Bà mẹ thót tim với trò nghịch ngợm của cậu con trai 5 tuổi.
Vừa mới đây trên hội nhóm nuôi dạy con, một bà mẹ tên Đổng Nguyệt (Trung Quốc) chia sẻ lại trải nghiệm đáng sợ của mình trong lúc ở nhà với cậu con trai 5 tuổi, nhắc nhở các bậc bố mẹ có thể lấy đó làm bài học và rút kinh nghiệm cho chính bản thân.
Cụ thể Đổng Nguyệt kể rằng, cách đây vài ngày bảo mẫu của gia đình xin nghỉ việc nên cô ở nhà trông con. Vì nghĩ đứa trẻ cũng lớn rồi nên không nhất thiết phải có mẹ ở bên 24/24, thế nhưng chỉ trong vài giây ngắn ngủi không để mắt đến thằng bé, một tai nạn đã bất ngờ ập đến khiến chị sợ xanh mặt.
Đổng Nguyệt cho biết, buổi trưa sau khi đón con trai đi học về thì chị vào phòng thay đồ, có cầm điện thoại lên ngồi lướt một chút. Tuy nhiên chỉ vào giây sau đó chị nghe tiếng động rất lớn ở phòng khách, vội vàng chạy ra kiểm tra thì thấy con trai sợ hãi khóc lớn, chị hoảng hốt đến mức ngã quỵ xuống và ngay lập tức ôm đứa trẻ vào lòng để trấn an.
Sau khi dỗ thằng bé bình tĩnh, nhìn chiếc bàn gỗ kính mới mua đổ sụp xuống, mảnh vỡ văng tứ tung, chị liền hỏi con trai chuyện gì đã xảy ra. Nhóc tỳ sợ mẹ mắng nhưng cũng thành thật nhận lỗi, kể rằng vừa đi học về thì thấy mẹ mua một chiếc bàn mới trông rất lạ mắt. Tiểu Phi bắt đầu cảm thấy hứng thú với nó, trong đầu lúc này cũng bỗng tràn ngập các loại động tác vũ đạo từng thấy trên tivi. Vì vậy, không do dự cậu bé đã cởi giày, trèo lên bàn đứng và bắt chước các động tác nhảy múa, lắc lư.
Tuy nhiên không chịu được áp lực lớn nên vài giây sau đó, chiếc bàn liền đổ sụp xuống. Nhưng cũng rất may là Tiểu Phi không bị ngã hay bị thương gì, cậu bé chỉ có chút hoảng loạn và sợ hãi nên đã khóc thét lên.
"Trải nghiệm thót tim" này khi ở nhà cùng con đã khiến chị Đổng Nguyệt rút ra nhiều bài học. Đặc biệt là trong việc giáo dục cho con hiểu về những trò nghịch nguy hiểm tuyệt đối không nên được thực hiện, đồng thời để con tránh xa các đồ dùng, vật dụng dễ gây tai nạn trong nhà. Một vấn đề cũng quan trọng không kém đó chính là bố mẹ nên để mắt đến con nhỏ thường xuyên, bởi chỉ cần lơ là một phút thì có thể bố mẹ sẽ phải hối hận suốt đời.
Vậy trong tình huống bố mẹ trông thấy trò nghịch ngợm nguy hiểm của con thì nên làm gì?
- Ngăn chặn ngay lập tức: Nếu bố mẹ nhìn thấy con đang thực hiện hành động nguy hiểm, có thể gây thương tích, hãy can thiệp ngay lập tức. Ví dụ, nếu con đang cố leo lên bục cao, hãy đặt một rào chắn hoặc giữ chặt con để đảm bảo an toàn.
- Đưa con ra khỏi tình huống nguy hiểm: Nếu con đang ở trong một môi trường nguy hiểm, hãy đưa con ra khỏi đó một cách nhanh nhất có thể. Ví dụ, con đang chơi gần một vật sắc nhọn, con đang chơi gần hồ nước, đám lửa,...
- Cung cấp sự giám sát và hướng dẫn: Đảm bảo con được giám sát chặt chẽ và cung cấp hướng dẫn rõ ràng về hành vi an toàn. Nếu con đang có xu hướng thực hiện những trò chơi nguy hiểm, bố mẹ tuyệt đối đừng chủ quan mà hãy ngăn chặn và giải thích cho con để đứa trẻ không lặp lại vào lần sau.
- Tạo môi trường an toàn: Đặt sự quan tâm hàng đầu đến môi trường sống và vui chơi của con. Xác định và loại bỏ những nguy cơ tiềm ẩn, chẳng hạn như vật phẩm sắc nhọn, hóa chất độc, ổ cắm không che chắn, và bảo vệ các khu vực nguy hiểm như bếp, phòng tắm, hồ bơi,...
- Học kỹ năng sơ cứu: Mỗi bậc bố mẹ cần trang bị cho mình những kỹ năng sơ cứu cơ bản để có thể kịp thời xử lý trong tình huống khẩn cấp. Điều này có thể giúp giảm thiểu hậu quả nghiêm trọng xảy đến với con trẻ vì không được hỗ trợ phù hợp trước khi đưa đến bệnh viện.
Đâu là những dấu hiệu để bố mẹ nhận biết con cần được đưa đến bệnh viện kiểm tra sau khi trải qua tình huống đùa nghịch nguy hiểm?
- Sự thay đổi trong hành vi: Nếu con thay đổi đáng kể trong cách hành xử, như trở nên lơ mơ, khó chịu, hay không tương tác như bình thường, có thể đó là một dấu hiệu của vấn đề sức khỏe đang gặp vấn đề sau tình huống va đập, té ngã nào đó trong quá trình nghịch ngợm.
- Đau nhức hoặc khó thở: Nếu con than thở về một cơn đau nào đó, hoặc cảm thấy bị khó thở sau tình huống chơi đùa nguy hiểm, điều này có thể chỉ ra một chấn thương nghiêm trọng hoặc hệ hô hấp bị ảnh hưởng cần được bố mẹ đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
- Sưng hoặc tổn thương trên cơ thể: Nếu con có những vết sưng, bầm tím, tổn thương lớn trên cơ thể, đặc biệt là ở các vùng quan trọng như đầu, mắt, hoặc xương, cần đưa con đến bệnh viện để kiểm tra và xử lý kịp thời.
- Mất ý thức hoặc co giật: Nếu con mất ý thức trong thời gian ngắn sau tình huống nguy hiểm hoặc rơi vào trạng thái co giật, đây có thể là dấu hiệu của chấn thương sọ não và cần yêu cầu sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
- Nôn mửa hoặc buồn nôn: Nếu con nôn mửa hoặc buồn nôn sau tình huống nguy hiểm, đây cũng là một tín hiệu nghiêm trọng của việc trẻ đang gặp chấn thương.
- Sự thay đổi trong màu da: Nếu trẻ có màu da xanh xao, nhợt nhạt hoặc có dấu hiệu khác biệt so với bình thường, điều này có thể chỉ ra tình trạng suy kiệt hoặc thiếu oxy mà con đang gặp phải.
- Khó ngủ hoặc thức dậy nhiều lần trong đêm: Nếu con gặp khó khăn trong việc ngủ nghỉ, thường thức dậy nhiều lần trong đêm sau khi trải qua tình huống nghịch ngợm nguy hiểm thì đây cũng là một dấu hiệu của sự bất ổn về sức khỏe.
Nếu bố mẹ phát hiện bất kỳ dấu hiệu lo ngại nào sau khi con trải qua tình huống vui chơi, đùa nghịch nguy hiểm, bố mẹ cần quan sát con và nếu cần thiết thì phải liên hệ với bác sĩ hoặc đưa con đến bệnh viện để được kiểm tra và chăm sóc y tế chuyên nghiệp. Việc đưa trẻ kịp thời đến bệnh viện có thể đảm bảo rằng, bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào của con cũng sẽ được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt.