Cuốn sách đưa đến câu chuyện đẹp về tình thân vĩnh viễn không thể thay đổi giữa con gái và cha.
Lưu Tử Khiết là tác giả, đạo diễn điện ảnh người Đài Loan. “Ký ức về cha” là tâm sự của chính tác giả - người đã phải rời xa quê hương để đi làm trong bảy ngày sau khi cha cô qua đời. Từng trang sách tái hiện lại ký ức và sự ảnh hưởng của cha đối với cuộc sống của cô.
Dù là tâm sự của một người con vừa mất đi người cha thân yêu nhưng tác phẩm không mang tới cảm giác đau đớn hay tuyệt vọng. Thay vào đó, những ký ức tươi đẹp, những nhớ mong da diết của người con dành cho cha và sự lạc quan tin rằng cha đã đến một nơi tốt đẹp bao trùm cả cuốn sách.
“Ký ức về cha” ghi lại những cảm xúc và cuộc sống của Lưu Tử Khiết sau khi cha cô qua đời. Những hình ảnh cuối cùng mà cô nhìn thấy là cha nằm trên giường bệnh với đủ loại ống nối, dây rợ, máy móc cắm vào người cha mình.
Giây phút tim của cha mình ngừng đập, cô gái trẻ không cảm thấy đau khổ mà ngược lại lại cảm thấy như được giải thoát. Bởi giờ đây, cha cô không còn bị bệnh tật hành hạ, không còn bị những kim tiêm, ống truyền hành hạ mỗi ngày. Cha cô đã về với nơi bình yên, rời xa những đau đớn của cuộc sống này.
Tử Khiết cùng với gia đình mình lo ma chay cho cha. Cô chỉ được ở bên cha 7 ngày rồi lại tất bật quay trở về với thành phố, với công việc. Người trẻ ngày nay muốn bay cao bay xa, muốn thành công trong sự nghiệp đều phải rời xa quê hương và đến một thành phố xa lạ để lập nghiệp. Dù người thân yêu nhất của mình qua đời thì người sống vẫn phải tiếp tục sống, vẫn tiếp tục hành trình mưu sinh nơi đất khách quê người.
Giây phút đau lòng nhất khi mất đi người thân hóa ra không phải là lúc người đó trút hơi thở cuối cùng mà là những ngày tháng nhớ mong khôn nguôi sau đó. Trở về thành phố làm việc, những tưởng mọi thứ đã trở lại như bình thường nhưng Lưu Tử Khiết mới phát hiện ra những ký ức và nỗi nhớ mong cha lại hiện hữu trong cô từng phút giây.
Khi nhìn thấy quầy rượu và thuốc lá miễn thuế, cô liền ngay lập tức nghĩ rằng sẽ mua cho cha một cây thuốc hiệu Trường Thọ Vàng. Sau giây phút đó, cô khóc nức nở tròn nửa tiếng đồng hồ. Tất cả mọi thứ bất ngờ lao vào cuộc sống, cô đều ngay lập tức nhớ đến lời nói và những thói quen của cha.
Trong những ngày tháng khó khăn, những ký ức về cha chính là sức mạnh để Lưu Tử Khiết vượt qua và đạt đến thành công. Dù qua bao nhiêu thời gian nữa, tình thân giữa cha và con gái mãi mãi không thay đổi.
“Người chết chỉ thực sự chết khi không còn sống trong lòng người khác”. Tử Khiết biết rằng cha sẽ sống mãi trong trái tim mình nên cô mới có thể nhìn nhận sự ra đi của cha một cách lạc quan.
Cuốn sách “Ký ức về cha” còn ghi lại quãng thời gian gắn bó của tác giả khi quay tác phẩm điện ảnh cùng tên. Cảnh quay cuối cùng của tập phim để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng tác giả và người đọc.
Thứ làm ta cảm thấy tiếc nuối nhất thường không phải là những ký ức tươi đẹp mà là những mong ước muốn vẫn còn dang dở. Lưu Tử Khiết rơi nước mắt trong khoảnh khắc đó không phải vì được sống lại những ký ức đã qua mà vì cô biết, mình không bao giờ có thể cùng cha thực hiện bất cứ điều gì nữa.
“Ký ức về cha” không quá xuất sắc trong ngôn từ hay có tình huống truyện động lòng người. Nhưng nó là những câu chuyện thật, những cảm xúc thật của một người con gái mất đi người cha thân yêu của mình.
Tâm sự, ký ức và những gì Lưu Tử Khiết đang phải trải qua cho người đọc thấy được hình ảnh câu chuyện của mình trong đó. Những đứa con phải bôn ba nơi đất khách quê người vì gánh nặng mưu sinh, đến khi người thân nhắm mắt xuôi tay chỉ có thể bắt chuyến tàu sớm nhất trở về nhìn mặt họ lần cuối. Hoàn cảnh đó bóp nghẹt trái tim độc giả.