năng làm việc nhà từ nhỏ là việc làm vô cùng cần thiết và quan trọng đối với sự phát triển của con. Uốn nắn bé ngay từ khi học mẫu giáo sẽ hiệu quả và kịp thời hơn là đợi đến khi bé lớn.
Cha mẹ đừng lo con sớm phải khổ sở, lại không thạo việc dẫn đến lóng ngóng, làm cái này hỏng cái kia mà không giao việc nhà cho bé. Chính từ những lần nhặt rau quét nhà vụng về, bé hình thành được tính kỉ luật, trách nhiệm, lòng cảm thông cho sự vất vả của bố mẹ và nhiều thói quen, kĩ năng sống rất tốt khác.
Dưới đây là những công việc nhà thích hợp với từng độ tuổi của các bé mẫu giáo, bố mẹ có thể dựa vào danh sách này để mạnh dạn giao việc nhà cho con.
Trẻ 3-4 tuổi
Chuẩn bị chăn gối đi ngủ
Giúp bố mẹ mắc màn, gài màn để đi ngủ
Cất đồ chơi sau khi chơi xong
Cất sách báo đúng nơi quy định
Cho quần áo bẩn vào giỏ (đối với những nhà có giỏ đựng quần áo bẩn trước khi đem vào máy giặt)
Cất quần áo sạch vào tủ
Giúp bố mẹ lau những vết bẩn, vụn thức ăn rơi vãi
Quét nhà (mẹ nhớ sắm cho bé chiếc chổi nhỏ xinh vừa vặn với tay bé)
Trẻ 4-5 tuổi
Các công việc trên
Đổ rác (với những thùng rác nhỏ, chứa ít đồ)
Giúp bố mẹ dọn cơm (lấy mâm, đũa, xếp bát,...)
Cho thú nuôi (chó, mèo, cá,...) ăn
Đi về nhà cất giày dép đúng nơi quy định
Gấp chăn màn gọn gàng sau khi ngủ dậy
Giúp bố mẹ chăm em: hát, kể chuyện cho em nghe, lấy đồ chơi cho em,...
Giúp bố mẹ nhặt rau, bóc hành tỏi, lấy thìa đũa giúp mẹ lúc nấu nướng
Vò khăn mặt sạch sẽ và vắt lên dây
Nghe điện thoại theo sự chỉ dẫn của bố mẹ
Lau bàn ghế sau khi ăn
Trẻ 5-6 tuổi
Các công việc trên
Gấp quần áo khô và cho vào tủ
Quét nhà, quét sân
Tưới cây
Nhặt cỏ trong bồn cây
Dọn dẹp góc học tập