Nếu có dịp ghé Thái Nguyên chơi, chắc chắn người dân địa phương sẽ mời bạn nếm thử món ăn này.
Nhắc tới Thái Nguyên, chắc hẳn nhiều người chỉ đơn giản nghĩ về đặc sản trà nức tiếng. Nhưng bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng có rất nhiều món ăn ngon như xôi, cơm lam, măng nứa, rau bò khai… Trong số những đặc sản dân dã mà ai cũng phải nếm thử khi đến Thái Nguyên chắc chắn phải kể đến món nham trám.
Nham trám là một món ăn được chế biến với nguyên liệu chính là quả trám đen. Không phải cứ đến Thái Nguyên là bạn sẽ được nếm thử món nham trám đúng chuẩn. Muốn được ăn nham trám ngon, đúng vị nhất, bạn phải tới Hà Châu, Phú Bình. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp để cây trám đen phát triển và cho ra những trái trám có vị béo, bùi khác hẳn với những nơi khác. Trám là loại cây cổ thụ, thường ra hoa tháng 2 và được thu hoạch tầm tháng 7, 8 âm lịch. Chính vì lẽ đó món nham trám cũng thường phổ biến nhất vào mùa thu.
Có thể nói hầu hết các hộ gia đình gốc ở Thái Nguyên nói chung và ở Hà Châu nói riêng đều biết làm nham trám, bí quyết để làm món ngon này được mỗi gia đình truyền từ đời này sang đời khác. Ngày nay, để phục vụ nhu cầu thưởng thức đặc sản của địa phương với du khách thì các nhà hàng ở Thái Nguyên và Hà Châu đều có món nham trám trong thực đơn của mình.
Món ăn này được chế biến khá cầu kỳ với rất nhiều nguyên liệu khác nhau. Mỗi loại lại phải được xử lý và sơ chế đúng cách. Trước tiên trám đen phải được ỏm thật ngon. Sau đó người đầu bếp phải làm ruốc cá, sơ chế củ chuối tiêu non, vừng, lạc, thịt ba chỉ nướng than hoa. Ngoài ra phải chuẩn bị khế chua, lá gừng, lá nhội, lá đinh lăng, cùi dừa, tương, dấm thanh… Các nguyên liệu này sẽ được thái thật nhỏ, sau đó trộn với nhau theo tỷ lệ nhất định để có món nham trám thành phẩm.
Ăn ở mỗi nơi mỗi quán sẽ có hương vị khác nhau đôi chút bởi tỉ lệ các nguyên liệu không đồng nhất. Thông thường, món nham trám được làm từ 14 loại thực phẩm, gia vị, trong đó, trám đen ỏm vừa chín tách hạt thái nhỏ, cá cháy bắt từ sông Cầu (hoặc cá mè trắng) rửa sạch lọc thịt, bỏ da, dùng giấy bản thấm kĩ; nếu làm nham cá sống thì thịt cá thái chỉ. Nếu làm nham cá nướng thì cá mang nướng bằng than hoa (nướng 3 lửa, phơi 2 sương)…
Nham trám có vị béo, bùi đặc trưng của trám đen, sự hòa quyện thơm ngon của thịt, cá nướng cùng với vị rau thơm. Nham trám có thể ăn kèm với lá nhội, bánh đa, bánh tráng... đều rất ngon.
Khi thưởng thức, thực khách phải nhai thật chậm, thật kỹ để cảm nhận vị bùi bùi ngầy ngậy của món ăn được kết hợp với rất nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Vị ngon lạ lùng đến từ những nguyên liệu hết sức dân dã khiến cho thực khách có cảm giác khoan khoái khó tả. Đối với du khách thì đây là một món ăn hết sức lạ lùng, còn đối với những người dân xa quê, nham trám là hương vị của ký ức mà chỉ có trở về quê hương mới có thể nếm lại.