Đọc cuốn sách Đàn ông trưởng thành không vô tâm, tác giả Cu Trí sẽ kể bạn nghe tất tần tật những chuyện "vỡ mộng" trong mắt cánh đàn ông khi bước vào hôn nhân.
Đàn ông trưởng thành không vô tâm là cuốn sách nhỏ tập hợp những ghi chép vụn vặt của nhà báo Hoàng Minh Trí (Cu Trí). Người đàn ông ấy tự nhận bản thân còn nhiều đức tính xấu xí rất khó chấp nhận. Một ông bố nửa trẻ nửa già chấp chới bước vào ngưỡng tuổi 40 vẫn ham chơi, lười nhác.
Nhưng ở ngưỡng 40 dài ngắn đi qua nửa cuộc đời, những điều tốt xấu trong bản ngã con người cũng như xã hội được viết ra dưới cái nhìn thấu đáo, chân thực, không màu mè tô vẽ.
Đó là một chàng trai “ngụy biện” cho những lần quên ngày kỷ niệm với bạn gái. Là một ông chồng chẳng mấy khi quan tâm đến sở thích của vợ. Là một ông bố cảm thấy tội lỗi, ăn năn khi con mình bị ngã mà không hay biết… Tất cả đều được tái hiện một cách chân thật, sinh động qua lối viết vừa góc cạnh nhưng cũng rất bình thản, vừa nhẹ nhàng nhưng vẫn thâm thúy, sâu cay.
Cái hay của Cu Trí chính là nhìn cuộc đời theo một khía cạnh rất riêng, và kể những điều mắt thấy tai nghe một cách tưng tửng. Trong mỗi con người, đặc biệt là đàn ông thì quan niệm giá trị về cuộc sống cũng khác nhau. Người đặt nặng chuyện công danh, người đặt nặng về tiền bạc hay cũng có người đặt giá trị gia đình - con cái lên tất cả.
Cu Trí, thuộc về dạng cuối, bởi theo anh: “Con cái luôn là thứ tài sản vô giá và bóng dáng một người cha cho dù mờ đi nữa nhưng vẫn luôn cần hiện diện trong quá trình hình thành từ nhân cách đến tư cách, sự tử tế của mỗi đứa trẻ”.
Thật ra việc làm bố đối với bất kỳ người đàn ông nào trên thế giới này đều nhang nhác chểnh mảng giống nhau, khó toàn vẹn. Tình “huynh đệ”, mùi bia rượu, thậm chí đàn bà luôn khiến quỹ thời gian của họ trở nên hạn hẹp. Nhưng những gì viết ra sau bữa tiệc tàn, lúc ngà ngà say ấy lại "tỉnh" nhất.
Trí viết nhiều về những đứa trẻ: đánh con, nỗi buồn trẻ con, con gái bé bỏng, tản mạn chuyện cha con, thời gian cho con, anh hùng của con... bằng thứ câu chữ giản dị, rất nồng, đến nỗi cay cả sống mũi...
Làm sao đàn ông có thể vô tâm khi bắt gặp những dòng này:
“- Con rất yêu bố con, bố con chắc bận việc nên quên con thôi…
- Thế điều gì con thấy không vui với bố nhất, có phải vì ông hay đi nhậu không?
- Dạ không… Con không vui vì bố ít khi ở nhà với con thôi.”
(Tự sự của gã say – Cu Trí)
Một điều nữa, dường như Cu Trí luôn đứng về phía phụ nữ dù lối viết của anh có đôi phần chẳng khác gì cái cách mà anh đang cà kê phố xá với đám bạn. Trong “con mắt đầy trọng thị phái đẹp”, phụ nữ luôn chịu nhiều thiệt thòi.
Hôn nhân là chuyện cực kì phức tạp. Có thể tồn tại nhiều cuộc hôn nhân tốt đẹp, nhưng về cơ bản "không có cuộc hôn nhân nào dễ chịu". Kinh nghiệm của người này có thể là thất bại của người khác. Nhưng nếu biết giữ lấy bàn tay, khi người này níu người kia cũng mềm lòng thì mọi cuộc hôn nhân đã có thể khác đi.
“Suy cho cùng, ai cũng chỉ muốn được yên ấm trong một bàn tay mà mình tin tưởng”. (Ảnh: Internet)
Đàn ông không phải là một cái thước đo để phụ nữ ướm vào mình cho vừa vặn, cũng không phải một bộ cánh đẹp đẽ để chị em mặc vào người cho “sang”. Thế nên, cuốn sách của Trí như người nói hộ tâm tư giữa vợ chồng, cha con – những câu chuyện hao hao giống nhau của nhiều gia đình.
Đàn ông chỉ thực sự trưởng thành khi làm bố - Trí nói vậy. Và chắc hẳn khi nhìn vào đôi mắt trẻ thơ, khi hiểu trách nhiệm yêu thương và giáo dục con bằng vòng tay đủ đầy của cả cha lẫn mẹ, bạn sẽ tin đó là sự thật. Vì "một người đàn ông không biết lo cho gia đình mình sẽ không bao giờ có thể là một người đàn ông chân chính".
Liệu có khi nào đàn ông hoàn toàn hết vô tâm? Làm sao để biết cách cân bằng, làm sao để biết khi nào nên nhún nhường, khi nào nên cứng rắn trong quá trình chung sống? Hãy đọc Đàn ông trưởng thành không vô tâm và tự rút ra bài học cho riêng mình. Bởi chúng ta yêu khác nhau, trái tim đập khác nhau, nên sẽ không có đáp án chung nào cho câu hỏi này cả.