Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán 2019, đây cũng là thời điểm làng nghề ép chuối khô ở xã Trần Hợi (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) tất bật chuẩn bị hàng để phục vụ cho thị trường Tết. Theo người dân, vụ chuối khô Tết năm nay sản lượng tăng từ 30-50% so với ngày thường.
Đi dọc các tuyến đường của xã Trần Hợi, nơi tập trung nhiều hộ làm nghề ép chuối khô, chúng tôi mới cảm nhận hết không khí tất bật của vụ chuối khô Tết.
Anh Phạm Văn Quỳnh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trần Hợi, cho biết: “Khu vực ép chuối khô tập trung nhiều nhất là ở các ấp 10A, 10B, 10C với khoảng 50 hộ hành nghề. Đây là nghề truyền thống lâu đời của địa phương và giải quyết được lượng lớn lao động. Mỗi nhân công làm cho các cơ sở ép chuối khô có thu nhập từ 4-6 triệu/người/tháng”.
Làng chuối khô Trần Hợi nổi tiếng khắp nơi bởi chất lượng vượt trội.
Theo người dân địa phương, mùa vụ chính của nghề ép chuối khô bắt đầu từ khoảng tháng 10 năm trước đến tháng 3 âm lịch năm sau. Tuy nhiên, hiện xã có 2 cơ sở sản xuất chuối khô đầu tư lò sấy, nên có thể hoạt động quanh năm.
Nguồn nguyên liệu chính để làm chuối khô phải là chuối xiêm già. Chuối xiêm già sau khi được thu mua thì đem đi ủ chín trong khoảng 2 ngày. Tiếp theo, chuối được lột vỏ, mang vào lò sấy khoảng 6 tiếng cho khô lại, hoặc đem phơi một ngày. Sau đó, đem chuối trái đã khô cho vào khuôn ép mỏng. Cuối cùng, chuối lại được đưa vào lò sấy khoảng 12-15 giờ, hoặc đem phơi năng 2 ngày nữa mới ra thành phẩm.
Hiện xã Trần Hợi có khoảng 50 hộ dân theo nghề ép chuối khô.
Với gần 30 năm gắn bó với nghề ép chuối khô, cơ sở của gia đình anh Trần Duy Thanh (ngụ ấp 10B) được xem là nơi có mặt hàng chuối khô chất lượng. Anh Thanh cho biết: “Đây là nghề đã được gia đình truyền qua 3 thế hệ. Thời gian trước, nghề ép chuối khô được làm hoàn toàn thủ công, phải phụ thuộc vào thời tiết nên mất nhiều công, chất lượng chuối cũng không đồng đều. Từ khi sử dụng lò sấy, chuối khô đều hơn, đẹp hơn. Nhờ đó sản phẩm làm ra có giá cao hơn”.
Theo anh Thanh, khi sử dụng lò sấy, người làm chỉ mất khoảng 24 tiếng là xong một mẻ chuối với sản lượng khoảng 400-450kg, rút ngắn hơn nửa thời gian so với phơi nắng. Trung bình mỗi tháng gia đình anh xuất ra thị trường khoảng 7-10 tấn chuối khô; thời điểm gần Tết sản lượng có thể tăng thêm từ 30-50%. Bình quân gia đình anh thu từ 80-100 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí lãi từ 15-20 triệu đồng/tháng.
Hiện chuối khô được cở sở bàn với giá từ 15.000-20.000 đồng/kg, nếu đóng gói thì từ 28.000-35.000 đồng/kg. Sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu ở một số tỉnh của ĐBSCL và TP.HCM.
Xin được giới thiệu đến bạn đọc một số hình ảnh tại làng chuối khô Trần Hơi:
Làng chuối khô tại xã Trần Hợi hình thành và phát triển khoảng 100 năm nay.
Chuối nguyên liệu được ủ chín, sau đó lột vỏ và đem phơi một ngày hoặc sấy trong 6 giờ.
Sau đó, được đem đi ép trong khuôn định hình, mỗi khuôn chuối từ 3-5 trái chuối.
Tiếp đó, chuối lại được đưa vào lò sấy khoảng 12-15 giờ, hoặc đem phơi nắng 2 ngày nữa mới ra thành phẩm.
Mỗi vỉ chuối có kích thước 0,8m x 1,8m chứa khoảng 36 khuôn chuối.
Chuối khô thành phẩm.
huối khô đạt yêu cầu phải ngã sang màu vàng sậm nhưng không đen, tươm mật.
Mỗi nhân công làm việc tại các cơ sở có thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng.
Hiện chuối khô có giá thu mua tại chỗ từ 15.000-20.000 đồng/kg, nếu đóng gói thì từ 28.000-35.000 đồng/kg, tiêu thụ chủ yếu ở thị trường các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM.
Cơ sở chuối khô của gia đình bà Hồ Kim Hạnh (ấp 10C, xã Trần Hợi) đã hoạt động hơn 30 năm.
Để phục vụ nhu cầu của thị trường, cơ sở của bà Hạnh đã có nhiều sản phẩm mới, như chuối mít, chuối hồng, chuối sấy trái, chuối ép tròn. Trong ảnh: Sản phẩm chuối khô được phủ một lớp hỗn hợp mít và gừng.