Không chỉ chèn quảng cáo trong phim hiện đại, các nhà sản xuất phim cổ trang cũng sẽ tìm đủ cách biến hóa để đưa sản phẩm tài trợ vào trong phim.
Nếu như bạn nghĩ chỉ có phim hiện đại mới có các sản phẩm quảng cáo xuất hiện, thì nhầm to. Quảng cáo trong các tác phẩm cổ trang là cả một nghệ thuật đòi hỏi sự sự động não cao, phải đưa các sản phẩm vào một cách thật tinh tế, làm không khéo thì chẳng khác gì xuyên không.
Không hiểu biên kịch của "Thanh Vân Chí" đã phải trăn trở suy nghĩ bao đêm để dành hẳn một phân cảnh cho thuốc dạ dày Tam Cửu Vị Thái. Trong cảnh này, lão thành chủ nói: “Ta vừa hay có một hộp thuốc dạ dày do Tam Cửu chân nhân luyện thành, dạ dày không tốt chỉ cần uống vào sẽ cảm thấy ấm áp.” Lời quảng cáo trôi chảy, nhuần nhuyễn như thế này, khán giả không khỏi tấm tắc vì sự “có tâm” của biên kịch.
Hộp thuốc được quay cận cảnh một cách khó hiểu, logo còn cách điệu từ 3 số 9, đúng là “Tam Cửu” đây rồi.
Không chỉ có thuốc đau dạ dày, trong phim còn có sự xuất hiện của tiêu cục tên Đồng Thành với biểu tượng gần giống số 58, hình ảnh không khỏi khiến người xem liên tưởng tới trang web phân loại thông tin nổi tiếng 58.com. Thậm chí cờ và biển hiệu tiêu cục cũng na ná logo của trang web này.
Tiếp đó, cảnh nhân vật đi vào trong sơn trang trà, khán giả đơn giản nghĩ là nội dung vở kịch diễn biến bình thường mà thôi. Thế nhưng khi diễn viên mở lời, khán giả đều cảm thấy tư duy của mình còn quá ngây thơ. "Khang sư phụ" - ông chủ của sơn trang trà giới thiệu đủ các loại trà: Trà xanh mật ong, thậm chí cả trà bưởi. Không ít khán giả phải đập bàn phím: "Trong phim cổ trang mà gọi thẳng cả nhãn hiệu trà Khang sư phụ cũng được à? Lại còn cả trà xanh hương bưởi, không phải đến thời hiện đại mới có sao?”
Một sản phẩm khác cũng được lăng xê quá đà: “Đông A A Giao” trong Hậu Cung Chân Hoàn Truyện. Loại thuốc này được Chân Hoàn thích, An Lăng Dung thích, ngay cả Ôn Thái y cũng thích, nhân vật cứ mở miệng ra giới thiệu thuốc quý sẽ chỉ có Đông A A Giao. Đông A A Giao quả là thần dược, cái gì cũng bổ, nhỏ thì giúp ăn ngon, giảm sốt, lớn thì bổ thai, trợ sản. Tóm lại, trong Chân Hoàn Truyện có mắc bệnh gì đều dùng Đông A A Giao. Đương nhiên, Đông A A Giao ngoài đời chính là tên của một công ty thuốc có thật.
Không chỉ có Chân Hoàn Truyện, Đông A A Giao cũng là phương thuốc nổi tiếng trong Nữ Y Minh Phi Truyện của Lưu Thi Thi và Hoắc Kiến Hoa.
Bên cạnh trà, thuốc, ngay cả nước tăng lực cũng xuất hiện trong phim. Trong Lão Cửu Môn, khán giả không khỏi ngớ người khi nhìn thấy logo của hãng nước tăng lực Eastroc Super Drink. Tuy đã được biến tấu một chút cho hợp với hơi hướng thời đại nhưng vẫn dễ dàng nhận ra nhãn mác của thứ đồ uống này.
Trà, thuốc, nước uống thì còn dễ “cài cắm” vào kịch bản, nếu như nhỡ nhận tài trợ của một công ty điện thoại, nhưng lại làm phim cổ trang thì phải làm sao đây? Đương nhiên là nhân vật đó sẽ có cơ hội tình cờ xuyên không, lại tình cờ cầm cả cái điện thoại về thời cổ đại. Điện thoại đó sẽ tốt tới mức vẫn có thể bắt sóng, dùng ứng dụng như thường.
Ví dụ như nhân vật của Hồ Ca trong phim Thần Thoại sử dụng điện thoại LG KP500, vui vui thì tự sướng cái chơi.
Logo của ứng dụng mua sắm trực tuyến Chuchujie xuất hiện lộ liễu trong "Thức Nhữ Bất Thức Đinh".
Cảnh trong Bộ Bộ Kinh Tâm, các vương gia khen loại quả ướp lạnh “tan ngay trong miệng, nuốt rồi vẫn thơm”. Khán giả chán chường lườm nguýt: “Nghĩ là mắt bọn tôi kém lắm hả, rõ ràng là thạch rau câu hoa quả, lại còn kèm thêm cả cái lời quảng cáo đấy nữa”.