Khó có thể lý giải được chi tiết "sạn" vô lý vì lỗi biên tập và kỹ xảo cẩu thả.
Đầu tư vào phim cổ trang không hề nhỏ nhưng các nhà làm phim Việt vẫn vấp phải những lỗi kỹ xảo khiến khán giả "dở khóc dở cười".
Bộ phim Duyên tiên trời định phát sóng trên đài truyền hình Vĩnh Long hiện đang sở hữu lượt xem cao nhất nước. Nội dung phim xoay quanh hai nhân vật chính do Hòa Hiệp và Quỳnh Lam thể hiện. Vì yêu nhau nên Kim Sang và Phạm Trung vi phạm luật trời, bị đày xuống trần gian chịu phạt. Mặc dù được đánh giá cao về nội dung và diễn xuất nhưng bộ phim vẫn nhận về nhiều ý kiến trái chiều vì kỹ xảo không đẹp.
Trong đoạn trích này, số đông khán giả nhận xét hình ảnh thiếu thuyết phục và thẩm mỹ. Nhiều cảnh phim gây cảm giác giả, lộ rõ việc diễn viên ghi hình trên phông xanh và ghép với khung cảnh được đồ họa bằng 3D phía sau.
Kỹ xảo của bộ phim được khán giả nhận xét là quá "giả trân".
Phần nhìn không thực sự chỉn chu khiến người xem lắc đầu. "Kỹ xảo 3 xu nhưng phim hay lắm nên cũng cố xem", "Tôi thấy kỹ xảo còn thua cả series Cổ tích Việt Nam ngày xưa", "Kỹ xảo thì không có gì để nói nữa nhưng phim khá ổn cả về diễn xuất lẫn tình tiết"... là một số bình luận của dân mạng.
Ngoài Duyên tiên tiền định, trước đó nhiều bộ phim cổ trang cũng bị khán giả than phiền vì nhiều "sạn".
10 ngón tay để móng dài của hoạn quan vào thời Lê gây tranh cãi trong phim Đại Hành hoàng đế.
Binh lính để kiểu tóc hiện đại trong phim là hiện trạng thường thấy trong các phim cổ trang Việt.
Binh lính tử trận trong tư thế "thương kẹp nách" khiến dân mạng ngán ngẩm. Ngoài ra, các đòn đánh của quân lính hai bên không đủ lực. Ở một số góc máy gần, có thể thấy các diễn viên đánh như giỡn với nhau....
Trong Huyền sử Vua Đinh, người xem phát hiện ra loạt chi tiết không hợp lý ở tạo hình nhân vật như đánh trận mặc đồ lụa ra trận, nhân vật cắt tóc hiện đại, râu tóc giả… Sát thủ nhuộm tóc, thích khách ngoi lên từ hồ sen nhưng tóc và quần áo không bị ướt. Bối cảnh lộ nhà cấp bốn và cột điện, cổng thành làm bằng cốt tre.
Chi tiết cung chưa kéo căng mà tên đã phóng đi bị khán giả “soi” ra trong phim.
Không riêng gì trong phim Huyền sử Vua Đinh, nhiều phim cổ trang Việt cũng vấp phải lỗi sai này vì dàn diễn viên diễn xuất hời hợt, tướng lĩnh đánh nhau còn binh lính đứng ngó. Bên cạnh đó, nhiều khán giả còn chỉ ra phim có những binh lính đeo kính cận, có người đeo cả nhẫn vàng trắng, nạm hột xoàn như người hiện đại.
Trong bộ phim Trần Trung Kỳ Án, cảnh đoàn rước kiệu tân trạng nguyên về làng, trong số các diễn viên quần chúng có người giơ cao chiếc điện thoại thông minh lên để chụp hình. Nhiều người xem phì cười vì diễn viên có thể hồn nhiên quên mình đang ở trong một phim cổ trang. Không những vậy, biên tập cũng đã không phát hiện ra chi tiết này và để cảnh quay lên sóng.
Cảnh phim Phượng Khấu nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Từ bên ngoài, có thể thấy có cả trăm quan đại thần. Nhưng từ trong điện Càn Thành nhìn ra, bên ngoài không một bóng người.
Phim cổ trang nhưng Mỹ nhân kế lại để lọt khung hình tàu biển hiện đại trong một cảnh quay. Ngoài ra, phục trang của diễn viên nữ cũng bị nhận xét "thiếu vải".
Ở những cảnh đánh nhau, các tên sát thủ thường đứng chờ, không hề xông lên mà đợi nhóm này bị các người đẹp giết xong, nhóm khác mới tiến đến.
Hoa hậu Thùy Lâm đóng vai Công chúa Ngọc Hân trong Tây Sơn hào kiệt. Dù Thùy Lâm diễn tả thần thái của công chúa đã chuẩn xác nhưng khi viết chữ, đầu bút vẫn còn trắng tinh khiến khán giả phì cười.
Các cảnh quay khác trong Tây Sơn hào kiệt cũng bị phát hiện nhiều chi tiết “sạn” như mái bê tông, đèn đá kiểu Nhật xuất hiện ở khung hình phim cổ trang. Ngoài ra, quân lính của Nguyễn Huệ mặc đồng phục nâu sồng, quần cũng quấn khăn nâu là điều không phù hợp với lịch sử. Bởi quân Tây Sơn khi mới dấy binh hầu hết là nông dân, Kinh có, Ba Na có, họ không có đồng phục sáng đẹp như vậy.
Cảnh quay bị lộ hình ảnh cột điện cao thế phía xa là chi tiết "sạn" thường thấy trong phim cổ trang.
Nhân vật của Lã Thanh Huyền trong phim Thái sư Trần Thủ Độ mắc lỗi sai khi mở dọc sách tre, bởi sách tre của thời nhà Trần vốn được đọc ngang.
Hình thêu sư tử trên áo vị quan khiến nhiều người liên tưởng đến Simba trong phim hoạt hình đình đám Vua sư tử.