Đến Thái Nguyên không chỉ có chè mà còn rất nhiều đặc sản thơm ngon khác.
Tôm cuốn Thừa Lâm
Tôm cuốn được biết đến là món ăn lâu đời, độc đáo của người dân thôn Thù Lâm, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Với những nguyên liệu đơn giản, thế nhưng sức hấp dẫn của món ăn này không chỉ được người dân địa phương công nhận mà còn được tổ chức kỷ lục Việt Nam bình chọn là 1 trong 100 món ăn đặc sản tiêu biểu của cả nước.
Để làm món tôm cuốn, phải có các nguyên liệu tôm tươi nhặt rửa sạch rồi xâu vào que tăm để đến khi rán tôm không bị cong. Trứng gà rán, giò nạc và thịt mỡ lợn luộc rồi thái chỉ dài chừng 5 - 6 cm. Củ hành chần qua nước sôi rồi kẹp cùng con tôm rán, ít giò nạc, trứng rán, thịt mỡ luộc và dùng hành cuộn lại. Khi ăn có thể chấm cùng nước mắm chanh tỏi ớt... Khi ăn bạn sẽ cảm thấy thích thú với vị thơm giòn từ tôm chiên, vị thanh từ các loại rau thơm, vị béo từ thịt giò, trứng rán... Đặc biệt, món ăn này rất thích hợp trong những ngày lễ Tết, chống ngán rất tốt.
Bánh chưng Bờ Đậu
Nhắc tới món ngon nổi tiếng của vùng đất Thái Nguyên, bất cứ ai khi tới cũng sẽ nhắc tới món bánh chưng Bờ Đậu. Bởi đây là món ăn đặc sản nổi tiếng nhất của vùng núi rừng này. Được làm từ gạo nếp nương - loại gạo nếp chỉ có ở vùng cao mới cảm nhận được hương vị thơm ngon đặc biệt và thịt lợn sạch do chính người dân nơi đây nuôi trồng.
Chính vì vậy, hương vị của món bánh này cứ ăn là ghiền là nghiện ngay tức khắc. Cũng chính bởi vậy mà món bánh này đã trở thành đặc sản có tiếng của vùng núi đồi Thái Nguyên.
Không phải chỉ dịp tết, bạn mới được thưởng thức món bánh chưng truyền thống. Bởi chỉ cần tới Thái Nguyên, mùa nào trong năm bạn cũng sẽ được ăn món bánh này. Tại đây, bánh chưng Bờ Đậu được bán quanh năm. Đặc biệt, món ăn này đã theo chân du khách tới rất nhiều miền quê trên mọi nẻo đường của tổ quốc. Bởi bất cứ ai đã tới đây du lịch đều mua từ 1-2 cặp bánh chưng mang để mang về làm quà.
Đậu phụ Bình Long
Võ Nhai là một huyện vùng núi của Thái Nguyên, cách thành phố Thái Nguyên chừng 20km về hướng đông bắc. Võ Nhai không chỉ nổi tiếng với Suối Mỏ Gà, Hang Phượng Hoàng và khu di tích khảo cổ Thần Sa với thác mưa rơi mà còn nổi tiếng về món đậu phụ Võ Nhai thơm ngon nổi tiếng.
Nguyên liệu để làm đậu phụ được tuyển chọn kỹ càng và được làm bởi tay của các nghệ nhân làm đậu lâu năm. Người Bình Long có bí quyết làm đậu phụ riêng mà không nơi nào có được.
Điểm đặc biệt của đậu phụ Bình Long đặc sản Thái Nguyên đó là hình dáng bìa đậu. Có lẽ bạn đã quá quen với miếng đậu be bé mà bạn có thể mua được dễ dàng ở chợ. Nhưng khi nhìn thấy đậu phụ Bình Long bạn sẽ phải hoảng hốt về kích thước của chúng. Đậu phụ ở đây người dân bán theo kg (trung bình là 20.000 đồng/kg) Đậu phụ nóng hổi và có thể ăn ngay được. Bìa đậu phụ to bản, không quá cứng mà cũng không quá mềm, khi ăn bạn sẽ cảm thấy vị béo ngậy và hương thơm thoang thoảng. Sẽ rất tuyệt vời nếu bạn ăn ngay và chấm cùng mắm tôm hoặc nước mắm ớt.
Trám đen Hà Châu
Trong các sản vật thiên nhiên ban tặng cho người dân Phú Bình thì trám đen một trong những đặc sản nổi tiếng. Quả trám hình thoi, khi chín có màu đen, cùi trám vàng, nhân bên trong hạt trắng ngần. Theo người dân nơi đây, từ khi trồng trám đến khi cây cho quả phải mất 7 - 8 năm và trong mười cây trám giống thì chỉ có khoảng 3 – 4 cây là trám cái, còn lại là trám đực không có quả.
Người ta có thể dùng trám để chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như xôi trám, trám kho thịt, cá, gỏi trám và đặc biệt là món nham trám đã trở thành đặc sản nổi tiếng, chỉ ăn một lần là nhớ mãi không thôi.
Măng đắng Ngàn Me
Điều kiện thích hợp nên ở Thái Nguyên quanh năm luôn có măng để thưởng thức. Nhưng phổ biến nhất phải kể đến măng đắng Ngàn Me. Thứ măng vừa nhú lên khỏi mặt đất mang lại hương vị khó quên cho ai từng thưởng thức. Măng đắng Ngàn Me có vụ đắng giòn và ngon nhất là vào mùa xuân. Măng đắng có thể luộc chấm muối, măng đắng nấu ốc suối hoặc đem ngâm giấm đều tuyệt vời. Nếu không thích vị đắng của măng bạn có thể ngâm qua nước muối 1 - 2 giờ hoặc chẻ đôi rồi đem luộc sơ nhé.
Măng đắng Ngàn Me có vị đắng, giòn, thơm mùi tre nứa đặc trưng. Người ta có thể luộc măng chấm cùng muối ớt hay mắm tôm đều ngon. Hoặc bạn đã từng thưởng thức món măng đắng ngàn me nấu ốc suối ngon tuyệt chưa, sự hòa quyện giữa măng và ốc ngon đến khó tả, ăn mãi mà không hề thấy chán. Có người lại thích món giấm măng tỏi ớt, sơ chế măng, thái lát rồi ngâm với giấm, tỏi ớt khoảng mươi hôm đến nửa tháng là chúng ta có một lọ giấm thơm ngon. Có rất nhiều thực khách thích vị đắng nguyên bản của măng, nên không chế biến cầu kì, nhằm giữ lại vị đặc trưng nhất. Tuy nhiên, nếu không ăn được vị đắng nhiều, bạn có thể thái măng ngâm nước muối trong 1 - 2 giờ, hoặc chẻ dọc măng và luộc qua.
Theo kinh nghiệm người dân Đồng Hỷ, măng đầu mùa bao giờ cũng ngon hơn cây măng cuối mùa, có lẽ vì mọi dưỡng chất đã dồn cho những cây đầu tiên nên tới cuối mùa năng lượng của nó đã cạn rồi. Mùa măng chính là mùa xuân, mùa của cây cối đâm chồi nảy lộc.