Chuyện này với tôi còn lớn hơn chuyện chồng ngoại tình.
Mấy ngày hôm nay đúng là tôi xem phim nhiều nên bị ám ảnh. Vậy nhưng cũng nhờ phim mà tôi lại phát hiện ra một sự thật quan trọng trong gia đình mình.
Chẳng là thời gian gần đây công việc cũng rảnh rang nên tôi có theo dõi một bộ phim buổi tối giờ vàng trên VTV. Câu chuyện của chàng trai trẻ có vợ đẹp con ngoan nhưng vẫn ngoại tình rồi đánh mất tất cả khi bị phát hiện. Nghĩ đến chồng mình tôi tự dưng lại thấy chột dạ vì thấy anh có nhiều biểu hiện giống chàng trai trong phim này.
Chồng tôi dạo này sáng nào đi làm cũng chải chuốt bảnh bao, quần áo xịt nước hoa thơm phức. Chiếc áo sơ mi mà bị nhăn chút là bắt tôi là lượt lại cho thật phẳng. Không chỉ vậy còn thường xuyên báo bận cơm tối, cuối tuần cũng nói đi gặp khách hàng. Tôi hỏi thì anh chối bay chối biến rằng công việc cuối năm bận rộn hơn nên muốn "bánh chưng có thịt" thì đành phải cố gắng và chỉn chu trong tất cả mọi công việc.
Ảnh minh họa
Học theo nữ chính của bộ phim, tôi báo chồng cuối tuần phải đi công tác đột xuất không có ở nhà 2 ngày. Thế nhưng thực ra tôi không đi đâu cả mà âm thầm trở về nhà và trốn trong tủ quần áo phòng ngủ của hai vợ chồng để xem anh có dẫn ai về nhà hay không. Đứng trong tủ quần áo suốt vài tiếng đồng hồ cũng ngột ngạt, khi sắp không thể chịu nổi tôi bắt đầu thấy có tiếng người mở cửa nhà nhưng không có tiếng nói nào cả.
Tôi cũng nín thở chờ đợi, vừa mong bắt gian được chồng nhưng vừa mong điều đó không xảy ra. Thì ra người này đến phòng ngủ của vợ chồng tôi thật và bắt đầu mở cửa. Bao nhiêu cảnh tượng chồng tay trong tay với một người con gái khác xuất hiện trong đầu nhưng khi nhìn thấy mặt của người bước vào phòng thì tôi đã hụt hẫng. Người vào phòng không phải là chồng tôi mà lại là cậu con trai. Đang tính mở cửa tủ bước ra thì tôi chợt thấy gương mặt thằng bé lúc này có chút khác thường, nó không được tự nhiên cho lắm mà dáng vẻ cứ thậm thụt. Tôi quyết định ở lâu trong tủ xem thằng bé định làm gì.
Tôi thấy nó tiến tới tủ đựng đồ của bố mẹ và bắt đầu lục lọi, thậm chí còn mò mẫm mật khẩu két sắt của bố mẹ. Tôi đã hiểu ra mọi việc. Khi đứa trẻ chuẩn bị tiến tới chiếc tủ quần áo, tôi mở cửa bước ra khiến nó cũng hồn bay phách lạc.
- Sao mẹ lại ở trong này?
- Con bất ngờ hả, con làm gì trong phòng bố mẹ mà lại lén lút thế này?
- Con... con... con thấy bố bảo mẹ đi công tác mà, sao mẹ lại ở đây.
- Mẹ không ở đây thì làm sao biết được con có những hành động này sau lưng mẹ. Con đang định tìm thứ gì trong phòng bố mẹ hay ăn trộm tiền ư? Con cần tiền để làm gì, hàng tháng mẹ vẫn cho con tiền chi tiêu sinh hoạt mà.
Ảnh minh họa
- Con không trộm tiền, con chỉ định mượn mẹ ít tiền, khi nào mẹ đi công tác về thì con trả.
- Có thật là vậy không, nhưng hành động của con đã không nói lên điều đó. Tối nay mẹ sẽ nói chuyện với bố con và chúng ta cũng cần phải nói chuyện với nhau. Mẹ không nghĩ con thiếu tiền tiêu vặt.
Sau khi bị bố mẹ hỏi cung 1 hồi, đứa trẻ thú nhận việc tham gia chơi game qua mạng và thua mất vài triệu. Dù gom góp tiền tiêu vặt hàng tháng cũng không đủ trả nợ nên đã nghĩ đến chuyện ăn trộm tiền của bố mẹ. Tôi thật thất vọng vì đứa con của mình. Dù sao việc trốn trong tủ chưa biết có bắt được chồng ngoại tình hay không nhưng đã giúp tôi hiểu hơn về con trai của mình, bằng không nếu để chuyện này qua đi mà tôi không hề hay biết thì liệu chuyện gì sẽ xảy ra thêm.
Tâm sự từ độc giả minhvan...
Cũng theo các chuyên gia, trẻ em không có khái niệm “ăn cắp tiền” ở trong đầu, mà nhu cầu lấy tiền của các bé bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Nói cách khác, khi nhìn thấy thứ mình thích, trẻ sẽ luôn cố gắng hết sức để có cho bằng được. Từ đó, thúc đẩy hành vi lén lấy tiền của cha mẹ và bị hiểu nhầm là “ăn trộm”. Vì vậy, thay vì khiển trách con cái nặng nề, trước tiên cha mẹ nên tìm hiểm lý do trẻ lấy tiền, và vội gán cho con cái mác “kẻ cắp”. Sau đó thì:
Nếu con muốn gì thì hãy nói với bố mẹ
Việc con bạn ham thích những thứ hấp dẫn như đồ chơi, đồ ăn, đồ vật,… là điều hết sức bình thường. Và khi con phát hiện ra tiền có thể giúp con có được thứ mình muốn thì bé sẽ không thể cưỡng lại được nhu cầu lấy tiền của cha mẹ. Để tránh tình huống xấu xảy ra, thỉnh thoảng cha mẹ nên trò chuyện cùng con: “Con thích thứ gì thì có thể nói bố mẹ mua cho. Nếu bố mẹ đồng ý, con phải cảm ơn bố mẹ. Nếu bố mẹ không đồng ý thì sẽ nói cho con rõ lý do vì sao, và con có thể tự tiết kiệm tiền tiêu vặt để mua nó”.
Đây là phương pháp để con biết bản thân cần phải làm gì khi muốn có một thứ gì đó. Và cha mẹ cần hiểu rằng, nếu bạn phớt lờ nhu cầu của con, tự nhiên trẻ sẽ dùng mọi cách để đạt được mục đích, và thói quen ăn cắp sẽ hình thành đầu tiên.
Làm gương cho con
Muốn con không hình thành thói quen ăn cắp tiền, chính cha mẹ phải là tấm gương sáng để con học theo. Ngoài chuyện tiền bạc nên được cất trong tủ kỹ càng ra, thì trước mặt trẻ, bạn cũng không nên tiêu xài phung phí, thích gì mua nấy. Cũng không nên dùng tiền để dỗ dành hay làm phần thưởng cho con.
Cha mẹ hoàn toàn có thể thưởng cho con một cái ôm thật chặt, một buổi đi chơi dã ngoại, một chuyến đi đến nhà sách,… Làm như thế thì trẻ sẽ hiểu rằng cha mẹ là quan trọng nhất, chứ không phải tiền.