Bà con buôn bán ở đây không chỉ là những người kinh doanh, mà họ còn là những đại diện của sự thân thiện và nhiệt huyết, tạo nên không khí tràn đầy sức sống, rất đặc trưng của lối sống miền Nam nồng thắm.
Nằm bên nhánh sông nhỏ trước khi đổ ra dòng Xáng Xà No tấp nập ghe thuyền thương hồ qua lại, chợ Chồm hổm Vị Thanh từ sớm tinh mơ đã rộn ràng kẻ bán người mua, tiếng rao hàng rôm rả, í ới cả một khúc sông quê.
Rộn ràng ngôi chợ quê buổi sớm (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Phạm Thanh Sơn).
Chợ nằm lộ thiên dưới chân cầu Cái Nhúc, sát bên nhánh sông nhỏ cùng tên.
Mặt bên kia đối diện chợ Vị Thanh, đường Nguyễn Văn Trỗi P. 3, TP. Vị Thanh, Hậu Giang.
Nơi đây, bà con kê ghế để ngồi hoặc ngồi xổm nên còn gọi là chợ "chồm hổm".
Ngay đầu chợ, thấy sạp trái cây tươi ngon, tôi liền sà tới, lui cui kê máy canh góc chụp. Cô em bán hàng rao liền: “Dú (vú sữa) đi anh, dú em vừa to vừa ngọt, lại thơm ngon, mát lành…”.
Phì cười bởi cái cách rao hàng chơn chất - chân quê, tôi ghẹo: “Vú to mà còn phải từng cặp căng mọng, mơn man xanh mát, nhiều sữa mới mua nhen”.
“Vú này em bán kí, anh muốn loại to, lại còn căng tròn từng cặp thì quá bộ xuống cuối chợ, chỗ gần bến sông, nói dì Tư bán cho cặp dưa hấu dài tổ nái hay mấy trái dứa gai là có liền, vừa thơm ngon vừa mọng nước héng, hiii…”, cô em bán hàng cũng không vừa, bổ bả đáp lời.
Vùng đất phèn Hậu Giang còn nổi tiếng với trái dứa (khóm Cầu Đúc) đặc sản xứ này.
Sản vật miền đồng bằng do các hai lúa chánh hiệu con nai vàng ngơ ngác bày bán: ổi vườn độ hơn mươi ngàn 1 kí, su su, bắp cải, bí bầu, cà chua, cà dê, rau rợ còn rẻ hơn, chỉ vài ba ngàn/bó to ụ.
Chợ bán sản vật địa phương, từ con khô, mớ rau tập tàng sau vườn; đám cá rô còn tung tăng trong xô chậu cho tới lươn, ếch, chuột nhum bắt ngoài đồng v.v..
Chợ cũng mới thành lập lại khoảng chục năm nay, phân chia từng ngăn, sắp xếp chỗ ngồi cho bà con vào buôn bán thuận tiện. Đặc biệt, BQL chợ quy định chỉ được bán các mặt hàng tự nuôi, tự trồng, tự đánh bắt. Không được kinh doanh các mặt hàng nhập khẩu nước ngoài, hàng đông lạnh, nuôi trồng công nghiệp và không phải sản vật của địa phương.
Người mua, kẻ bán cứ thế lom khom, chồm hổm lựa hàng, tính giá thoải mái bán mua.
Ngôi chợ quê được biết đến với nhiều cái tên dân dã như: chợ bến sông, chợ nông thôn, chợ đồng, chợ đống vì chất ngồn ngộn hàng hóa thành từng ụ, từng đống v.v.. Nhưng được biết nhiều nhất với cái tên chợ chồm hổm (Vị Thanh).
Bởi lẽ, bà con buôn bán nơi đây không có quầy sạp, dù che hay xây kiosk cố định như các nơi khác. Người bán ngồi chồm hổm (ngồi xổm) hoặc kê chiếc ghế nhỏ, rồi xếp hàng hóa ra bán gọn gàng trong khoảng độ vài mét vuông là thỏa thích bán bán - mua mua xôm tụ.
Trước kia nơi này bà con họp chợ bên bến sông, xây cất tạm bợ, xập xệ, nước đọng kèm rác lềnh khắp, vừa dơ vừa mất vệ sinh. Giờ đây đã khang trang, sạch đẹp hơn trước nhiều rồi, cô Tâm cho hay.
Ngang qua thau mắm đưa hương ngào ngạt khiến tôi phải nán lại hỏi thăm. Cô Trần Thị Bé Tâm, một tiểu thương thuộc hàng lâu năm tại đây vồn vã (đon đả) cho hay: “Thường thì tụi này chuẩn bị, bày hàng ra từ rất sớm, khoảng 2 – 3 giờ sáng đã bắt đầu rục rịch dọn hàng rồi”.
Hàng hóa lủ khủ, phân chia theo từng khu vực ngăn nắp, sạch sẽ.
Từ con khô, hủ mắm, hành tỏi ớt, cây trái theo mùa đều có đủ.
Các sản vật đều do chính những người nông dân làm ra đem đến bán nên mang đậm nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người dân miền Tây sông nước.
Chủ yếu là đồ nông, thủy sản đồng quê, mình tự tay nuôi trồng hay đánh bắt như: rau củ quả, tôm cua ốc mực, cá mắm. Sâu trong nhà lồng chợ bên kia thì đồ bán đa dạng hơn, có cả mấy sạp bán các đồ gia dụng như rổ rá, xoong nồi, dao thớt... hằm bà lằng đủ thứ. Còn bên đây dọn ra bán sớm, nghỉ sớm cho mát mẻ; gần trưa nắng lên thì thu dọn, trả lại mặt bằng cho BQL chợ dọn dẹp vệ sinh, cô Tâm nói.
Chợ chuyên bán sản vật của bà con trong vùng, mùa nào thức nấy, mỗi sạp hàng chỉ khoảng vài mét vuông là đủ (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Phạm Thanh Sơn).
Với khuôn viên 700 m², chỗ ngồi bán được chia thành từng ô, từng hàng san sát nhau; mỗi ô cho thuê với giá chỉ vài chục ngàn tùy chỗ lớn nhỏ. Người bán bày ra các hàng hóa trong rổ, sọt hoặc trải thẳng lên các tấm bạt, tấm ni lông sạch sẽ.
Các loại mặt hàng được phân chia các khu vực gọn gàng, vuông vức trên những sạp hàng; hàng khô, hàng ướt còn được phân khu riêng biệt. Chính vì sự chỉnh chu này đã khiến không ít du khách có dịp ghé qua phải mắt chữ A mồm chữ O đầy sự ngạc nhiên, thích thú khen ngợi.
Khoảng 7 – 8 giờ sáng, chợ tấp nập người mua kẻ bán cùng du khách gần xa.
Chị Lý dẫn đầu “binh đoàn” đổ bộ vào khu chợ, tỏa ra thu gom sản vật địa phương.
Hơi bất ngờ vì giá “rẻ giựt mình”, chị Trần Thị Minh Lý nhà ở Q.2, TP.HCM phải thốt lên: “Đồ ở đây tươi ngon, chất lượng mà giá cả thì chỉ có xách bịch bịch vác ra xe chở về, vì rẻ còn hơn đi chợ sỉ, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức hay Bình Điền ở Sài Gòn.
Dô đây lựa đồ mắc ham vì không những rẻ, ngon mà bà con buôn bán cưng hết biết, “quẹo lựa… quẹo lựa bưng dìa thoải mái nha gái”. Đã vậy, mình nói quên mang tiền, bà con liền cho thiếu (nợ) luôn, còn hào sảng kêu chừng nào rảnh đem tiền ra trả, thoải mái thiệt tình, chị Lý hồ hởi nói.
Chợ quê dân dã vì những người bán hàng trong chợ đa phần là nông dân địa phương nên giá cả tính ra khá mềm so với các nơi khác.
Giá như chợ có bán thêm một số hàng hóa đặc trưng của tỉnh nhà để du khách tiện mua về làm quà lưu niệm như hàng mây tre lá, túi giỏ đan lát… để tặng người thân và bạn bè thì còn hay bằng, ông Nguyễn Quang Hòa, du khách từ Nghệ An đi tour sông nước miệt vườn Nam bộ góp ý.
Từ tờ mờ sáng người dân quanh vùng đã chở hàng ra chợ bán, đến khoảng hơn 10 giờ là tan chợ.
Dãy nhà lồng sát bên, hàng quán lủ khủ, thơm lừng: hủ tíu, bánh canh, bún bò, cơm phở bốc khói nghi ngút, sẳn sàng phục vụ bà con đi chợ sớm.
Nay mới dọn ra hơn tiếng đã bán xong mớ rau tập tàng đủ loại hái sau nhà; tui bù thêm ít xách con vịt ra đây, ai ưng thì rước dìa, không nữa thì chờ ổng (chồng) uống cà phê xong hốt lên xe “thỉnh dìa dưới”, chị bé Ba ở Ấp 7, Vị Thủy niềm nở nói.
Sự ngăn nắp, tinh tươm đã khiến nơi đây thành danh ngôi chợ chồm hổm vô cùng độc đáo ở miền Tây sông nước Nam bộ (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Phạm Thanh Sơn).
Bà con thường họp chợ từ 2 giờ sáng, nhộn nhịp nhất vào thời điểm từ 6 - 8 giờ, phục vụ chủ yếu là bà con và người dân quanh vùng, tuy nhiên tiếng lành đồn xa, du khách các nơi về chơi hay đi du lịch các tỉnh thành khu vực ĐBSCL cũng thường ghé qua tham quan, mua sắm.
Chính bởi sự chân chất, bình dị cùng với sự ngăn nắp, sạch sẽ mà tiếng lành đồn xa, ngôi chợ quê dân dã xứ miệt vườn sông nước Nam bộ đã làm nên thương hiệu Chợ chồm hổm ở Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, hấp dẫn du khách gần xa.