Tác giả bài thơ "Bắt nạt" kể chuyện làm bố: "Tôi nói với con gái nếu bị bắt nạt con không cần cam chịu"

Chi Chi - Ngày 17/10/2023 09:30 AM (GMT+7)

"Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe, giúp con khi con bị bắt nạt nhưng khi thấy con vẫn xử lí được thì cũng để cho con tự thích nghi, xử lý để có thêm kinh nghiệm, kỹ năng trước cuộc đời." - nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh nói.

Trẻ bị bắt nạt ở trường là nỗi đau không chỉ ở thể xác mà còn là ám ảnh tâm lý suốt cuộc đời của con. Chính vì thế, các bậc cha mẹ cần là người đồng hành và sớm phát hiện ra những nguy cơ này ở con để kịp thời tháo gỡ.

Những ngày qua, bài thơ “Bắt nạt” trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh đã thu hút sự chú ý của dư luận với các hình ảnh ẩn dụ, so sánh khá mới mẻ như “trò chơi ăn mù tạt”, “thử thách nhảy hip hop”. Bài thơ được trích từ tập thơ “Ra vườn nhặt nắng” (Nhà xuất bản Thế giới, Hà Nội, 2017) với nội dung khuyên răn các em học sinh không nên bắt nạt bạn bè và người khác.

Ảnh chụp bài thơ Bắt nạt của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh được đưa vào sách giáo khoa.

Ảnh chụp bài thơ "Bắt nạt" của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh được đưa vào sách giáo khoa.

Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh

Nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh

Bỏ qua những tranh luận nhiều chiều trên mạng xã hội, ít ai biết ngoài đời, tác giả bài thơ, anh Nguyễn Thế Hoàng Linh cũng đang là một ông bố và có nhiều quan điểm dạy con khá cứng rắn trong việc trang bị cho bé các kỹ năng trước tình trạng bạo lực học đường.

Thời điểm anh viết bài thơ "Bắt nạt" là năm 2015, lúc đó tình trạng bạo lực học đường có là vấn đề đáng báo động như hiện nay? 

Bạo lực học đường luôn là vấn đề đáng báo động và đã tồn tại ở nhiều nơi từ rất lâu. Khi môi trường giáo dục không tạo nên được sự yêu thích các môn học, không xây dựng được văn hóa đối xử tốt giữa học sinh, giữa thầy cô sẽ làm bùng phát nhiều vấn đề, trong đó có bắt nạt, bạo lực.

Tôi từng là nạn nhân của “bắt nạt” học đường. Khi tôi học mẫu giáo thì bị bạn cắn sứt tai, học tiểu học thì bị xô đẩy mỗi khi xếp hàng, học cấp 2 thì bị bạn to con hơn trêu chọc hàng ngày... Ngay cả bản thân tôi hồi nhỏ, dù được đánh giá là ngoan hiền, tôi cũng có lúc đã bắt nạt các bạn yếu ớt mà không hề nhận thức được đó là bắt nạt. Bởi vậy, nhận thức được sớm về bắt nạt cũng giúp chúng ta bớt làm sai với người khác.

Bây giờ khi đã làm bố, anh có lo lắng vấn đề bạo lực học đường có thể xảy ra với con mình? 

Dù tôi và vợ cố gắng chọn trường tốt cho con và hỗ trợ con chọn trường con thích nhưng tôi biết ở đâu thì trẻ em cũng sẽ gặp ít nhiều bạo lực học đường, không từ thầy cô thì bạn bè, không từ cá nhân thì hội nhóm, không từ chân tay thì từ lời nói.

Tôi hiểu chất lượng tư tưởng trong xã hội mới là điều tạo nên chất lượng xã hội. Ví dụ như giáo dục bằng bạo lực, chửi mắng “thương cho roi cho vọt” là tư tưởng từng được nhiều người coi là bình thường. Nhưng tư tưởng đó ngày càng không được chấp nhận khiến hành vi bạo lực trong giáo dục dễ bị lên án dữ dội. Chính sự phát triển tư tưởng về quyền bình đẳng, quyền trẻ em đó dẫn tới những sự lên án và điều chỉnh bạo lực, bắt nạt ngay trong giáo viên, gia đình. Và chính điều đó góp nhiều phần làm giảm nguyên nhân bắt nạt trong nhà trường.

Đó là lí do gần 30 năm qua trong nghề viết, tôi luôn cố gắng cống hiến nhiều tác phẩm chứa tư tưởng tốt đẹp, thông thái, hiệu quả. Tập thơ “Ra vườn nhặt nắng” và bài “Bắt nạt” cũng là một phần của tiến trình đó.

Anh chuẩn bị cho con các kỹ năng gì để ứng phó với bạo lực học đường?

Ngay từ khi các con sinh ra, tôi đã hướng cho các con thoải mái vận động cho linh hoạt, cứng cáp rồi hướng dẫn thêm cho con cách vận động qua các trò chơi, cho con đến nhiều sân chơi, cải thiện cho con tính ít giao tiếp bị ảnh hưởng từ mình.

Một đứa trẻ nhanh nhẹn, khỏe mạnh, có bạn bè cũng sẽ đỡ bị bắt nạt hơn. Tôi cũng dạy con cách di chuyển nhanh gọn, xoay người đổi hướng, đỡ, né đòn cơ bản như ôm nhanh lòng bàn tay lên đỉnh đầu hoặc hai bên cạnh đầu, như vậy, mặt sẽ được cánh tay che chắn tốt hơn. Nhưng điều quan trọng hơn là giúp con phát triển văn hóa hòa nhã, nhường nhịn, lịch sự để được người xung quanh yêu mến. Đặc biệt là giúp con phát triển tư duy theo cách cho con vui chơi thoải mái, cố gắng trả lời những câu con hỏi, không áp đặt suy nghĩ.

Tôi chọn cho con sách, video youtube hay, game thông minh để phát triển tư duy, phản xạ của não bộ, tầm nhìn trước sự rộng lớn của thế giới. Từ sự độc lập suy nghĩ ngày càng tốt hơn và những kiến thức bổ trợ có thể nạp hàng ngày, con sẽ biết cách tự tìm ra giải pháp tốt hơn.

Ngay từ khi các con sinh ra, nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh đã chuẩn bị cho con những kiến thức, kỹ năng sống để tránh bị bắt nạt. Ảnh NVCC

Ngay từ khi các con sinh ra, nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh đã chuẩn bị cho con những kiến thức, kỹ năng sống để tránh bị bắt nạt. Ảnh NVCC

Nếu con bị bắt nạt, anh sẽ giải quyết vấn đề đó như thế nào?

Phụ huynh chỉ có thể chuẩn bị cho con phần nào, phần còn lại là sự hình thành phản xạ sống của chính đứa trẻ với nhiều trải nghiệm độc lập. Tuy nhiên, trẻ em vẫn cần nhiều sự hỗ trợ, tôi vẫn luôn cố gắng duy trì trò chuyện, chơi với con và khuyến khích chia sẻ và thường xuyên hỏi các con có bị bắt nạt không, nếu có bố mẹ sẽ giúp.

Khi con bị bắt nạt, bị bạn đánh thì gia đình tôi sẽ phản ánh và trao đổi với giáo viên chủ nhiệm, nếu vấn đề chưa được xử lí thì sẽ làm việc với hiệu trưởng, tiếp đó có thể cho con chuyển trường hoặc nhờ pháp luật can thiệp. Nhưng nếu trong phạm vi con vẫn vui vẻ hàng ngày, kể chuyện các bạn bắt nạt mà không quá lo lắng thì sẽ theo dõi thêm. Trong lúc đó, vừa cập nhật trao đổi với giáo viên, vừa hỏi con tình hình hàng ngày, vừa dạy con thêm phương pháp tự vệ.

Tôi luôn sẵn sàng lắng nghe, giúp con khi con bị bắt nạt nhưng khi thấy con vẫn xử lí được thì cũng để cho con tự thích nghi, xử lí để có thêm kinh nghiệm, kỹ năng trước cuộc đời. Và nhất là khi hướng xử lý đó trang bị cho con thêm kỹ năng không đánh bạn thì đó cũng là sự nhân hậu sẽ giúp con nhiều trên đường đời. Trong trường hợp bạo lực học đường quá mạnh thì tôi sẽ phải nhờ đến công an, báo chí, cộng đồng mạng... Đó là những trang bị dự phòng cần thiết.

Tôi có nói với con gái trong độ tuổi mẫu giáo, nếu bạn đánh con nhiều quá, con thấy phải đánh lại thì con có quyền đánh lại, con không cần cam chịu sắm vai bị bắt nạt, vì "con cũng mạnh mà"... Nhưng tôi vẫn không khuyến khích con đánh nhau, chỉ là âm thầm trang bị thêm cho con kỹ năng của chiến binh như vẫn trang bị cho mình từ nhỏ.

Với những cha mẹ nói bài thơ "Bắt nạt" của anh ngô nghê, không phù hợp đưa vào sách giáo khoa cho trẻ, anh sẽ lý giải như thế nào?

Thơ muốn trẻ em dễ cảm thì nên có giọng điệu của trẻ em, cách ví von kiểu trẻ em, hình ảnh ngộ nghĩnh trẻ em thích. Những cụm từ như “nhảy hip hop”, “trêu mù tạt”, “đừng bắt nạt cái cây”, “bắt nạt dễ lây”, “bắt nạt rất hôi” mà nhiều người cho là bí từ, vô tri lại chính là những từ nhiều trẻ em thích nhất. Năng lực làm thơ cho trẻ em đầu tiên chính là tạo ra được những cụm từ “ngô nghê” vừa là sáng tạo riêng vừa dễ gần với trẻ em như vậy. Chính những từ đó khiến bài thơ có thêm chất siêu hình, siêu thực, đó là thứ mà tôi vẫn luôn tìm cách đưa vào cả những bài thơ ngôn từ đơn sơ nhất để không bài thơ nào thiếu tính nghệ thuật cả.

Để có đủ chất lượng, nghệ thuật thơ ca thì bài thơ còn phải có nhiều nhạc tính, chứa chiều sâu, sáng tạo. Bài “Bắt nạt” đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu đó. Bài thơ rất vần theo cách cơ bản là mỗi khổ thơ có ít nhất 2 dòng vần với nhau, nhiều khổ thơ được nối vần với nhau. Và có nhiều cách kết nối âm thanh khác ví dụ như để nhiều từ có phụ âm đầu giống nhau đứng cạnh nhau, tạo vần ở giữa dòng như “yêu”, “yếu”, “trêu”.

Về chiều sâu, sáng tạo thì bài thơ nén trong đó cả một thế giới với bạn bắt nạt, bạn bị bắt nạt, tác giả (“tớ”), bạn nhút nhát, mèo, chó, cái cây, các nước… Thế giới đó có thể nảy nở sinh động trong tưởng tượng của người đọc với những trò chơi như “ăn mù tạt”, “học hát”, “nhảy hip hop”, sự bắt nạt lẫn nhau của muôn loài và sự “dễ lây” đó khiến nhiều lần cụm từ “đừng bắt nạt” phải bật ra. Bao trùm thế giới ấy là thông điệp và cũng là tư tưởng về tính quân tử và lòng yêu thương muôn loài: “Đừng bắt nạt ai cả”. Thế giới đó không phải là nghệ thuật sao?

Xin cảm ơn nhà thơ về những chia sẻ!

Theo Chi Chi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bạo lực học đường