Không còn phải nghĩ ngợi trưa nay ăn gì, hay phải đau đầu tính toán xem đặt món gì cho tiết kiệm, tôi cùng đồng nghiệp đã có những bữa trưa vừa đa dạng, vừa ngon lành, sạch sẽ.
“Trưa nay ăn gì” hẳn là câu hỏi thường trực của dân văn phòng. Có người thì đặt thức ăn giao đến, một số khác thì lại nấu sẵn cơm đem theo ăn. Dù thế nào, những bữa cơm trưa cũng dần trở nên nhàm chán. Với hội độc thân thì càng khó hơn nữa vì không biết làm sao để có thể ăn trưa vừa ngon vừa tiết kiệm.
Chị Như (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: “Mình ở một mình thôi và mỗi ngày ăn gì đều khiến mình rất đau đầu. Ví dụ, đi chợ thì phải mua 2-3 lạng thịt người ta mới bán cho, mà mua nhiều như vậy mỗi lần nấu mình phải ăn mấy bữa mới hết. Rất chán! Rau củ cũng vậy, mua ít thì ngại mà mua nhiều thì ăn không hết, để đó lại thối hỏng”.
Chị Thanh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tự nấu cơm mang đi ăn trưa thì đúng là cũng tiết kiệm hơn gọi đồ ăn ngoài, nhưng mà các món sẽ không đa dạng bằng, lại khá tốn thời gian nấu nướng, chuẩn bị. Mình độc thân, sống 1 mình, mỗi bữa phải nấu ít nhất 2 món. Chuẩn bị cơm từ tối hôm trước và phần riêng 1 hộp ra để hôm sau mang đi làm ăn trưa. Như thế thì không phải dậy sớm nấu ăn, nhưng lại phải ăn đồ để qua đêm. Về lâu dài thì mình thấy cũng ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Bạn Nhung (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Mình thuộc team lên app đặt đồ về. Ngày nào cũng đắn đo ngồi chọn lựa mất cả tiếng đồng hồ. Vì đặt cho có 1 mình thôi nên rất khó. Gọi món rẻ thì không đủ đơn để áp mã freeship, gọi món đắt thì… tốn tiền. Nên mỗi bữa trưa của mình tính ra trung bình phải 6-70.000 đồng/bữa, có những hôm ăn "sang" thì lên tới hơn 100.000 đồng. Mỗi tháng mình tốn gần 2 triệu chỉ riêng tiền ăn trưa”.
Bạn Tiên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Mình và các chị đồng nghiệp lại học theo tip trên mạng, đó là cùng “góp gạo thổi cơm chung”. Mỗi người sẽ nấu 1 món mang đến chỗ làm. Giờ ăn trưa tất cả sẽ bày các món ra. Thế là vừa được ăn nhiều món, lại hết sức tiết kiệm luôn. Nhóm của mình lúc đầu chỉ có 4 chị em thôi, sau có các chị khác thấy cũng hay và hợp lý nên tham gia cùng, giờ nhóm ăn trưa đã lên đến 7 người rồi!”.
Chị Ngọc (Ba Đình, Hà Nội) cũng đồng tình với Tiên: “Mình và đồng nghiệp cũng đã “góp gạo” được 4 tháng nay. Tính ra mỗi tháng mình tiết kiệm được gần 1 triệu đồng nhờ ăn kiểu gia đình cùng đồng nghiệp. Thay vì mỗi ngày đi chợ cho 2-3 món, mất công nấu nướng, thì giờ mình chỉ phải chuẩn bị có một món thôi mà đến công ty vẫn được thưởng thức một bữa cơm đúng kiểu “gia đình” với đầy đủ các món. Mà cực kỳ vui luôn, tình đồng nghiệp được gia tăng thêm mấy phần”.
Lợi ích của việc “góp gạo thổi cơm chung”
Hiện nay, nhiều nhóm chị em ở văn phòng thay vì chỉ chuẩn bị cơm trưa cho bản thân, mỗi người trong nhóm sẽ nấu một món ăn và mang đến văn phòng để chia sẻ cùng nhau. Ăn kiểu gia đình như này vừa vui lại vừa tiết kiệm được thời gian, công sức và cả tiền bạc cho mỗi người.
Trung bình mỗi món ăn chỉ có giá từ 35.000 – 40.000 đồng. Những món thịt, hải sản có thể nhỉnh hơn một chút với giá khoảng 50.000 đồng nhưng bù lại, một số bữa khác bạn có thể nấu canh hoặc mang các món rau, trứng,… thì sẽ chỉ tốn có 10.000 – 20.000 đồng mà thôi. Vì thế nếu ăn theo hình thức này sẽ giúp bạn tiết kiệm kha khá tiền trong ví.
Mỗi ngày bạn chỉ việc đi chợ và nấu 1 món thay vì bình thường phải nấu 2-3 món. Chuẩn bị 1 món nhưng bạn lại được thưởng thức 1 bữa trưa với 5 – 7 món khác nhau. Bạn cũng có thể đi chợ mua một món với số lượng nhiều hơn, như vậy sẽ tiết kiệm hơn là mua nhiều món với số lượng ít.
Thêm nữa, những bữa ăn như vậy giúp bạn đảm bảo đủ dinh dưỡng và hơn hết là cực kỳ an toàn vệ sinh thực phẩm.
Một số bí quyết làm nên bữa cơm “gia đình” tại văn phòng
Thành lập nhóm
Trước tiên bạn phải thành lập được một nhóm các chị em thân thiết tại văn phòng. Nhóm từ 3 người trở lên là hợp lý nhất và không quá 8 người. Quá đông người trong nhóm sẽ khó quản lý và ngồi ăn cùng nhau, vì vậy các bạn có thể chia thành 2 – 3 nhóm nhỏ sẽ phù hợp hơn.
Lựa chọn món ăn
Nếu trong nhóm của bạn có ai đó “kén” ăn, hãy chia sẻ cùng nhau những món mà bản thân bị dị ứng hoặc không thích ăn để mọi người có thể hạn chế nấu món ăn đó. Ngoài ra, bạn hãy lựa chọn những món ăn đơn giản, dễ nấu, dễ ăn với nguyên liệu tối giản như thịt bò xào, giò, chả, cải chíp luộc, trứng rán, xúc xích, đậu rán, chả lá lốt,…
Lên thực đơn
Nếu có thể, hãy lên một thực đơn theo tuần cho bản thân và chia sẻ cùng nhóm của mình để tránh trùng lặp món. Làm vậy bạn cũng không tốn thời gian mỗi ngày để suy nghĩ về việc hôm nay sẽ nấu món gì và cũng hạn chế khả năng mang trùng món với người khác.
Cân đối giá trị món ăn
Hãy cân đối giá trị món ăn tùy theo nhu cầu và khả năng của bản thân. Khi lên thực đơn theo tuần, bạn hay cân nhắc các món ăn sao cho phù hợp. Ví dụ một bữa thịt, cá, hải sản có giá cao hơn có thể bù lại bằng một bữa rau hoặc canh có chi phí thấp hơn.
Thực đơn tham khảo (mỗi món trung bình 30.000 đồng):
Thứ 2: Rau muống xào thịt bò (150gram thịt bò - 30.000 đồng, rau muống - 10.000 đồng, tổng: 40.000 đồng)
Thứ 3: Rau bắp cải xào (15.000 đồng)
Thứ 4: Thịt băm viên (200gram thịt heo - 30.000 đồng, nấm hương - 2.000 đồng, tổng: 32.000 đồng)
Thứ 5: Canh rau ngót (50gram thịt heo - 7.000 đồng, rau ngót - 8.000 đồng, tổng: 15.000 đồng)
Thứ 6: Thịt đùi gà xào chua ngọt (500gram thịt đùi gà - 35.000 đồng, cà chua - 8.000 đồng, tổng: 43.000 đồng)
Giá trên chỉ mang tính chất tham khảo
Tận dụng món ăn tối của gia đình
Bạn có thể mang theo bữa tối từ hôm trước còn dư. Chỉ có một lưu ý là nhớ kiểm tra món ăn xem có bị ôi thiu không trước khi mang đi. Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng những nguyên liệu chưa dùng đến. Ví dụ như thịt chưa dùng hết, rau chưa nấu hết còn nửa mớ hoàn toàn có thể trở thành nguyên liệu cho bữa trưa ngày hôm sau.