Cộng đồng mạng cho rằng, có lẽ đứa trẻ đã quá quen với cảnh tượng này.
Hạnh phúc và sự phát triển toàn diện của con cái phần lớn phụ thuộc vào "cái nôi" gia đình, nơi nuôi dưỡng đứa trẻ mỗi ngày. Một sự thật ai cũng biết là khi bố mẹ hoà thuận, cùng đồng hành giáo dục con thì sẽ nuôi dạy con hiệu quả hơn so với bố mẹ bất hoà. Thậm chí, điều đáng sợ lớn nhất là bố mẹ để đứa trẻ của mình chứng kiến cảnh bạo lực gia đình.
Trên mạng xã hội mới đây đã chia sẻ rầm rộ đoạn video quay lại cảnh bạo lực ở một gia đình tại Hà Giang. Theo như diễn biến trong camera, người vợ bị chồng đánh đập thô bạo trên giường. Sau khi video được lan truyền, cộng đồng mạng đã ngay lập tức dậy sóng, phẫn nộ trước hành vi bạo lực của người chồng.
Không biết nguồn cơn do đâu, ai đúng ai sai nhưng là đàn ông, lại còn trong vai trò là một người chồng, người bố mà lại dở thói côn đồ, vũ phu đánh vợ là điều mà không ai có thể chấp nhận được dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Bị chồng đánh, tát với lực rất mạnh vào mặt và đầu, thế nhưng người vợ trong video vẫn không phản kháng, chỉ cố co rúm người và dùng tay né tránh.
Điều khiến nhiều người càng hoang mang, lo lắng hơn là trước cảnh tượng bố đánh mẹ, cậu con trai nhỏ nằm cạnh vẫn say sưa xem điện thoại mà không hề có chút sợ hãi hay khóc lóc gì giống như phản ứng tâm lý bình thường của đa số trẻ em khác khi chứng kiến sự việc này.
Nguồn: VTC News.
Nhìn vẻ bình thản của cậu nhóc, không ít bậc phụ huynh đoán rằng, có lẽ đứa trẻ đã quá quen với hình ảnh như vậy mỗi ngày nên không còn mấy ngạc nhiên nữa. Hiện vụ việc vẫn chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt". Rất nhiều người khuyên người vợ trong video nên trình báo bị chồng bạo lực lên công an để họ có cách giải quyết phù hợp.
Đồng thời, nếu muốn tốt cho con trai thì nên tách đứa trẻ ra khỏi ông bố "ưa đánh đấm" này, kẻo về lâu về dài lỡ chẳng may xảy ra chuyện tệ hại hơn thì chắc chắn gia đình sẽ phải hối hận.
Qua câu chuyện này có thể thấy, mặc dù cuộc sống ngày càng hiện đại và văn minh, thế nhưng bạo lực gia đình vẫn còn tiếp diễn đâu đó trong nhiều tổ ấm. Nó không chỉ phá vỡ đi hạnh phúc của một gia đình, mà đáng sợ hơn là nó có thể trở thành nỗi ám ảnh, vùng ký ức đen tối và đầy đau thương trong lòng của những đứa trẻ, khiến cho tâm lý con bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí dù có dùng cả tương lai về sau cũng không thể chữa lành.
Đã chọn bước vào hành trình làm bố mẹ, mỗi người cần hiểu rõ điều đó để có thể cho đứa trẻ của mình một gia đình trọn vẹn và hạnh phúc.
Trẻ em chứng kiến bạo lực gia đình cũng chịu ảnh hưởng nặng nề, thậm chí có thể còn nghiêm trọng hơn so với những trẻ trực tiếp bị bạo hành.
Tổn thương tâm lý sâu sắc
Nhìn thấy cha mẹ hoặc người thân yêu gây ra nỗi đau cho nhau, có thể gây ra những sang chấn tâm lý rất lớn cho trẻ em. Trẻ có thể cảm thấy sợ hãi, tổn thương, bất an và mất niềm tin khi chứng kiến những cảnh tượng đáng sợ như tranh cãi, đánh đập, hoặc các hình thức bạo lực khác diễn ra trong gia đình.
Những sang chấn này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tâm lý, cách trẻ nhìn nhận bản thân và thế giới xung quanh. Trẻ em dễ bị tổn thương hơn so với người lớn, các vết thương tinh thần này có thể để lại dấu ấn suốt cả cuộc đời, khiến trẻ gặp khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ lành mạnh và tin tưởng về sau.
Mất an toàn và sự ổn định
Sự xuất hiện thường xuyên của bạo lực trong gia đình khiến trẻ em mất đi cảm giác an toàn và ổn định, điều vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của một đứa trẻ. Gia đình được coi là nơi trú ẩn an toàn nhất, nhưng khi đó trở thành một môi trường đầy đe dọa và bất ổn, trẻ em sẽ cảm thấy hoang mang, lo lắng và không biết nơi nào để tìm sự an toàn.
Tình trạng này có thể kéo dài qua nhiều năm, khiến trẻ luôn sống trong sự căng thẳng và mất niềm tin vào những người thân yêu nhất. Điều này gây ra nhiều hậu quả tiêu cực về mặt tâm lý, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tổng thể của trẻ.
Rối loạn về hành vi
Chứng kiến bạo lực gia đình, trẻ em có thể học tập và bắt chước các hành vi hung bạo, trở nên hung hăng, hay sử dụng bạo lực để giải quyết xung đột. Điều này có thể dẫn đến việc trẻ tự mình trở thành những kẻ bạo lực, gây rắc rối tại gia đình, trường học và cộng đồng.
Ngược lại, một số trẻ em có thể dưới tác động của bạo lực trở nên tự ti, rụt rè, xa lánh mọi người xung quanh. Trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc thiết lập các mối quan hệ lành mạnh và hòa nhập với cộng đồng. Những rối loạn về hành vi này có thể kéo dài sang tuổi trưởng thành nếu không được can thiệp và hỗ trợ kịp thời.
Ảnh hưởng đến sự phát triển
Sự căng thẳng, lo lắng kéo dài do chứng kiến bạo lực gia đình có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển toàn diện của trẻ em, bao gồm cả về mặt thể chất, trí tuệ và xúc cảm. Những tác động này có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe như suy dinh dưỡng, rối loạn giấc ngủ, thậm chí là các bệnh lý nghiêm trọng hơn.
Về mặt trí tuệ, trẻ có thể gặp khó khăn trong học tập, giảm khả năng tập trung và những khó khăn về ghi nhớ. Xúc cảm của trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến các vấn đề về cảm xúc, hành vi như trầm cảm, lo âu hoặc cáu giận dễ bừng phát. Những ảnh hưởng này có thể kéo dài và ảnh hưởng đến suốt quá trình trưởng thành của trẻ.
Nguy cơ lặp lại hành vi
Trẻ em chứng kiến bạo lực gia đình có nguy cơ cao trở thành nạn nhân hoặc thủ phạm của bạo lực sau này khi trưởng thành. Điều này xuất phát từ việc trẻ học tập và nội hóa các mô hình hành vi bạo lực con chứng kiến trong gia đình.
Khi trưởng thành, những trẻ em này có thể trở thành những người tái tạo và lặp lại mô hình bạo lực gia đình, hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực do thiếu các kỹ năng giải quyết xung đột một cách lành mạnh. Tình trạng này có thể kéo dài qua nhiều thế hệ nếu như không được can thiệp kịp thời và hiệu quả. Vì vậy, ngăn chặn bạo lực gia đình không chỉ là bảo vệ trẻ em trong hiện tại, mà còn là cách ngăn ngừa những hậu quả lâu dài cho tương lai.